.

Niềm tin ngày đoàn tụ

.

35 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhớ lại ngày hội ngộ giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng khi 21 năm đất nước đằng đẵng bị chia cắt, những người đã từng nếm cảnh chia ly không ngăn được những giọt lệ trên khóe mắt già nua. Từng gia đình dù chịu cảnh đôi ngả Bắc-Nam nhưng có một niềm tin sắt đá là sẽ đoàn tụ một nhà.

Tôi ở giữa hai miền Nam-Bắc

Niềm vui tuổi già của nhà thơ Nguyễn Quân là làm thơ với gần 10 tập thơ đã xuất bản.

Tôi sinh ra vào cuối thập niên 1970, khi đất nước đã bình yên, nhưng tôi vẫn được sống trong không khí của ngày toàn thắng và công cuộc tái thiết đất nước ngay trên chính mảnh đất địa đầu giới tuyến. Nơi mỗi người dân Vĩnh Linh hứng chịu hàng nghìn quả đạn pháo. Cuộc sống của 18 năm diễn ra dưới lòng đất, cả Đặc khu Vĩnh Linh hầu như bị san phẳng sau chiến tranh. Và hơn ai hết, những người trong gia đình tôi thấm thía nỗi đau chia ly cũng như niềm hạnh phúc đoàn tụ.

Cũng như bao người chiến sĩ cách mạng miền Nam, ba tôi tập kết ra Bắc năm 1954, ông vừa chiến đấu vừa làm việc ở Xí nghiệp in Thống Nhất. Không phải xuống tàu với hành trình hàng trăm cây số, ông chỉ cần đi bộ qua vùng giới tuyến giữa cây cầu Hiền Lương là đến mảnh đất tự do, để lại sau lưng cha già, vợ trẻ, con thơ. Nhưng cũng phải gần 20 năm sau ông mới được đặt chân trở lại Gio Linh, đến mảnh đất bắt đầu của miền Nam với bao đau thương mà lịch sử đã lựa chọn.

Ngày thống nhất, ba tôi đưa mẹ tôi - người vợ thứ hai ông kết hôn sau 10 năm ra Bắc - về nhận mặt quê hương, gặp những người bà con mà trong cuộc chiến tranh đó được gọi là kẻ đối đầu với những người cách mạng. Sau 20 năm, ông lại đối mặt với những hồi ức buồn đau: ông nội đã mất trong chiến tranh, người vợ trẻ không chịu được cảnh xa chồng đã bỏ con đi bước nữa, người con trai được tổ chức bí mật đưa ra Bắc để học tập, người em gái của ba hoạt động trong lòng địch, rồi chọn Đà Nẵng để ở lại sinh sống...

Sau 35 năm, nhắc lại chuyện cũ, giọng mỗi người nghẹn lại. Người còn sống, người đi xa vào cõi vĩnh hằng. Nhưng, tôi tin rằng, mãi mãi, thế hệ trẻ như chúng tôi nếu có nhắc tới ngày đoàn tụ năm 1975, sẽ càng hiểu và thêm trân trọng hơn giá trị của ngày hòa bình, thống nhất.

“Má tin là con còn sống”

Ông Đỗ Phú Đáp và bà Thanh Cử. 

Trong những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Quân (phường An Khê, quận Thanh Khê), hình ảnh mẹ ông và Nông trường Tây Hiếu với bạt ngàn cam trở đi trở lại như một ám ảnh. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng với nhiệm vụ liên lạc, đưa thư từ, tin tức trong 24 xã, phường của thành phố. Năm 1954, ông được tổ chức sắp xếp ở lại nội thành để hoạt động, nhưng rồi bị giặc bắt, có thể bị lộ, ông được điều ra Bắc với lời hẹn 2 năm sau sẽ có tổng tuyển cử, sẽ được trở về. Ra đến Hà Tĩnh, gặp đợt cải cách ruộng đất ở miền Bắc, vì ông biết chữ, biết cả tiếng Pháp, nên bị quy là thành phần địa chủ không được vào bộ đội, chỉ được phép tham gia sản xuất. Ông được điều đến Nông trường Tây Hiếu, thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, làm đủ việc, từ trực tiếp sản xuất đến làm kỹ thuật, dạy bổ túc văn hóa, làm thông tin tuyên truyền…

Tưởng ra Bắc 2 năm, nhưng đến 21 năm sau ông mới trở lại quê hương vào tháng 9-1975. Ông Quân nhớ lại: “Ô-tô của nông trường chở vào đến Huế, từ Huế tôi bắt xe lửa vào Đà Nẵng. Đường xấu, nên chuyến đi kéo dài 2 ngày 2 đêm”. Ông đến cách nhà mình 4-5 nhà, thấy ở trước nhà có quán bán bún, nước uống, ông phải đứng một lúc mới dám đến gần, kéo ghế ngồi xuống, gọi nước. Đứa cháu trai 14 tuổi chưa bao giờ gặp mặt chỉ kịp hỏi ông uống nước gì rồi đi thẳng vào nhà bảo bà nội “có một người mặc đồ bộ đội rất giống ảnh bác Hai”. Mẹ tôi chạy ra, bà ôm lấy tôi rồi nghẹn ngào “Má tin là con không chết, con còn sống mà”. Lúc đó tôi mới biết ba tôi đã mất 6 năm trước, cậu em trai đã lập gia đình và mẹ tôi sống và chờ con với niềm tin sắt đá rằng tôi còn sống”. Ông Quân khóc khi kể về người mẹ thân yêu của mình. Ông không dám kể với mẹ về 21 năm gian khổ của mình bởi ông chỉ về nhà được vài ngày rồi trở ra Bắc. Nhưng năm đó ông được về nhà ăn cái Tết đầu tiên của ngày thống nhất và 3 năm sau ông về hẳn với vùng đất Quảng quê mình, được làm lại lý lịch và với ông điều hạnh phúc nhất là còn sống trở về, mà ông gọi là “hạnh phúc không tưởng được”.

Giọt nước mắt ngày gặp mặt

5 năm sau ngày tập kết ra Bắc, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa 2, những cán bộ người miền Nam trở lại quê hương đặt nền móng cho cách mạng: Chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị có vũ trang. Ông Đỗ Phú Đáp là cán bộ tham mưu Khu ủy thời kỳ đầu phải để lại miền Bắc người vợ đã cùng ông đi tập kết và 3 đứa con, trong đó, đứa con út còn nằm trong bụng mẹ. Khi chia tay, ông Đáp và vợ ông-bà Thanh Cử đã trao nhau niềm tin ngày gặp lại. Ông nói thật cho bà biết ông trở lại miền Nam chứ không nói với vợ là đi Liên Xô học như tổ chức đã dặn. Cái cách để bà Cử vượt qua sự chờ đợi là “cứ khẳng định vô Nam là chết, cứ khẳng định như vậy mới sống được”, bà nhớ lại. Năm 1962 ông mới viết bức thư đầu tiên cho bà, qua đường dây liên lạc. Rồi sau đó trong một trận đánh, ông bị mất liên lạc. Nhiều năm liền bà không nhận được tin gì của ông, nhưng niềm tin ông còn sống vẫn không hề giảm. Năm 1975, ông làm Tham mưu trưởng Quân khu 6, đánh trận cuối vào ngày 19-4 ở Phan Thiết, rồi chuyển lên công tác ở Daklak. Cuối năm đó, bà Thanh Cử vào Đà Lạt nhận công tác, hai ông bà mới gặp nhau và phải nhiều năm sau ông mới gặp cô con gái út. Ông Đáp kể: “Con bé nhất định gọi tôi bằng chú, không gọi ba, phải mấy ngày sau mẹ nó giải thích mãi, nó hết ngắm ảnh (do ông gửi ra Hà Nội) đến nhìn người mới tin là thật”. Hai ông bà đã sống với nhau được 60 năm, nhưng sống trọn vẹn chỉ đủ 31 năm. Những năm tháng tuổi thanh xuân của hai người đã dành cho đất nước. Nên giọt nước mắt ngày đoàn tụ cũng là ngày tình yêu, niềm tin được khẳng định bền vững, cùng với ngày đất nước hòa bình, thống nhất, như ông gọi là “có cái nhỏ nhất mới có cái lớn nhất...”.

Ghi chép của Hoàng Nhung

 

 

;
.
.
.
.
.