.

Gắn “mắt thần” cho chợ

.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển vùn vụt, việc lắp đặt camera quan sát ở các chợ, siêu thị không phải là chuyện khó. Thế mà, vì nhiều lý do, ở Đà Nẵng, việc gắn “mắt thần” này vẫn còn loay hoay ở điểm xuất phát.

Kẻ gian sợ nhất “mắt thần”

Hệ thống “mắt thần” chợ Hòa Khánh hoạt động suốt 24/24 giờ với khối lượng và chất lượng công việc mà con người không làm xuể.

Mãi đến nay, vẫn ít người biết rằng Trung tâm Hội chợ - Triển lãm (HCTL) Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong hệ thống các chợ Đà Nẵng lắp đặt camera để quan sát toàn bộ hoạt động của các hội chợ, triển lãm diễn ra ở đây. Tất cả có 16 đầu camera, tầng 2 và tầng 3 mỗi tầng 3 đầu, tầng trệt 10 đầu, được chính thức đưa vào hoạt động nhân Hội chợ Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) tổ chức vào đầu tháng 9-2007 tại trung tâm.

Đây là hội chợ quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng, nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến, tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại... với sự tham dự chính của 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Hệ thống camera “phủ sóng” khắp mặt bằng hội chợ đã mang lại một sắc thái văn minh thương mại có tầm cỡ quốc tế tại Đà Nẵng.

Ông Phan Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch HCTL, Công ty Quản lý HCTL và các chợ Đà Nẵng, nhớ lại: Hôm đó, gian hàng bán thiết bị điện tử ở tầng trệt báo với Ban tổ chức là vừa mất một máy quay phim. Bộ phận quản lý hệ thống camera cho “tua” lại hình ảnh lưu trữ từ camera phụ trách khu vực có gian hàng này và phát hiện một người đàn ông đã lợi dụng sự sơ hở của nhân viên bán hàng, “thuổng” mất cái máy quay phim. Qua mô tả nhân dạng, trang phục của kẻ gian được phát trên loa, anh em bảo vệ đã kịp thời lùng sục và bắt giữ người này. Nhìn chứng cứ rành rành còn lưu trên máy, kẻ gian chỉ biết cúi đầu nhận tội.

Hơn năm sau, tại Hội chợ Xuân Mậu Tý 2008, hội chợ xuân đầu tiên tổ chức tại trung tâm, “mắt thần” lại giúp bắt tiếp một kẻ gian khác. Một khách hàng bị móc túi, nghi một người vừa đi kè kè bên mình nãy giờ là thủ phạm nên tức tốc báo với công an. Hình ảnh lưu trữ từ bộ nhớ của camera cho thấy đúng người đó là thủ phạm, hết đường chối cãi.

Vừa rồi, thêm một kẻ gian nữa bị tóm gọn bởi “mắt thần”, lần này là một chợ ở quận Liên Chiểu. Tháng 10-2009, Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu đưa hệ thống camera quan sát vào vận hành tại chợ Hòa Khánh. “Chiến công” đầu tiên mà hệ thống này lập được là phát hiện và giúp con người dập tắt ngay từ đầu vụ cháy ki-ốt số 94 của bà Trần Thị Thúy Hải ở tầng trệt khu A hồi đầu năm 2010. Vừa rồi, một phụ nữ khoảng 45 tuổi móc túi lấy điện thoại di động của một khách hàng ở khu C rau hành chạy qua hàng cá rồi bọc qua khu A. Quan sát qua màn hình theo dõi, anh em bảo vệ bao vây bắt được nhanh chóng.

Ông Đặng Quang Hưng, Phó Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, Trưởng bộ phận chợ Hòa Khánh, cho hay, sau khi lắp đặt hệ thống camera quan sát, tình hình trộm cắp ở chợ Hòa Khánh đã giảm tới 70% so với trước.

Gắn camera: điều tất yếu của chợ thời hội nhập

Hệ thống “mắt thần” không chỉ ngăn ngừa kẻ gian “tác nghiệp” tại các chợ, siêu thị mà - như nhận định của bà Phạm Thị Sơn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý HCTL và các chợ Đà Nẵng - còn giúp uốn nắn thái độ phục vụ chưa chuẩn của các tiểu thương. “Sắp tới, Trung tâm HCTL mở các lớp tập huấn về văn minh thương mại - bà Sơn cho biết - chúng tôi sẽ đưa ra hai nhóm hình ảnh tương phản để các chị tiểu thương lựa chọn: Một bên là thái độ giao tiếp vui vẻ, lịch sự; một bên thì hoàn toàn ngược lại. Nếu các chợ mà gắn được camera thì rất tốt, tiểu thương sẽ tự giác điều chỉnh hành vi, và các lớp tập huấn như thế sẽ không cần thiết nữa”.

Nói về văn minh thương mại, ông Nguyễn Khắc Lương, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa lo xa: Tuy hầu hết bà con tiểu thương chợ Đống Đa đã có cung cách phục vụ, thái độ ứng xử giao tiếp được khách hàng xa gần đánh giá cao như không chèo kéo, bán đúng giá niêm yết, bỏ hẳn lệ bán mở hàng, đúng sai đều ôn tồn giải quyết... nhưng vẫn còn một số có thái độ chưa tốt. Theo ông Lương, lắp camera cho chợ là điều cần thiết trong xu thế phát triển hiện nay, vừa phòng chống tội phạm, vừa nâng cao thái độ phục vụ. Chúng tôi sẽ vận động các tiệm vàng trong chợ lắp đặt camera trước, sau đó, vận động cả chợ theo kiểu “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chị Trương Thị Như Hiền, chủ hiệu vàng Kim Thư, rất lạc quan: “Lắp đặt camera là việc nên làm, vì nó giúp an toàn kinh doanh, bảo vệ tài sản của chính mình. Nếu chợ chưa lắp thì sang năm tôi sẽ lắp”.

Chợ, siêu thị nhiều nơi không còn lạ gì với camera, thế nhưng, vì sao Đà Nẵng vẫn còn lẹt đẹt? Chắc chắn không phải vì kinh phí. Bởi lẽ, chợ Hòa Khánh tuy chỉ cấp quận, nhưng đã là chợ đầu tiên ở Đà Nẵng lắp đặt hệ thống “mắt thần” theo dõi từ xa chỉ với 152 triệu đồng từ nguồn của Ban quản lý và phát huy hiệu quả rất tốt - Ông Nguyễn Trà, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, phấn khởi cho biết.

Ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Quản lý HCTL và các chợ Đà Nẵng: Sẽ lắp camera cho chợ Hàn.

Trong thời hội nhập quốc tế, việc theo dõi hoạt động các chợ bằng camera là rất tốt. Nó thể hiện sự văn minh, tạo uy tín cho mình đối với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài.

Công ty đã thấy tác dụng của camera trong thực hiện văn hóa - văn minh công sở, nhưng chỉ mới lắp đặt ở Trung tâm HCTL. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở VH-TT-DL thành phố, kêu gọi nhà tài trợ để trước mắt trang bị hệ thống camera cho chợ Hàn, chợ du lịch của thành phố, tạo sự yên tâm cho khách, nhất là khách nước ngoài, khi họ đến mua sắm ở chợ.  


VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.