Cứ đến mùa thực tập là SV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chạy như bướm bướm. Ông Lê Ngọc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phương Đông Đà Nẵng, nhận được cú điện thoại than phiền của giám đốc một bệnh viện ở Tây Nguyên: “Tôi bận túi bụi mà gần như ngày nào cũng có SV của ông đến đưa giấy giới thiệu xin thực tập, thật là phiền quá! Các ông làm như vậy có phải đem con bỏ chợ không?”.
Khi nhà trường “khoán trắng” việc thực tập cho SV
SV ngành điều dưỡng Trường Cao đẳng Phương Đông thực tập cuối khóa. (ảnh do nhà trường cung cấp) |
Lãnh đạo nhà trường ngay từ bước đầu tiên đã xem nhẹ việc thực tập của chính SV mình thì bảo sao lãnh đạo nơi tiếp nhận SV không làm qua loa chiếu lệ, hời hợt giao cho bộ phận này, phòng ban kia trực tiếp hướng dẫn cho SV thực tập. Đến lượt mình, các bộ phận, phòng ban lại giao cho một vài người nào đó “chăm sóc” các em trong thời gian thực tập. Nói là thực tập, nhưng thực ra SV có mấy khi được tiếp cận với cách xây dựng tài liệu, học tập chuyên môn của đơn vị, nhất là ở những doanh nghiệp? Em T.H. thực tập nghề kế toán ở một công ty kinh doanh hàng nội thất, hôm đó các anh chị ở công ty đang rôm rả bàn luận các “thủ thuật” cập nhật sổ sách, thấy H. vào, tất cả đều im bặt. Biết mình xuất hiện không đúng lúc, H. buồn bã bỏ đi.
Không ít SV đã bỏ đi lông bông đâu đó, lâu lâu ghé lại nơi thực tập. Cuối cùng, xin tài liệu cũ của các SV trước để lại, về “xào nấu” thành bài mới của mình và thường là kết thúc đợt thực tập trong… thành công.
Với cách thực tập như thế, khó nói đến chất lượng “đầu ra” của SV. Một phụ huynh than phiền cậu con tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng ra trường không làm được gì thì nó trả lời: Học ở trường chỉ để kiếm điểm thôi, không thực hành được bao nhiêu nên ra ngoài đời rớ vào đâu cũng khó làm được.
Trường thả nổi, SV muốn thực tập có chất lượng chỉ còn cách tự thân lo liệu. Ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng VH-TT quận Liên Chiểu cho biết: “Đối với các SV được trường “khoán trắng” việc thực tập, chúng tôi xem các em như con em trong nhà, cử cán bộ trực tiếp xuống gửi gắm các em cho các địa phương”. SV Trịnh Thị An, quê Hưng Yên, thực tập từ 25-1 đến 4-4-2010 với đề tài “Làng Hòa Mỹ - bản sắc văn hóa làng”, bày tỏ niềm vui: “Được học tập tại thành phố xinh đẹp này đã hạnh phúc rồi, càng hạnh phúc hơn khi qua thực tập được tiếp xúc vẻ đẹp truyền thống đầy thiêng liêng của các lễ hội ở Đà Nẵng. Nếu không được các bác, các anh chị nhiệt tình giúp đỡ thì chúng em khó có được thành công đó”.
Một cách làm, hai lợi ích
SV Trường Đại học Ngoại ngữ tìm tài liệu ở Thư viện nhà trường trước khi đi thực tập. |
Với SV hệ cử nhân, việc thực tập có khó hơn. SV cử nhân biên dịch, phiên dịch, tiếng Anh thương mại… có nguyện vọng thực tập tại một số trường ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay thâm nhập một số doanh nghiệp để tìm hiểu cách làm ăn của nước ngoài, theo thầy Hòa, nếu trường liên hệ thì chưa đủ sức nên để cho các em tự đi tìm nơi thực tập, tự định hướng cho mình để tìm cơ hội việc làm về sau. Đây là hướng mở, mà không mở như thế thì nhà trường cũng không làm khác hơn được. Nhiều SV cũ về thăm trường, đánh giá cách làm này là đúng: “Nhờ thầy hồi đó “thả” cho các em tự lo mà em mới tiếp cận được công ty này rồi làm ở đó tới chừ luôn”.
Đưa SV đi thực tập ở xa cũng là khó khăn của một số trường như Cao đẳng Phương Đông. Lần đó, khi nhận điện thoại phàn nàn từ giám đốc một bệnh viện ở Tây Nguyên, ông Lê Ngọc Việt mới “ngộ” ra rằng, bao nhiêu năm nay mình đều làm như vậy thì đúng là “đem con bỏ chợ”. Năm nay, chuẩn bị cho gần 700 SV ngành điều dưỡng (khóa 2) và 400 SV ngành kinh tế - kỹ thuật ra trường, nhà trường đã có một cách làm hoàn toàn mới.
SV đăng ký thực tập tại cùng một địa phương được lập danh sách riêng, nhà trường cử cán bộ trực tiếp mang danh sách đi tiền trạm đến các đơn vị nhận SV thực tập, ký kết hợp đồng. Cho SV ở địa phương nào về thực tập ở đó, theo phân tích của ông Việt, có hai lợi ích: vừa giảm tối đa chi phí ăn ở cho SV trong 2 tháng thực tập, vừa tạo bước đầu làm quen để tăng cơ hội có việc làm gần nhà cho SV. Gần 700 SV ngành điều dưỡng đã thực tập ở 20 bệnh viện khắp miền Trung và Tây Nguyên. Thực tế đợt thực tập vừa rồi cho thấy cách làm này rất được việc, tất nhiên là trường phải chịu vất vả, nhưng có lợi cho SV, cho nhà trường.
Khi được hỏi, vì sao phải đến năm thứ 12 từ khi lập trường, nhà trường mới chấm dứt tình trạng “đem con bỏ chợ”, ông Việt thẳng thắn: “Là do chúng tôi làm theo thói quen của những trường đi trước. Bây giờ, với chủ trương của Chính phủ đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, chuẩn đầu ra, muốn tồn tại và phát triển chúng tôi cần phải đổi mới cách thực tập cho SV”.
VĂN THÀNH LÊ