.
Giới thiệu sách

Từ những hạt giống buổi đầu

.

Lần giở từng trang của tập sách “Buổi đầu gieo hạt” (1) vừa tái bản vào cuối tháng 3 năm nay, người đọc như bị trôi theo sự sống lại của thời gian. Những sự kiện ngỡ đã chìm tan, những con người tưởng như khuất bóng bỗng dần dần hiện lên như những dấu tích, những chân dung sống động và chân thực. Trong giai đoạn phôi thai của cách mạng Việt Nam những năm 20, 30 của thế kỷ trước.

Trong bản in lần thứ nhất (3-1980), 11 bài hồi ký của các đồng chí tiền bối cách mạng trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng như Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Lâm, Trần Thị Dư, Nguyễn Sơn Trà… đã được ghi lại bằng một bút pháp giản dị, có chất văn học, thể hiện khá rõ nét về quá trình hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự ra đời của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng cùng những hoạt động đa dạng, khôn khéo của những “hạt giống đỏ” trong giai đoạn gần như “chưa có gì” của cách mạng Việt Nam.
 
Ngoại trừ bầu nhiệt huyết công dân trước khát khao vùng lên thoát khỏi cảnh nô lệ dưới ách thực dân Pháp. Đấy là những con người đi tìm “hình của nước”, theo ngôn ngữ của nhà thơ Chế Lan Viên khi nói về sự ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Mười một bài hồi ký của lần in thứ nhất được bổ sung thêm ba bài hồi ký mới của các đồng chí Bùi Châu, Cao Hồng Lãnh và Hà Văn Tính cùng một số hình ảnh, tư liệu có giá trị và phần phụ lục đã đem lại cho tập sách giá trị khắc họa trong cái giai đoạn đầu tiên đầy gian khó ấy.

Thật cảm động khi nhìn thấy bản chụp nhạt mờ của các tờ báo “Cờ Đỏ”, báo “Lao Khổ” được in lại và phát hành tại Đà Nẵng vào năm 1930. Hay, có đọc 9 điều trong tờ truyền đơn kêu gọi đấu tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam được rải tại Đà Nẵng vào những năm tháng ấy mới có thể thấu hiểu vì sao người nông dân bị bóc lột tận cùng lại quyết tâm đi theo con đường đấu tranh bẻ đứt gông cùm nô lệ.

Tập sách cũng phác họa được bầu khí chính trị tại khu vực Quảng– Đà, mảnh đất nhượng địa vào thời kỳ ấy với ba trào lưu tư tưởng là “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Văn do Phan Bội Châu đề xướng, “Dân chủ cách mạng Pháp” do Phan Châu Trinh đem về và tư tưởng xã hội chủ nghĩa của phong trào cách mạng thanh niên từ các cuộc bãi khóa…

*

Những hạt giống đầu tiên ấy, từ khoảng 90 năm trước, đã được gieo bằng biết bao hy sinh thầm lặng và bằng máu của bao nhiêu cuộc đời. Để, từng bước thu về những trái quả: thành lập Nhà nước đầu tiên của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở khu vực Đông Nam Á vào năm 1945, giải phóng một nửa đất nước vào năm 1954 và chiến thắng, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975 sau 117 năm từ khi “thành Đà Nẵng tan hoang vì đại bác” (2) của thực dân Pháp vào năm 1858. Để, ngày nay, 35 năm sau, chúng ta giở lại những trang sử đẫm máu xương – nước mắt ấy mà nhớ lại. Mà không quên. Trên con đường Độc Lập – Tự Do mà nội dung chính không gì khác hơn là: Hạnh Phúc của Nhân Dân.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

----------------------

(1) Hồi ký cách mạng – Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(2) Một câu trong bài thơ “Một thế hệ, mấy vần thơ” của Truy Phong.

;
.
.
.
.
.