.

Đừng chết lãng xẹt vì “ma men”

.

Đà Nẵng không nằm trong “Top” 10 tỉnh, thành có số TNGT cao nhất trong năm 2009. Nhưng tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia đã trở thành gương nhãn tiền cho cư dân thành phố mỗi khi xuống đường tham gia giao thông.

Đà Nẵng hiện có tỷ lệ người sử dụng rượu bia gây TNGT cao hơn mặt bằng cả nước.

Theo thông báo tình hình tai nạn thương tích năm 2009 của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đưa ra đầu tháng 4 vừa qua, trong tổng số 143.940 nạn nhân bị TNGT đến cấp cứu tại 100 bệnh viện trên cả nước có đến 15.774 người dùng rượu bia, chiếm tỷ lệ 11%. Những con số này đã gióng lên hồi chuông báo động: Đừng chết lãng xẹt vì bia rượu!

Theo thông báo nói trên, tuy Đà Nẵng không nằm trong “Top” 10 tỉnh, thành có số TNGT cao nhất năm 2009, nhưng TNGT do sử dụng rượu bia đã trở thành gương nhãn tiền cho cư dân thành phố mỗi khi xuống đường tham gia giao thông.

Trung tá Bùi Hòa, Đội phó Đội Tuyên truyền và Xử lý, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an thành phố Đà Nẵng, mỗi khi tuyên truyền về an toàn giao thông luôn nhắc đến một số vụ TNGT có nguyên nhân sử dụng rượu bia dẫn đến những cái chết thương tâm. Hai thanh niên làm thợ nề về, say xỉn, chạy xe máy ngược chiều trên đường Trường Chinh, đâm vào ô-tô, chết tại chỗ. 3 thanh niên xã đảo Tân Hiệp (Hội An) sau khi lai rai về, đi trên một xe máy, đâm vào trụ điện trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc, chết tại chỗ. Sinh viên chạy xe trèo lên dải phân cách, cán bộ đâm xe vào xe lu đang đỗ bên đường làm biến dạng cả gương mặt, phóng viên lững thững băng qua đường bị xe cán chết... Những người làm nghề lao động phổ thông cứ mỗi “chiều chiều lại nhớ chiều chiều”, nói là làm một ve cho giãn gân cốt, nhưng lại nhiều ve quá nên chạy xe trên đường về là không biết đi bên nào, trái không ra trái, phải không ra phải.

Những hiện tượng đó, nhìn qua là bất cứ ai cũng xác định mười mươi rằng có sử dụng rượu bia. Thế nhưng, bản thân những người nghiện chất cay cay này chẳng bao giờ chịu nhận mình... say xỉn. Một khi “ma men” nhập vào người thì anh nào cũng gồng mình lên cãi, thậm chí có anh còn phát ngôn bừa bãi, chửi bới lung tung.

Uống rượu bia dễ gây tai nạn giao thông. (Ảnh do Phòng CSGT – Công an thành phố Đà Nẵng cung cấp). 

Thực ra, theo Trung tá Bùi Hòa, muốn chứng minh người có sử dụng rượu bia trong TNGT phải đưa ra chứng cứ có cơ sở pháp lý, phải “bắt được tay day được cánh” chứ không thể nói theo cảm quan. Để những anh chàng “mất tần số” này tâm phục khẩu phục, CSGT phải dùng đến dụng cụ đo nồng độ cồn trong hơi thở. Dụng cụ này sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp CSGT phạt “mạnh tay” hơn người cầm tay lái có sử dụng rượu bia theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 146/2007/NĐ-CP) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 20-5 tới.

Khó khăn hiện nay là dụng cụ đo nồng độ cồn trong hơi thở thì ít mà người dùng rượu bia thì nhiều. Việc kiểm tra nồng độ cồn theo luật định chung quy cũng là vì an toàn của chính bản thân người điều khiển phương tiện, thế nhưng rất khó thực hiện. Trung tá Mai Phước Hùng, Đội trưởng Đội CGST, Công an quận Liên Chiểu, chỉ ra sự bất cập: “Người ta đang ăn uống vui vẻ trong quán mà mình tới hỏi ô-tô này của ai rồi đến từng bàn đưa máy ra kiểm tra thì thật là khiếm nhã. Không khả thi nên anh em rất ngại”. Thêm vào đó, máy đo nồng độ cồn rất nhanh hỏng, như lời Thượng tá Trần Minh Quang, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu: “Máy cũ cấp cho Công an quận hư rồi, máy mới nhận về được hơn 3 tháng cũng đã trục trặc, hiện đã được đưa đi Hà Nội sửa chữa, kiểm định, dán tem, nhanh nhất cũng vài tháng nữa mới quay về”.

Rượu làm giảm khả năng tự chủ, điều khiển, phản xạ và thị lực của lái xe. Bác sĩ Ngô Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định: “Lái xe trong tình trạng say rượu bia không chỉ là nguy cơ cao dẫn đến TNGT mà còn làm trầm trọng thêm chấn thương khi xảy ra tai nạn, gây phức tạp thêm cho việc gây mê và phẫu thuật do sự tương tác giữa thuốc và chất cồn, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao”. Báo cáo triển khai Dự án An toàn giao thông đường bộ Việt Nam tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 8-2009, trong 5.073 trường hợp bị TNGT đến điều trị tại bệnh viện thì có đến 868 trường hợp TNGT có sử dụng rượu bia, chiếm tỷ lệ 17,11%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 11% của 100 bệnh viện cả nước.

Chuyên gia phòng chống tai nạn thương tích thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo rằng, người đã uống rượu, bia thì không nên lái xe vì nghiên cứu y tế cho thấy khi có nồng độ cồn 40mg/100ml máu thì nguy cơ dẫn tới tai nạn rất cao, với nồng độ ở mức quá 50mg/100ml máu thì nguy cơ xảy ra tai nạn gấp 40 lần so với mức 0.

Dân gian có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, mỗi lần nâng ly, hãy “vui vẻ vài ve về với vợ”, đừng để “ma men” nhập vào mà “vui vẻ vài ve về... vắng vẻ!”.

Xử phạt vi phạm quy tắc giao thông đường bộ theo Nghị định 34

Với ô-tô: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (điểm b, khoản 5, điều 8); nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng (điểm b, khoản 6, điều 8).

Với mô-tô: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm i, khoản 4, điều 9); nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm b, khoản 5, điều 9). 


VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.