.
Nguyễn Đình Tú

“Nhà văn tồn tại bằng trí tưởng tượng của mình”

.

Với 4 cuốn tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Đình Tú được coi là một trong những nhà văn 7x sung sức hiện nay. Phiên bản là cuốn tiểu thuyết thứ tư của anh. Cuốn sách có 31 khúc được sử dụng với 3 ngôi kể khác nhau: ta, thị, em. Tác phẩm chỉ dày 400 trang nhưng là những lát cắt hiện thực khiến độc giả ngộp thở, rùng mình xen lẫn lo âu và hồi hộp về những thân phận con người chênh vênh giữa hai bờ thiện – ác.

Tiểu thuyết Phiên bản.  

Nhân dịp này, ĐNCT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Tú.

* Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường thấy các cuộc thanh toán của giới giang hồ phần lớn đều là nam giới. Tại sao trong Phiên bản, anh lại xây dựng nhân vật chính là một nữ tướng cướp?

- Cái thường thấy thì không hấp dẫn được văn học. Văn học thường đi vào cái ít thấy, cái đặc biệt, cái độc đáo, cái riêng có, cái dị biệt để nói về cái chung, cái mang tính quy luật của đời sống. Văn học đương đại Việt Nam đã có một Tám Bính của nhà văn Nguyên Hồng như một tượng đài sừng sững về kiểu nhân vật nữ giang hồ những năm đầu thế kỷ 20. Tôi muốn khai thác tiếp kiểu nhân vật này như một sự tiếp nối không chỉ về mặt con người mà cả bối cảnh, không gian, vùng đất… với hy vọng chỉ ra một điều gì đó mang tính quy luật về CÁI ÁC.

* Nhân vật Diệu - Hương “ga” được miêu tả rất tỉ mỉ, kỹ càng, vừa quen vừa lạ, vừa độc đáo vừa điển hình. Nhân vật này có xuất phát từ nguyên mẫu nào từ đời thực không?

- Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết của tôi đều là con đẻ của trí tưởng tượng. Tuy nhiên sự tưởng tượng của nhà văn dù phong phú đến đâu thì cũng bắt nguồn từ đời sống. Người đọc thấy Hương “ga” quen mà lạ, điển hình mà độc đáo vì nhân vật hàm chứa trong nó tính cách của nhiều kiểu người trong xã hội, có thể tìm thấy rất nhiều Hương “ga” ở đâu đó quanh ta nhưng lại không thể tìm ra được cụ thể một ai đó chính là Hương “ga”. Nhân vật của tiểu thuyết tồn tại như một mã số bí ẩn giữa cuộc đời này.

* Khó khăn của anh khi bắt tay vào viết Phiên bản là gì?

- Là cách kể một câu chuyện sao cho hấp dẫn. Ý tưởng, chất liệu đời sống, mẫu nhân vật, tư liệu… tất cả có rồi nhưng làm sao để có được một cuốn sách đọc không muốn rời ra. Và tôi bắt đầu đối mặt với cái khó đó cho đến khi cuốn tiểu thuyết hoàn thành.

* Qua Phiên bản, hình ảnh một thế giới giang hồ, tội phạm về cờ bạc, ma túy, gái mại dâm, cướp biển... được xây dựng một cách khá kỹ càng cùng mọi mánh khóe lọc lừa, phản trắc, gây hấn, giành giật. Anh có thể chia sẻ về những trải nghiệm thực tế để có Phiên bản?

- Trải nghiệm của nhà văn không phải là chuyện có đi, có đến, có biết và… viết lại! Nếu hiểu trải nghiệm theo nghĩa đó thì tôi không thể viết nổi một phần mười bất cứ cuốn tiểu thuyết nào. Nhà văn xét cho cùng, chỉ sống một phần bằng vào sự trải nghiệm thôi, nhà văn tồn tại bằng trí tưởng tượng của mình.

* Được biết, để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, anh đã có một quá trình thu thập tư liệu ở Bộ Công an và các trại giam. Trong quá trình đó, anh có kỷ niệm nào có thể chia sẻ được?

- Tư liệu là một con dao hai lưỡi. Tìm kiếm tư liệu không khó, cái khó là không để tư liệu nhấn chìm mình, phải biết vượt lên và tiêu hóa tư liệu. Còn việc đi đến các trại giam chủ yếu để cảm nhận và lưu giữ những ấn tượng. Ấn tượng của tôi về các trại giam cho đến bây giờ là những đôi mắt. Những đôi mắt trong chấn song nhà tù nói lên ngàn vạn điều, đầy ám ảnh và day dứt, đầy tâm trạng và thân phận. Ngoài ra các trại giam nữ để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt, đó là môi trường sống sạch sẽ và phạm nhân đối xử với nhau rất thân thiện.

* Anh có thể chia sẻ một chút về lý do vì sao đang làm việc ở Viện kiểm sát lại rẽ ngang sang văn chương? Có nhiều năm gắn bó với văn chương, thấm thía nhiều những khắc nghiệt mà công việc này mang lại, có bao giờ anh muốn được trở lại công việc ở Viện kiểm sát hay không?

- Tôi rời nghề kiểm sát chỉ vì cho rằng nghề văn đem lại nhiều bất ngờ và thú vị hơn. Đôi lúc tôi cũng thấy nhớ nghề cũ nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể trở lại với công việc của một kiểm sát viên chuyên đọc cáo trạng và luận tội tại các phiên tòa. Không biết rồi cuộc sống còn đưa đẩy tôi đến với những nghề nghiệp gì nữa? Thôi thì cứ đi theo sự chỉ dẫn của số phận.

* Nếu ở Nháp, anh phải xử lí một đống đề tài: tôn giáo, sex, đồng tính, chiến tranh, ngoại cảm... thì ở Phiên bản, anh lại phải xử lý một đống tư liệu: chuyện Năm Cam, chuyện Dung Hà. Khi ôm đồm như vậy nếu tác giả không chắc tay thì rất dễ trở thành một tác phẩm thị trường. Anh có thể cho biết mình đã xử lý như thế nào và đối tượng độc giả mà anh hướng đến là những ai?

- Xử lý như thế nào thì bản thân tác phẩm đã nói lên tất cả. Còn độc giả mà tôi hướng đến ư? Là bất cứ ai yêu văn học và muốn tiếp cận cuộc sống này bằng văn học.

* Đều đặn hng năm anh đều ra mắt một tiểu thuyết mới. Phải chăng đây là tiêu chí sáng tác của anh? Vậy năm nay, cuốn tiểu thuyết tiếp theo đó là gì? Anh định cung cấp cho người đọc những vấn đề gì ở cuốn tiểu thuyết này?

- Sau khi tiểu thuyết Nháp ra đời vào năm 2008 thì tôi đã ấp ủ viết cuốn tiểu thuyết Phiên bản rồi. Rất may là cuốn sách đã hoàn thành và ra đời vào năm 2009. Trong đầu tôi lại đang nhen nhóm một cuốn tiểu thuyết mới. Và tôi tự đặt ra chỉ tiêu cho mình là cần phải hoàn thành nó vào năm nay để đạt một kỷ lục nho nhỏ của đời văn mình, đó là ba năm liên tiếp mỗi năm ra đời một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi có tên là Kín. Hiện đã viết được hai phần ba và đang khẩn trương hoàn thiện. Đây là cuốn tiểu thuyết nói về đời sống của những người trẻ tuổi với lên đồng, chầu văn, thuốc lắc, quần hôn, sự chối từ cái tôi hiện tại, những khắc khoải hiện sinh, sự tìm về những giá trị văn hóa trầm tích... được lồng ghép dưới nhiều lớp mã bí ẩn và mỗi người đọc sẽ tự giải những lớp mã đó để tìm thấy sự thú vị của tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, vốn xuất thân từ trường Luật, từng công tác trong ngành Kiểm sát và hiện là Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Là một trong số những cây bút 7x sung sức hiện nay với 6 tập truyện ngắn và 4 cuốn tiểu thuyết: Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp và Phiên bản.  


Hồ Huy Sơn
(Thực hiện)

 

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

 

;
.
.
.
.
.