.

Giai thoại sân khấu Đông-Tây

1- Một người chủ trương sân khấu thể nghiệm, một người chủ trương sân khấu gián cách, Stanilapxki và B.Brech là hai ông thầy lớn của sân khấu biểu diễn. Sân khấu cổ điển Hy lạp với luật tam duy nhất thống trị hàng bao thế kỷ đến Stanilapxki, đến B.Brech thay da đổi thịt, mang một diện mạo mới, hoàn toàn khác trước. Hai bậc thầy không chỉ ảnh hưởng sân khấu châu Âu mà còn tác động đến sân khấu toàn thế giới.

Chuyện rằng nhà hát Roma bữa ấy trình diễn vở Othello của nhà soạn kịch vĩ đại William Shakespeare. Diễn viên thủ vai Othello nhập vai tới mức đến đoạn Othello vì ghen bóp cổ Desdemona vợ mình, một khán giả đã rút súng hướng lên sân khấu bắn chết “Othello”. Ngay sau khi súng nổ, vị khán giả độc nhất vô nhị kia nhận ra sai lầm, bóp cò đưa viên đạn thứ hai của khẩu súng vào đầu mình, vĩnh biệt cõi nhân gian. Người ta đã an táng hai con người đặc biệt của đêm diễn – một trên sân khấu một dưới hàng ghế khán giả - bên nhau, trong một nghĩa trang sang trọng. Trên bia mộ người thứ nhất có dòng chữ “Nơi đây yên nghỉ người diễn viên tài hoa của mọi thời đại”. Trên bia mộ thứ hai thì viết “Nơi đây yên nghỉ một khán giả tuyệt vời của sân khấu kịch”.

Khi B.Brech tới thăm thủ đô Italia, giới kịch nghệ Roma hãnh diện đưa ông đi viếng hai ngôi mộ nói trên. Trầm ngâm một lúc, B.Brech đề nghị sửa lại dòng mộ chí – “Nơi đây yên nghỉ một diễn viên kịch kém nhất” và “Nơi đây yên nghỉ một khán giả tồi nhất”!

2- Lão Nghệ sĩ nhân dân quá cố Nguyễn Nho Túy sinh thời được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vinh danh là “Con rồng vàng của sân khấu tuồng”. Những người đã từng xem cụ Nguyễn Nho Túy đóng Hoàng Phi Hổ, đóng Cao Hoài Đức, trong những lớp “Hoàng Phi Hổ lăn trướng”, “Cao Hoài Đức rọi đèn”, khi xem một người khác cũng lớp ấy vai ấy, không còn thấy xúc động! Nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy là người rất tự tin – cái tự tin chỉ có ở những người am hiểu sâu sắc nghệ thuật dân tộc, làm chủ nghệ thuật mình theo đuổi. Một nhà nghiên cứu sân khấu nổi tiếng thế giới hỏi lão nghệ sĩ diễn theo Stanilapxki hay B.Brech đã rất khâm phục khi nghe ông trả lời “Tôi diễn theo nghệ thuật truyền thống dân tộc tôi!”…

Một ngày xa xưa, đầu xanh tuổi trẻ ra diễn ở cố đô Huế, “con hát” Nguyễn Nho Túy diễn hay đến mức một mệnh phụ phu nhân vợ quan đại thần phải lòng ông. Hai người quan hệ “trên mức tình cảm”. Khi chuyện vỡ lở, quan đại thần hạ lệnh chém đầu ông. Rất may, kịp trước khi lưỡi dao hạ xuống, vị quan lớn đổi ý “Tội đáng chém đầu! Nhưng mi chết rồi ai diễn tuồng cho mệ xem!”.

3- Bi kịch cổ điển Hy Lạp danh bất hư truyền, luôn là những vở diễn mẫu mực. Tuồng Việt Nam, một số vở cổ điển được các nhà chuyên môn đặt tên là “Bi kịch có hậu”, bởi màn sân khấu khép lại khi phe chính nghĩa thắng lợi, nhân vật chính hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình sau khi vào sinh ra tử.

Người Việt có câu ngạn ngữ “Sinh nghề tử nghiệp”. Trong trường hợp Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Nho Túy, giai thoại cho thấy nghề đã sinh ra ông và nghề cũng cứu cả ông. Nhưng mặt khác, phải thừa nhận vị quan đại thần kia mới là khán giả tuyệt vời nhất của sân khấu nói chung và sân khâu tuồng nói riêng!

HOÀNG TRỌNG DŨNG

;
.
.
.
.
.