.

Không chỉ là chuyện ý thức

.

Tai nạn giao thông đã trở thành một vấn nạn xã hội khi mỗi ngày cả nước xảy ra hàng chục vụ tai nạn và vụ tai nạn nào cũng có người chết, bị thương. Những con số khô khan, đau lòng do tai nạn giao thông còn đáng báo động hơn một đại dịch. Nguyên nhân sâu xa của nó ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đồng bộ, một phần là do ý thức của người điều khiển phương tiện...

80-85% vụ tai nạn là do ý thức

Trên đường Ngô Quyền, trước doanh nghiệp Quốc Bảo (cũ), khi người điều khiển phương tiện từ đường phụ muốn vào đường Ngô Quyền thường xuyên đi ngược chiều khoảng 10m, rất nguy hiểm. 

Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng có đến 80-85% các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Bởi tất cả các lỗi vi phạm như chạy quá tốc độ quy định; lạng lách, đánh võng trên đường; không đội mũ bảo hiểm; uống rượu, bia quá nồng độ quy định; tránh, vượt sai; đi không đúng phần đường, làn đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông… đều do ý thức không chấp hành pháp luật về giao thông, do chủ quan của người lái xe, mà đến khi gây ra tai nạn cho mình cũng như đối với người khác, bị CSGT xử lý, người vi phạm mới nhận ra lỗi của mình.

Đặc biệt, có những vi phạm chỉ tập trung vào một loại phương tiện nhất định. Như trong 3 tháng đầu năm 2010, với lỗi tránh, vượt sai quy định, CSGT xử lý trên 800 trường hợp, thì tập trung đến 650 vụ vi phạm xảy ra ở các loại xe tải. Ở những con đường tập trung nhiều xe tải lưu thông như Trường Chinh, Cách mạng Tháng Tám, Tôn Đức Thắng-Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền…, tài xế điều khiển xe tải hay "mạnh ai nấy vượt", khiến các phương tiện khác khi đi trên các tuyến đường này phải hết sức cẩn thận nếu không muốn rước vạ vào thân. Hay như các lỗi đi không đúng làn đường, phần đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đều rơi vào các chủ phương tiện điều khiển mô-tô với hơn 400 vụ vi phạm bị xử phạt. Mà đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do ai cũng muốn đi nhanh, không muốn nhường đường cho người khác. Ngoài ra, các lỗi như không cài dây khi đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi đang lái xe… xảy ra thường xuyên, ở bất kỳ đoạn đường nào cũng có thể bắt gặp.

Vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại di động. 

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đưa ra cảnh báo: Khi đang điều khiển xe máy mà bạn sử dụng điện thoại di động làm tư tưởng phân tán, thiếu chú ý quan sát, đầu óc chỉ đạo hành vi của chân, tay điều khiển côn, phanh, ga, số kém nhanh nhạy trong thao tác. Do đó, nếu gặp tình huống đột xuất trên đường hoặc có xe máy, xe đạp, trẻ nhỏ ở ngõ hẹp thì bạn sẽ lúng túng, thiếu sáng suốt xử lý tức thì các tình huống này và hiểm họa có thể xảy ra với bạn. Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007 của Chính phủ cũng đã quy định: "Xử phạt người điều khiển mô-tô và những phương tiện tương tự sử dụng điện thoại di động (Khoản 1 Điều 9) (phạt tiền từ 40 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng)". Nhưng theo Thượng tá Phạm Đắc Thái, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT thành phố thì người đang chạy xe thường sẽ tắt, cất điện thoại khi thấy bóng dáng CSGT, nên số vụ bị xử lý cũng không nhiều.

Thượng tá Nguyễn Đắc Thái nhấn mạnh rằng, người điều khiển phương tiện khi vi phạm pháp luật giao thông đều do chưa hiểu biết luật đến nơi đến chốn hay biết nhưng cố tình vi phạm. Điều này khiến tai nạn giao thông vẫn không thuyên giảm nhiều dù các đợt cao điểm an toàn giao thông được triển khai nhiều hơn.

Giao thông ‘bị’ tổ chức bất hợp lý

Ở trên các tuyến đường trong các khu dân cư, rất ít người dân đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô-tô. 

Ai cũng lúng túng khi tới trước các nút giao thông cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn và đặc biệt là hai cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi sát nhau. Đi ra sao, theo hướng nào thì đúng quy định, khi mà xe cộ trên đường chạy loạn xạ, bất kể thuận chiều hay ngược chiều. Đường dẫn vào cầu Nguyễn Văn Trỗi thì uốn lượn như con rắn, khiến xe cộ, nhất là xe lớn, qua đây cũng phải... uốn éo theo. Và tất cả những bùng binh trên đường Ngô Quyền đều quá lớn khiến xe tải, xe container phải "uốn lượn”, nhiều xe đã bị lật khi đi qua.

Ở ngã tư cầu Sông Hàn-Trần Phú-Lê Duẩn thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm nhưng đèn tín hiệu giao thông ở đây chỉ hoạt động vào giờ thấp điểm, còn lúc có nhiều xe cộ lưu thông thì mạnh ai nấy đi. Công an Đà Nẵng đã tăng cường lực lượng tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm, đồng thời có kiến nghị cụ thể với UBND thành phố và các ngành chức năng những nội dung liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ như kẻ vạch phân luồng đường, lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, mở rộng một số nút giao thông và đặc biệt là tổng kiểm tra mô-tô, xe máy…

Bất hợp lý về quy hoạch là một trong những nguyên nhân tạo nên ách tắc giao thông và gây nhiều tai nạn là điều có thể thấy được. Cho nên, phát triển hạ tầng giao thông bao giờ cũng cần có một quy hoạch tương thích về các cơ sở hạ tầng công cộng khác...

HOÀNG NHUNG

 

;
.
.
.
.
.