Rất nhiều người háo hức chờ đợi ngày “Tây Sơn hào kiệt” ra mắt (dựa theo kịch bản “Ngàn năm thương nhớ” của Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân, NSND Huy Thành, Tổng đạo diễn: NSƯT Lý Huỳnh) với hy vọng người xem sẽ có một cái nhìn khác về cách làm phim lịch sử Việt Nam. Nhưng sau khi xem xong, không ít người lắc đầu thất vọng.
Tài trí, mưu lược, khả năng dụng binh, dùng người của Nguyễn Huệ-Quang Trung chưa được thể hiện rõ trên phim. (ảnh:internet) |
Với thời lượng 90 phút, “Tây Sơn hào kiệt” tái dựng một quãng thời gian trong cuộc đời hào hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Tuy nhiên, hình tượng người anh hùng áo vải lại xuất hiện như một người giỏi chiến đấu bằng cơ bắp hơn là bằng trí tuệ tinh anh, và khán giả phải vừa xem vừa nhặt sạn.
“Hạt sạn” lớn nhất trong “Tây Sơn hào kiệt” là lỗi kể chuyện lịch sử. 90 phút chưa phải là nhiều, nhưng không vì thế mà nhà làm phim có thể bỏ qua nhiều chi tiết đắt giá khiến người xem có cảm nhận chưa đúng về lịch sử Việt Nam. Theo sử sách ghi chép, Quang Trung gây dựng sự nghiệp bằng trí tuệ, khả năng dụng binh, dùng người thiên tài chứ không đơn giản là một mãnh tướng chỉ biết cầm gươm xông ra trận. Với “Tây Sơn hào kiệt”, khán giả phần lớn được chiêm ngưỡng những pha kỹ xảo, kỹ thuật điện ảnh. Trong khi đó, sự tài trí, mưu lược của Nguyễn Huệ thì dường như đạo diễn đã “quên” đầu tư đúng mức.
Diễn viên Lý Hùng và hoa hậu Hoàn vũ Thùy Lâm trong phim “Tây Sơn hào kiệt” (ảnh: Internet) |
Một hạt sạn nữa trong “Tây Sơn hào kiệt” liên quan đến Sầm Nghi Đống. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa xuân năm 1789, Sầm Nghi Đống bị Đặng Tiến Đông, Đô đốc nhà Tây Sơn tấn công và không đỡ nổi, phải bỏ đồn chạy nhưng bị quân Tây Sơn vây đánh khắp ngả. Cuối cùng, Sầm Nghi Đống quyết định thắt cổ tự vẫn, không chịu để rơi vào tay quân Tây Sơn.” Đằng này, trên phim, Sầm Nghi Đống đã đánh nhau giáp lá cà với Nguyễn Huệ rồi bị Nguyễn Huệ giết chết.
Thời lượng không dài, nhưng phim lại xuất hiện không ít tình tiết thừa, thiếu kịch tính, nhiều chỗ chưa thực sự logic. Chi tiết Trịnh Bồng cho tiền Lê Chiêu Thống đánh bạc không cần thiết phải nhắc đến; cảnh anh hùng cứu mỹ nhân được thể hiện một cách nhạt nhẽo (Nguyễn Huệ cứu công chúa Ngọc Hân khỏi tay công tử Bàng Quan), hay chi tiết Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ trách Nguyễn Huệ cưới công chúa Ngọc Hân mà không báo cho mình biết được nêu ra nhưng rồi bỏ lửng không thể hiện giá trị gì cho đến cuối phim. Trong khi đó, một trong những yếu tố làm nên chiến thắng vang dội của cuộc hành quân thần tốc ra Bắc lần hai của quân Tây Sơn lại được tái hiện một cách sơ sài, khiến người xem không hình dung ra được quân Tây Sơn đã di chuyển bằng cách nào mà có thể ra Bắc trong thời gian nhanh và ngắn như vậy. Việc hành quân nhanh, tốc chiến, tốc thắng mang yếu tố quyết định trong chiến thắng của quân Tây Sơn được thể hiện quá ít so với những cảnh đánh nhau thông thường. Thêm nữa, trong “Tây Sơn hào kiệt”, người xem dễ dàng nhận thấy các nhân vật của triều Lê hoàn toàn không sử dụng tiếng Bắc Hà mà sử dụng giọng Nam Kỳ.
Ngoài ra còn vô số cảnh nhân vật quần chúng diễn một cách gượng gạo. Kiến trúc, không gian chưa đưa người xem trở về với bối cảnh của những năm 1789. Kỹ xảo khói lửa cũng chưa thực sự gây ấn tượng như trong lời giới thiệu trước khi công chiếu. Ai đời, tường thành sau khi bị đại bác tấn công vẫn không hề thấy dấu hiệu của đổ vỡ. Mà trên thực tế, thành lũy không thể đơn giản được dựng bằng tre mà phải bằng đất hoặc đá.
Như vậy, một bộ phim được quảng bá hoành tráng, gây sự háo hức chờ đợi cho người xem nhưng thực sự chỉ mang lại nhiều thất vọng. Đành rằng trong phim có hư cấu, nhưng hư cấu đến mức không trung thành với lịch sử thì thử hỏi những người muốn và đang tìm hiểu lịch sử Việt có nắm được chân giá trị của những trang sử hào hùng?
Giật mình nhìn lại phim lịch sử Trung Quốc, mới hiểu vì đâu người Việt trẻ thuộc sử Trung Quốc hơn sử nước nhà.
Nguyễn Thị Thu Hà