.

Học đúng nơi và làm đúng việc

.

Trên 50% sinh viên một số ngành của các trường nghề được mời gọi làm việc ngay khi vừa tốt nghiệp, hoặc “ngấp nghé” tìm được việc làm ngay trong kỳ thực tập nghề tại các nhà máy, xí nghiệp. Đó là một tín hiệu mừng khi cửa luôn rộng mở với sinh viên trường nghề và các trường nghề chọn cách giới thiệu sinh viên đến các doanh nghiệp, giúp các em thử thách tay nghề để có điều chỉnh tăng thời lượng thực hành, thực tập trong quy trình học.

Giảm mạnh việc học lý thuyết

Xưởng thực hành của các trường nghề được đầu tư khá hiện đại, giúp SV làm quen với máy móc trước khi ứng dụng trong thực tế. 

Năm 2007, theo chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH, các trường dạy nghề bắt đầu nâng cao thời lượng thực hành trong chương trình học của sinh viên (SV) lên đến 60-70%, 30% còn lại dành cho việc học lý thuyết. Những thay đổi này giúp SV trường nghề có được một tay nghề vững sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, hạn chế việc đào tạo lại rất tốn thời gian, công sức và chi phí. Tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, SV đăng ký thực hành tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ-thực hành của trường. Nơi thực hành này, theo ông Hồ Viết Hà, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, được trang bị khá đầy đủ máy móc, thiết bị để các em thực hành, bởi quá trình học này là nền móng và cũng là cơ hội để thực hiện tay nghề của SV khối kỹ thuật.

Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề nhấn mạnh, điểm mới của trường từ hơn một năm nay là thay vì chỉ có một kỳ thực tập với 360 giờ trước khi tốt nghiệp, nay trường đã áp dụng thêm phương thức: với hệ trung cấp và hệ cao đẳng, lần lượt sau năm học thứ nhất và thứ hai, SV sẽ được đến các doanh nghiệp để kiến tập sản xuất và thực tập nghề nghiệp với thời lượng 100-200 giờ. Các doanh nghiệp như Nhà máy sản xuất ô-tô Trường Hải, Dệt Hòa Thọ, Công ty Prime, các khu resort ở Hội An và ven biển Đà Nẵng... nhận SV thực tập của Trường CĐ Nghề, CĐ Công nghệ và một số trường trên địa bàn Đà Nẵng. Quá trình thực tập sẽ giúp SV biết được nơi sản xuất như thế nào, nắm được quy trình sản xuất để hình thành tác phong công nghiệp, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo trong tay nghề. Với kỳ thực tập hay kiến tập nào của SV, nhà trường cũng gửi phiếu góp ý tại các doanh nghiệp để rút kinh nghiệm và kiểm tra điểm yếu trong quá trình đào tạo.

Trong khi đó với chương trình khung của Bộ GD&ĐT, Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng có thời lượng thực hành chỉ chiếm 30-35% chương trình học. Ông Dương Ngọc Thọ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, nguồn đầu tư của ĐH Đà Nẵng cho trường mỗi năm còn hạn chế, mức trích quỹ học phí khá thấp, không đủ cho trường đầu tư đồng bộ trang thiết bị phục vụ việc học tập, nên một số ngành học như hóa, xây dựng, SV phải thực hành thí nghiệm tại xưởng, công trường. Còn một số bộ môn thuộc ngành cơ khí như que hàn, phôi bào... tiêu hao nhiên liệu khá lớn, lượng SV đông, nên việc thực hành còn ít. Quá trình thực hành và thực tập cuối khóa của SV do đó còn nhiều hạn chế nên ông Thọ thẳng thắn nhìn nhận là nhiều SV chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Bồi dưỡng kỹ năng mềm cho SV

Các trường khi gửi SV đến doanh nghiệp thực tập đều gửi kèm phiếu điều tra thái độ, tay nghề, cách thức làm việc của SV (điều tra độc lập). Và phản hồi hầu hết các trường nhận được là kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, việc tuân thủ giờ giấc của SV còn nhiều hạn chế. Ông Hồ Viết Hà cho biết, trước khi SV đi thực tập, nhà trường đã phổ biến nội quy của doanh nghiệp, cách viết báo cáo... và yêu cầu các em thể hiện thái độ, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo. Sau kỳ thực tập, SV sẽ hiểu được nghề đòi hỏi như thế nào, giúp các em có động lực học tập, tìm cơ hội để có việc làm. Với nhà trường, các phiếu điều tra sẽ giúp định hướng trong vấn đề nghề nghiệp, tay nghề, khắc phục hạn chế trong thiết bị dạy, học; hướng dẫn thêm các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, hoạt động) để SV khắc phục các điểm yếu ngoài tay nghề; nhà trường thay đổi một số hạn chế trong đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho SV bởi các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cần công nhân giỏi ngoại ngữ và tác phong chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Công nghiệp tàu thủy 3 cho biết, sau mỗi kỳ thực tập, nhà trường đều phải hướng dẫn thêm kỹ năng mềm cho học viên, khi các em có tính cần cù, chịu khó học hỏi tại doanh nghiệp, nhưng tác phong công nghiệp mới chỉ mang tính tương đối, chưa đạt yêu cầu của những công nhân có tay nghề trong tương lai.

Lợi thế của SV ngành cơ khí

Với cách đào tạo có địa chỉ (hầu hết các trường nghề hiện nay bảo đảm đầu ra trong đào tạo một số ngành nghề cho SV), ngành cơ khí hiện được xem là có lợi thế nhất trong các ngành nghề mà xã hội cần. Ông Phan Tiềm cho biết, SV ngành cơ khí của Trường CĐ Nghề khi đến thực tập tại các doanh nghiệp có cơ hội rất lớn để tìm việc làm. Một số ngành như điện, hàn, các em đã được nhận lương ngay trong thời gian kiến tập. Hiện các show room của các hãng ô-tô cũng cần nhiều thợ cơ khí ô-tô, hàn... làm thợ sửa chữa, bảo dưỡng với mức lương khá hấp dẫn, ở ngay trung tâm thành phố nên thu hút nhiều SV sau khi tốt nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, 80% học viên ở Trường trung cấp Nghề Công nghiệp tàu thủy ra trường có việc làm. Nhưng chủ yếu ở các doanh nghiệp cơ khí, do doanh nghiệp ngành đóng tàu ít, hiện đang bị chững lại sau đợt khủng hoảng kinh tế năm 2009. Và có khoảng 70% SV của Trường CĐ Công nghệ tìm được việc làm sau tốt nghiệp. Trường cũng đã đầu tư một hệ thống hàn cao cấp, có máy siêu âm, nhưng việc tuyển sinh cho ngành hàn đang gặp khó khăn, do SV không mặn mà với nghề cơ khí. Trong khi cơ khí là nghề “hot” thì các ngành (xếp theo thứ tự ưu tiên) điện, công nghệ thông tin, xây dựng dân dụng, xây dựng cầu đường, điện tử viễn thông được nhiều học sinh quan tâm, nộp hồ sơ, sau cùng mới đến nghề cơ khí. Những bất cập trong vấn đề nhận thức ảnh hưởng đến đầu vào của các trường, kéo theo nhu cầu nghề nghiệp trong xã hội luôn ở tình trạng thừa-thiếu. Và cách thức gửi SV đi thực tập để tạo cơ hội việc làm cho các em mới chỉ là giải pháp mang tính đột phá, còn hiệu quả lâu dài phải cần đến sự điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp từ các cấp cao hơn.

Hoàng Nhung

 

;
.
.
.
.
.