.

Tấm lòng người cựu binh Mỹ với Bác Hồ

.

Vào khoảng tháng 7 năm 1945, theo đề nghị của Bác Hồ, một nhóm binh sĩ Mỹ trong nhóm OSS (Office of Strategy Services), biệt danh “Con Nai”(Deer Team) đã nhảy dù xuống căn cứ Tân Trào, giúp huấn luyện các chiến sĩ quân đội Việt Minh vừa được thành lập, chuẩn bị cho thời cơ Tổng khởi nghĩa sắp tới. Henry Prunier là một trong số binh sĩ của nhóm nhảy dù bí mật đó.

Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp (người mặc com-lê trắng, thắt caravat) và một số chiến sĩ Việt Minh chụp ảnh chung với nhóm OSS tại căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang). Người đứng bên phải Võ Nguyên Giáp là Henry Prunier. 

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, giữa tháng 9 năm 1945, nhóm “Con Nai” kết thúc nhiệm vụ, trở về Mỹ. Trước lúc rời Hà Nội, Bác Hồ đã chân thành cảm ơn đội nhảy dù OSS và những công việc họ đã thực hiện trên căn cứ Việt Bắc. Bác mong muốn gặp lại họ ở Việt Nam như những người bạn quý. Henry tiếc nuối khi trở lại Việt Nam vào năm 1995: “Cũng phải mất trọn 50 năm chúng tôi mới thực hiện được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tháng 9 năm 1995, thông qua tổ chức Hòa giải Đông Dương, một đoàn cựu binh Mỹ trong đội OSS đã trở lại Việt Nam. Họ đã ngoại thất thập cả rồi. Trong lần đó, Henry Prunier đã gặp lại một số chiến sĩ Việt Minh hồi nào ở Tân Trào. Ông Henry mặc trên mình bộ com-lê đũi mà “Mr Ho” đã tặng ông khi rời Hà Nội, tháng 9 - 1945. Ông nhớ lại:

- Lần đầu gặp Bác Hồ, mới hay Người nói tiếng Anh, Pháp rất giỏi. Tôi làm thông dịch viên của nhóm, thành thất nghiệp. Nhưng thật ngạc nhiên, chỉ sau một tháng, Bác Hồ mà tôi vẫn thường gọi là “Mr Ho” là Chủ tịch của nước Việt Nam chiến thắng, đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhìn Người đứng trên lễ đài, đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình tôi ngạc nhiên, không tin nổi vào mắt mình. Tôi chỉ có thể thốt lên, “Chủ tịch bình dị đến phi thường”.

Ông cho biết, những ngày bên cạnh các chiến sĩ du kích Việt Minh năm 1945 là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất mà ông lưu giữ trong ký ức hơn nửa thế kỷ qua. Trong nhà ông còn giữ món quà kỷ niệm của “Mr Ho”. Đó là bức tranh thêu trên lụa khổ lớn được ông lồng vào khung kính. Đến nay hình ảnh và màu sắc vẫn còn nguyên nét đẹp óng ả như hồi nào. Đó là bộ com-lê đũi sang trọng Người tặng trước lúc chia tay. Trong nhiều năm qua, Henry tìm kiếm những tài liệu, báo chí viết về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh với một niềm trân trọng như những gì gắn bó với tâm hồn mình. Những băng ghi hình, tiêu biểu là hình ảnh Bác Hồ của nhiều hãng truyền hình, thông tấn như BBC, kênh truyền hình History channel (kênh Lịch sử) và nhiều tư liệu khác được ông tập hợp thành một bộ sưu tập mang tên Việt Nam- Bác Hồ.

Dịp trở lại Việt Nam, ông lấy làm tiếc là không còn bao giờ được gặp lại Chủ tịch nữa. Mỗi lần nhìn tấm ảnh những chiến sĩ Việt Minh đã cùng nhóm chụp chung trên căn cứ, đặc biệt là hình ảnh tướng Giáp, ông lại hình dung ra gương mặt của vị Chủ tịch bình dị, thông tuệ mà ông có dịp biết tới. Nhắc lại kỷ niệm về Bác, ông xúc động khi “Mr Ho” kể về những kỷ niệm của Người ở Massachusetts, quê hương ông, để hiểu rằng: Bàn chân Người đã đi khắp năm châu để cuối cùng về lại nơi khu rừng rậm, hiểm yếu lập căn cứ kháng chiến. Chủ tịch là một con người rất Việt, nhưng hội tụ trong con người Việt đó những phẩm chất ưu tú của nhân loại. Đó thực sự là một con người có chí khí mãnh liệt.

Henry Prunier sử dụng những bức ảnh đã có trên 60 năm lưu giữ để gắn vào những bài báo, mỗi khi ông viết về Việt Nam, về những ngày đơn vị OSS hoạt động ở chiến trường Đông Dương. Biết tin Việt Nam đang sưu tầm những kỷ vật trong hai cuộc kháng chiến, Henry đã chuyển tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhiều kỷ vật, những bức ảnh, phim gốc ông chụp từ ngày còn ở căn cứ Tân Trào cho đến những tư liệu về Bác Hồ những năm sau này, đặc biệt là những cuốn băng ghi âm các cuộc phỏng vấn Người, hình ảnh Người qua nhiều hãng thông tấn lớn của Mỹ, châu Âu.

Đoàn Tử Diễn

 

;
.
.
.
.
.