Tôi nhớ, hồi nhỏ Hà Nội nhiều trăng hơn bây giờ. Những đêm trăng tỏ, Hà Nội là riêng của chúng tôi, lũ trẻ biếng học, thích trèo sấu, bắt ve sầu. Nhớ về Hà Nội thuở thiếu thời, ánh trăng in đậm trong ký ức tôi.
Đường Cổ Ngư, Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Thú vui con trẻ ngày ấy thật hồn nhiên, đơn giản. Hết phá phách ánh trăng, chúng tôi lẻn vào đền. Tôi nhớ ngày ấy đền được gọi là Quan Thánh, ngày nay có tên chính thức là Quán Thánh. Quan Thánh hay Quán Thánh, đó là chuyện của mấy bậc sử gia, còn với chúng tôi, cũng vậy thôi, đều là Thánh cả. Tìm đến đền này là cả một sự hồi hộp, nhưng để có cái thú được sờ mấy ngón chân của Thánh, thì nào có sá gì gian nan. Tượng cao lắm dễ tới bốn năm mét. Một khối đồng đen sừng sững, huyền bí. Thánh mặc áo đạo sĩ, tóc để xõa, tay trái như đang bắt quyết, tay phải chống kiếm có cái đầu rắn trông thật kinh dị, nét mặt trầm tĩnh như sắp điều gió khiển mây. Nhìn Thánh hồi lâu, hồn chúng tôi như cũng muốn phiêu diêu. Về đêm trăng lùi xa, sương phủ mờ lối đi, chúng tôi huých cùi chõ vào sườn nhau, lặng lẽ rời khỏi đền trong một cảm giác hồi hộp như có gì đó không yên.
Đi trên con đường Cổ Ngư mà xa xưa dân quanh mấy làng Nghi Tàm Yên Phụ gọi là Cố Ngự, nghĩa là đập chắn cá, liễu như rủ thấp xuống mặt hồ. Chúng tôi phanh hết ngực, chạy ào lên đê Yên Phụ ra bờ sông Hồng. Đoạn đường dài chừng một cây số. Gió như rú rít đuổi bắt lũ nhỏ dọc theo con đường hẹp. Đôi khi trăng lẫn vào đám mây, mặt đường mờ tối. Đây là con đường được coi là thơ mộng bậc nhất thành phố. Dưới mấy gốc cây thấp thoáng những đôi lứa yêu nhau lặng lẽ.
Năm 1958, thành phố kêu gọi thanh niên, sinh viên tham gia lao động cải tạo đường Cổ Ngư. Sinh viên, đủ mặt anh tài Sư phạm, Bách khoa, Y, Dược, Tổng hợp... Học sinh các trường trung học Chu Văn An, Việt Đức, Anbe Sarô, có lẽ còn có cả mấy trường Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Kết, Yên Hòa, Xuân Đỉnh từ ngoại thành vào nữa. Có thể nói, công trường Thanh Niên ngày ấy như mở hội. Nhiều chàng thư sinh trắng trẻo gánh đất, trầy vai. Cuối ngày nhiều người được biểu dương trên loa phóng thanh. Ai cũng chăm chú nghe và reo hò. Những đêm trăng sáng, đường rập ràng tiếng xe đẩy, tiếng đầm đất. Ấy là những đêm lao động XHCN.
Trưa nắng, mặt đường phủ che những tán lá thưa như đan như kết mặt đường. Một lần tình cờ tôi nghe tiếng ghita gõ nhịp tưng tưng, bập bùng đâu đó. Dưới tán cây phượng già nghiêng xuống phía hồ Trúc Bạch là một nhóm thanh niên, có nam có nữ. Tiếng ghi ta rất dịu, mỗi lần “nghệ sĩ “ gõ nhẹ lên mặt đàn là có ngay nhịp tay cùng vỗ... Bài hát gì tôi không rõ, nhưng đó là ca khúc có giai điệu tha thiết đến nao lòng. Mãi sau này tôi mới biết, đó là một khúc dân ca Ukraina rất phổ biến trong thời nội chiến ở Liên Xô.
Con đường đã được mở rộng thành đường đôi, rải nhựa và trồng thêm nhiều cây mới. Sau khi hoàn thành, đại diện lãnh đạo công trình đường Cổ Ngư xin được gặp Bác Hồ để báo cáo kết quả lao động của thanh niên Hà Nội mấy tháng qua. Nhân dịp này cũng xin Bác đặt tên cho con đường mới. Bác vui vẻ hỏi:
- Ai làm nên con đường đó?
- Dạ thưa, thanh niên ạ.
- Vậy thì tên đường là đường Thanh Niên, được không.
Thật giản dị và cũng thật ý nghĩa. Con đường Cổ Ngư từ ngày đó được mang một tên mới: Đường Thanh Niên để ghi nhận những ngày hào hứng lao động XHCN trên công trường đầu tiên của thanh niên Hà Nội sau ngày giải phóng.
Ngày nay đi trên con đường Thanh Niên không khỏi ngỡ ngàng. Hàng cây hồi nào non tơ, giờ đây đã trở thành cổ thụ, sum sê lá. Mỗi khi lại qua trên con đường Cổ Ngư thân thuộc này, tôi như muốn tìm lại ánh trăng ẩn hiện sau từng tán lá. Gió Hồ Tây dường như cũng không còn như xưa, rười rợi lướt vô tư trên hàng phượng vĩ, trên mặt hồ tĩnh lặng. Con đường thơ mộng Cổ Ngư - Thanh Niên hồi nào, giờ đây như hối hả đêm và ngày rung theo nhịp ngàn xe và trăng thì hầu như biến mất, còn chăng chỉ là mấy biển quảng cáo từng vệt đèn đỏ xanh chấp chới.
NHƯ NGUYỄN