.

“Mộ” - Một bài thơ “hàm súc dư ba”

MỘ

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Hồ Chí Minh

Dịch thơ:

CHIỀU TỐI

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng...

(Bản dịch của Nam Trân)

Mộ (Chiều tối) là một trong những bài thơ của Bác được chọn giảng trong chương trình Ngữ văn THPT. Một thời gian khá dài, tôi đã phân tích bài thơ này cho học sinh theo định hướng của sách Hướng dẫn giảng dạy do NXB Giáo dục ấn hành: Tình yêu thiên nhiên và lòng lạc quan yêu đời của Bác.

Cảnh thiên nhiên đẹp mà buồn. Đẹp vì có chim, có mây. Buồn vì mây lẻ chiếc, chim cô đơn trong ánh chiều tà. Nhưng ngọn lửa lò than đã sưởi ấm cả bức tranh. Đó là ngọn lửa được nhen lên từ tâm hồn yêu đời, lạc quan của Bác... Sau này ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra đó chưa phải là giá trị chủ yếu của bài thơ Mộ. Thơ Bác hàm súc, ít lời nhiều ý, có những tầng nghĩa phải đọc thật kỹ mới phát hiện được. Mộ là một bài thơ như vậy.

Mới đọc lần đầu ta cứ tưởng đây là một bài thơ tả cảnh. Buổi chiều tối có mây trôi, chim bay, có cô sơn nữ đang xay ngô và một ngọn lửa vừa rực hồng trong lò than... Nhưng không lẽ chỉ có thế? Chắc là còn điều gì nữa ẩn giấu đằng sau những câu chữ hết sức bình dị kia. Và tôi chợt nhận ra rằng biết bao nhiêu người vẫn ngắm cảnh chim bay trong buổi chiều tà nhưng đã mấy ai hiểu được như Bác là nó đang mỏi cánh? Phải thực sự đồng cảm mới hạ được chữ “quyện” ấy. Như tôi, tôi chỉ có thể viết: chim bay về rừng tìm chốn ngủ. Thêm một từ “mỏi” vào đã thay đổi hẳn ý tưởng của câu thơ. Và tôi cũng chỉ có thể viết như bản dịch: “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Ở nguyên tác, Bác không viết là chòm mây, làn mây hay đám mây mà là “cô vân” - nghĩa là chỉ một mình nó cô độc, lẻ loi, nhỏ bé trên bầu trời mênh mông vô định. Người dịch cũng hiểu điều đó nhưng bất lực không thể dịch nổi. Từ “cô vân” chuyển sang “chòm mây” đã đánh mất ý nghĩa của câu thơ. “Chòm mây” không biểu hiện được niềm cảm thông sâu sắc của Bác, phải là “cô vân” mới thể hiện nỗi lòng của Bác gửi vào trong đó. Bao nhiêu người vẫn ngắm mây chiều trôi chầm chậm nhưng đã mấy ai thấu hiểu nỗi niềm cô đơn, lẻ loi, bơ vơ của nó? Phải thực sự đồng cảm mới hạ được chữ “cô” ấy. Bác không chỉ thương một “quyện điểu quy lâm” một “cô vân mạn mạn” mà còn cảm thông với cả cô sơn nữ xay ngô. Cô gái miệt mài xay, xay một cách kiên nhẫn, âm thầm. Xay, xay mãi. Vòng cối xay trở đi, trở lại: “ma bao túc...” rồi “bao túc ma”... cứ đều đều như thế, cứ nhẫn nại như thế cho đến khi xay xong thì trời đã tối lắm rồi, lửa trong lò than đã rực hồng lên. Bác lấy sáng để tả tối. Phải tối đến mức nào mới thấy ngọn lửa “rực hồng” như vậy.

Bài thơ diễn tả một cách tài tình bước đi của thời gian. Tất cả đều chuyển động: cánh chim đang bay, mây đang trôi và cối xay cũng đang xoay vòng. Chim về rừng, mây mất hút giữa khoảng không và cô gái xay ngô dừng tay khi đã xay xong. Ánh lửa bùng lên sưởi ấm cả không gian vắng lặng. Chỉ còn Bác là đang “cất bước trên đường thẳm”. Bác quên mình “tay bị trói giật cánh khỉ, cổ mang xiềng, có những người lính mang súng theo”. Ta chỉ thấy chim mỏi cánh, mây cô lẻ bay chầm chậm mà không thấy Bác cũng đang lê bước trên “đường thẳm”...

Một người bị trói, bị giải đi như vậy vẫn còn ngắm một cánh chim, một làn mây, một cô gái xay ngô đã là khác thường rồi, huống hồ Bác còn quên cảnh ngộ mình để cảm thông cho cảnh vật và con người xung quanh. Cái hay, cái sâu sắc của bài thơ chính là ở chỗ đó chứ đâu chỉ đơn thuần là tình yêu thiên nhiên và lòng lạc quan yêu đời! Với những bài thơ “hàm súc dư ba” như Chiều tối của Bác buộc ta đọc thật kỹ, vừa đọc vừa suy ngẫm mới thấm thía cái dư vị đặc biệt của nó.

Mai Văn Hoan

;
.
.
.
.
.