.

Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

.

Năm 1960, Bác Hồ phát động phong trào “Tết trồng cây” và để kêu gọi mọi người tham gia, Bác viết: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Rồi tự tay Bác trồng cây đa ở Công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Lênin), từ đó hằng năm Bác đều cùng mọi người tham gia Tết trồng cây, tạo một phong trào “trồng cây gây rừng” chung trong toàn quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ghép cành trên cây Hữu nghị. 

Hình ảnh Bác Hồ trong bộ đồ bà ba đang cuốc đất trồng cây, làm rào bảo vệ cây non trong những bức ảnh và cuốn phim tư liệu trông thật gần gũi và thân thuộc. Ngay từ những ngày còn ở Chiến khu Việt Bắc, họa sĩ Diệp Minh Châu có thời gian sống bên cạnh Bác Hồ kể lại: Bất kỳ ở đâu, hễ rỗi việc là Bác lại ra vườn xới đất trồng cây, có lần sắp chuyển dời đến nơi ở mới vẫn thấy Bác lúi húi trồng một cây quýt, họa sĩ vừa giúp Bác cắm cọc rào quanh cây quýt nhỏ vừa hỏi: - Thưa Bác, mai ta dời đi rồi, Bác còn trồng làm gì? Bác đứng ngắm cây quýt mới trồng và nói: - À, mình đi thì trồng để mai sau ai qua ngang đây gặp ăn cũng được.

Không chỉ trồng cây mới, Bác Hồ còn nâng niu, chăm sóc những cây lớn đã trồng. Câu chuyện về cây bụt mọc luôn được mọi người nhắc đến, chuyện kể: Xung quanh ao cá trước nhà sàn của Bác Hồ có rất nhiều loại cây. Mỗi loài có những đặc điểm và nét đẹp riêng. Cây bàng cành lá sum suê như những cái ô che nắng mùa hè, cây phượng nở hoa đỏ rực như những chùm đèn màu lấp lánh soi bóng mặt nước, cây liễu vươn cao, mỗi khi gió thổi có tiếng lá reo nghe như tiếng nhạc. Lại có loài cây rễ của nó nhô lên mặt nước trông giống những ông bụt, nên có tên gọi là “cây bụt mọc”.

Cứ mỗi độ Tết về, Bác Hồ nhắc nhở: Mỗi người trồng 2 cây (Tranh sơn dầu của Vương Trình). 

Một hôm hết giờ làm việc buổi chiều, Bác Hồ đi bộ theo con đường quanh ao cá để sang phòng ăn. Vừa qua chiếc cầu nhỏ cạnh nhà sàn, Bác dừng lại hồi lâu ngắm nhìn một cây bụt mọc đang bị sâu tàn phá, nhựa chảy đầy, nhiều cành bị héo khô.

Sáng sớm hôm sau, khi thấy đồng chí làm vườn đang cầm chổi quét lá ở gần đấy, Bác gọi đến và bảo: - Bác thấy ở bờ ao có cây bụt mọc bị sâu đục rỗng cả thân. Các chú nên tìm cách chữa cho nó chứ đừng chặt đi. Sau đó, Bác hướng dẫn mọi người cạo hết lớp vỏ khô, bỏ những chỗ bị sâu đi, rồi dùng vôi trộn với rơm, xi-măng đem trát vào rồi lấy dây buộc chặt. Một thời gian sau, chỗ bị sâu dần dần mọc lên những lớp vỏ mới và cây đã sống lại, cành lá dần trở lại xanh tốt. Nhân câu chuyện cứu sống cây, Bác nói với mọi người: - Cây nó cũng như người. Không nên thấy cây bị sâu mà chặt nó đi. Làm như vậy thì dễ. Điều quan trọng là phải tìm cách cứu cho cây sống lại bình thường.

Nhà báo Liên Xô E.Lengơ trong tác phẩm “Cành Bác Hồ trên cây Hữu Nghị” viết: “…Vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập rất yêu mến và quý trọng thiên nhiên, kêu gọi mọi người gìn giữ và nhân bội phần của cải thiên nhiên. Ở Việt Nam người ta đã trồng hàng chục vạn cây non theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch. Song trên thế gian này còn có một cây kỳ lạ đã trở thành biểu hiện tượng trưng cho tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trên cây đó có một cành được gọi một cách trìu mến là cành Hồ Chí Minh…”. Câu chuyện về cây Hữu Nghị đó như sau: Năm 1959, Bác Hồ sang Liên Xô, có dịp đến thăm thành phố Xô-si trên bờ biển Hắc Hải. Ở đây Bác được các cán bộ Viện nghiên cứu trồng vườn trình bày cho cách ghép cành và “phẫu thuật” cây. Bác Hồ hết sức chú ý lắng nghe và sau đó mỉm cười đề nghị được áp dụng trên thực tế những điều mới tiếp thu.

Hằng ngày, Bác Hồ vun xới cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng với tấm lòng thương yêu vô hạn miền Nam anh hùng. 

Được trao một cành bưởi, Bác Hồ thận trọng cắt ở đấy một chồi non và sau khi khứa trên một cành của cây Hữu Nghị, Bác ghép chồi bưởi đó vào tán cây chanh dại. Qua sự kiện đó, Bác được trao tặng danh hiệu vinh dự “Chuyên viên làm vườn hữu nghị”.

Nhà báo E.Lengơ viết: “…Người ta nói rằng nếu cây được bàn tay nhân hậu trồng, thì nó nhất định lớn lên cao to, khỏe mạnh. Bây giờ mà nhìn lên cành Hồ Chí Minh, thì chúng ta có thể vững tin nói: Bàn tay nhân hậu đã ghép cành này… vào mùa xuân, khi gió biển ấm áp xua đuổi những đám mây lơ lửng trên bầu trời Xô-si, tuyết tan ở các sườn núi, thì cây Hữu Nghị cũng bắt đầu nở hoa. Tán cây của nó trông giống tấm thảm trang điểm bằng những bông hoa nở rộ với màu sắc và hình thù khác nhau. Cành Hồ Chí Minh là một trong những cành đẹp nhất trên cây Hữu Nghị. Cứ đến mùa thu cành này ra những quả to đẹp - những quả bưởi tắm trong ánh nắng chứa chan của vùng biển Hắc Hải… Phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ rày…” - đồng chí Hồ Chí Minh viết. Tất cả việc lớn bắt nguồn từ việc nhỏ, dòng nước chảy xiết bắt nguồn từ mạch nước, quả cây-từ những mầm bé nhỏ, ngọn lửa-từ các tia lửa. Công việc phúc hậu do mỗi người đóng góp có khả năng biến trái đất thành vườn cây hữu nghị…”.

Có thể xuất phát từ ý nghĩa của câu chuyện này mà nhà thơ Ấn Độ Am-ri-ta Pri-tam đã viết trong bài thơ Hồ Chí Minh: “…Rằng có người đã gieo mầm sống/ Mầm mặt trời trên cánh đồng bầu trời/ Hiển hiện đây rồi những bước hoa tươi/ Những bước chân hoa, trên cành cây sáng/ Người yêu thương nhân loại là ai đó?/ Bậc hiền nhân đó là ai?”. Nhà thơ Trung Quốc Trương Vĩnh Mai thì ca ngợi: “…Người vừa gieo ươm hạt giống/ Hạt giống từ nước Việt xa xôi/ Vết chân người dừng ở nơi nơi/ Mầm hữu nghị một đêm dài một thước…”.

Chị Dương Thị Hoa, một cán bộ trong nước có lần được sang nghỉ dưỡng ở Liên Xô đã có dịp đến thăm vườn Hữu Nghị, cảm xúc trước cành cây của Bác Hồ, chị đã viết bài thơ “Cây Hồ Chí Minh trên đất Lênin” có những câu: “… Đất Lênin - cây Hồ Chí Minh/ Đất, cây thắm đượm nghĩa tình Việt-Xô/ Trông cây càng nhớ Bác Hồ/ Người ươm tình nghĩa Việt-Xô đời đời…”.

Trong công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn dân thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhớ lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.”. Những mẩu chuyện về Bác Hồ vẫn luôn là biểu tượng cao đẹp cho mọi thế hệ người Việt Nam và cho các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới noi theo.

LÊ GIA THỤY

Tài liệu tham khảo

- Tạp chí Tuyên truyền tháng 5-1990 của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương phát hành.

- Tên người là cả một miền thơ, sách do Nhà Xuất bản Thanh niên phát hành năm 1974.

- Mỹ thuật với Bác Hồ, Nhà Xuất bản Mỹ thuật xuất bản năm 2002.

- Báo ảnh Phụ nữ Liên Xô số tháng 5-1986.

;
.
.
.
.
.