.

Lên cùng Điện Biên

.

Nằm gọn trong thung lũng Mường Thanh có con sông Nậm Rốm chảy qua, ngày nay, Điện Biên Phủ trở thành thành phố của tỉnh Điện Biên, tách từ tỉnh Lai Châu rộng lớn trước đây.

Đèo Pha Đin. Ảnh tư liệu

Du khách háo hức lên Điện Biên Phủ, trước hết muốn được một lần nhìn thấy toàn cảnh di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ năm nào. Sau chiến tranh, nhiều di tích còn được giữ nguyên như khi chiến sự xảy ra, nhưng cũng có một số di tích hư hại ít nhiều qua mỗi mùa mưa bão. Nhưng những di tích giá trị đó cũng đã kịp khôi phục lại nguyên trạng. Cụm di tích hàng đầu trong số đó là đồi Him Lam, đồi A1, đồi C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi độc Lập, cầu Mường Thanh, hệ thống hầm hào, Trung tâm Chỉ huy của Tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries.

Phần lớn điểm du lịch ấy nằm trong phạm vi thành phố Điện Biên. Được giới thiệu chi tiết, có bản đồ, sa bàn và những video clip minh họa. Nhiều người như được sống lại trong cảm giác bom rơi đạn nổ. Mịt mù khói súng như còn vương vất khét nòng đâu đây. Rầm rập bước chân bộ đội trận cuối truy kích địch qua cầu Mường Thanh và âm vang đâu đó quân ta reo hò chiến thắng. Ngước lên bầu trời xanh thắm, ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng phấp phới bay trên nóc hầm chỉ huy của quân đội viễn chinh Pháp.

Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ. 

Nhưng du lịch Điện Biên không chỉ có thế. Đi xa hơn, cách trung tâm chừng 25km là căn cứ chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vùng Mường Phăng, nằm trong khu rừng nguyên sinh, kín đáo, rậm rạp. Trèo lên được đài quan sát cao nghìn mét, thung lũng Mường Thanh thu vào tầm mắt bạn. Đây là đồi C1, C2. Kia là đồi A1, D… Mới hay, ngày ấy chọn được một vị trí đặt sở chỉ huy, thật là công phu, tài tình. Tại Mường Phăng, du khách có thể tham quan hầm thông tin liên lạc, lán ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tham mưu trưởng mặt trận Hoàng Văn Thái.

Từ hồ Pa Khoang ngược lên bạn cũng có thể tìm đến sở chỉ huy của Đại tướng. Đây là hồ tự nhiên, có mặt nước rộng 36 km vuông trong khu rừng nguyên sinh khuất vắng. Đã vào khu hồ trên chiếc bè gỗ, bè nứa, bạn khó lòng đi một mạch lên sở chỉ huy xưa, bởi trước mắt bạn, mặt hồ trong xanh, êm ả. Êm ả đến độ bạn nghe rõ ngọn gió sớm rười rượi lướt qua mặt hồ. Xanh đến độ bạn có thể nhìn rõ đàn cá bơi dưới nước. Ghé vào một gia đình nào đó, dẫu đã quen hay lần đầu đặt chân đến, bạn cũng được chủ nhà đãi một bát rượu sắn nòng thơm. Và nếu ngủ lại, đêm đến bạn sẽ thưởng thức vị cá nướng bên bếp lửa bập bùng than hồng, nghe người già kể chuyện thâu đêm.

Sáng tinh mơ hôm sau, sương sớm còn bảng lảng mặt hồ, chàng trai rừng núi sẽ sắm chiếc bè, luồn lách trong khu rừng mênh mông tìm đến túp lều xưa của vị Đại tướng mà tên tuổi, sự nghiệp đã gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Phải là chàng trai thành thạo đường rừng mới thực hiện giúp bạn tour du lịch ngoạn mục này.

Trên cuộc hành trình lên địa danh lịch sử Điện Biên, bạn đã qua một con đèo được coi là hiểm yếu bậc nhất của vùng núi Tây Bắc. Một bên là vách núi dựng, một bên là vực thẳm chơi vơi. Cua đường đèo khúc khuỷu hoa mắt. Có những khi trời đương quang, mây tạnh, bỗng ập đến một làn sương dày đặc. Những chiếc xe phải nối đuôi nhau như bò trên ngọn đèo chơi vơi giữa ngàn mây phủ. Vượt đèo Pha Đin là một sự mạo hiểm đến thót tim. Nhưng qua được sự thử gan ấy, cho ta một cảm giác ngây ngất. Thử một lần đến miền đất hôi hổi dấu tích lịch sử theo một tour du lịch đường bộ từ Hà Nội lên Sơn La. Sức hấp dẫn đường rừng khiến bạn quên hết mệt nhọc đường xa.

Mở đường vào Điện Biên. 

Điện Biên nằm ở vùng Tây Bắc, giáp Lào và Trung Quốc. Cư dân ở đây thuộc nhiều dân tộc khác nhau (Thái, H’mông, Kinh, Giáy, Dao, v.v..), vì vậy, lễ hội, văn hóa, tín ngưỡng ở đây cũng phong phú, giàu bản sắc. Nhưng không hẳn lên Điện Biên là gặp ngay lễ hội. Đến đại lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, bạn có thể đi sớm hơn một vài tuần, may chi lễ hội Hoa Ban vừa mới bắt đầu. Bạn sẽ được thưởng ngoạn bạt ngàn hoa ban nở trắng dọc dài những ngọn đồi, ngọn núi Điện Biên.

Lễ hội Hoa Ban có thể gọi là lễ tưởng nhớ và tôn vinh tình yêu đôi lứa. Truyện xưa kể rằng: Có nàng Khôm và chàng Lu yêu nhau thắm thiết. Nhưng tiếc thay, cha mẹ chàng Lu không thuận cho con trai họ lấy cô gái Khôm nghèo khó. Chàng trai không còn được gặp cô gái mình yêu, đi lang thang trong những khu rừng quen thuộc, những con suối, ngọn đồi, rồi buồn nhớ, lặng lẽ nằm lại trong khu rừng có suối chảy, có gió và tiếng chim. Nàng Lu biết người yêu vào rừng không về, bèn đi tìm. Đến bên gốc cây nhiều cành lá, mệt nhọc đêm lại ngày, thương nhớ người yêu, nàng nằm xuống rồi thiếp đi dưới một tán cây cổ thụ. Chẳng bao lâu nơi nàng vĩnh viễn nằm xuống, mọc lên một khóm cây, nhằm mùa xuân ra hoa thơm dịu, trắng muốt. Rồi những ngọn đồi khe núi hồi nào chàng trai cô gái đã từng đi qua cũng mọc lên cây hoa trắng, nở vào mùa xuân. Dân bản gọi là hoa Ban, có nghĩa là hoa đẹp, có hương thơm, vị ngọt. Để tưởng nhớ đến mối tình đẹp đẽ của đôi lứa, dân bản lập lễ cúng tế thần rừng, tưởng nhớ tình yêu, vong hồn đôi trẻ.

Đó là lễ hội Hoa Ban mà người già kể thâu đêm khi mùa hoa Ban nở trắng đồi. Mỗi nơi tình tiết có đôi chút biến tấu nhưng giọng người kể ngậm ngùi cho mối tơ duyên xưa. Có lẽ vì thế mà sau khi khấn vái, tưởng nhớ trang trọng, dân bản mở hội để cho trai gái bản làng gặp nhau, ca hát, đọc thơ, nhảy mùa thâu đêm. Đây cũng là dịp nhiều đôi trẻ đi bên nhau tìm đến hạnh phúc không bị người già ngăn cấm vì chênh lệch đẳng cấp sang trọng, giàu nghèo. Chàng trai trèo lên cây Ban, ngắt từng chùm hoa nở trắng ném xuống cho người mình thương mến. Cô gái nào ưng thuận, thấu tỏ tình ý, tìm đến chùm hoa của chàng trai như quà tặng từ trên trời xuống, trân trọng xếp vào chiếc giỏ mây đeo bên mình.

Kể từ “Năm du lịch Điện Biên Phủ” tổ chức năm 2004 đến nay, du lịch Điện Biên Phủ đã có một chặng đường dài phát triển. Với Tây Bắc, đây là tỉnh giàu tiềm năng, sức hấp dẫn du lịch. Nhiều hình thái du lịch có sức thu hút lạ lùng. Đến với Điện Biên, bạn có thể theo đường hàng không nội địa, nhanh và đỡ nhọc nhằn đường xa. Tuy nhiên, theo lộ trình đường bộ, vẻ đẹp nguyên sơ rừng núi Tây Bắc chắc chắn sẽ có sức quyến rũ đoàn lữ hành khi bạn dừng chân ven làng, nhìn ngắm những nhà sàn tre nứa, nhìn con sông Đà thác trắng mùa nước dâng. Đêm đến, quanh ngọn lửa bập bùng, bạn sẽ được nghe các cô gái Thái hát và nắm tay bạn vào xòe, vào sạp…

Ghi chép của Đoàn Tử Diễn

 

 

 

 

;
.
.
.
.
.