.

Thao thức cùng du lịch Đà Nẵng

.

Đến chợ để hiểu về văn hóa ẩm thực, hiểu về cung cách con người… của một vùng đất nào đó. Có lẽ vì thế mà vài ba năm trở lại đây, các chợ ở Đà Nẵng đã dần “thay áo mới”. Tuy nhiên, điều cần đã có, nhưng điều đủ thì vẫn khá xa vời.

Đâu là sản phẩm đặc trưng vùng miền?

Một số du khách đến từ Hà Nội đang chọn mua sản phẩm đá mỹ nghệ tại chợ Hàn về làm quà tặng người thân, bạn bè.  

Thời gian gần đây, nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ Hàn đã quen với cảnh một ngày đôi, ba lần, từng đoàn khách du lịch đến chợ mua sắm những sản phẩm có thể mang về làm quà cho người thân, bạn bè. Chị Nguyễn Thị Minh Hoa, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Với những người phụ nữ như tôi, khi du lịch đến bất kỳ địa phương nào cũng muốn được vào chợ. Bởi ở đó có rất nhiều sản phẩm để mình ngắm nghía và lựa chọn mua về làm quà”. Món quà mà chị nói thường là vài ký mực khô, tôm khô, cá khô hay bánh khô mè bà Liễu, bánh đậu xanh nhân thịt Hội An… Những thứ chị có thể dễ dàng tìm thấy ở chợ Hàn.

Nắm bắt được nhu cầu trên của nhiều du khách, một số công ty lữ hành như Vitours, Hanoitourist, Saigontourist… đã đưa chợ vào chương trình tour của mình để thu hút khách. Theo ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Vitours, nhiều du khách tỏ ra rất thích thú khi được đưa đến chợ. Nhiều nước châu Á, chợ luôn chứa đựng bản sắc văn hóa, tạo sự tò mò đối với du khách.

Cũng theo ông Dũng, tên chợ đã gắn liền với tên địa danh du lịch. Nhiều du khách biết đến chợ Đông Ba ở Huế, chợ Đông Hà, Lao Bảo ở Quảng Trị, chợ Bến Thành ở thành phố Hồ Chí Minh, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Hàn hay chợ Cồn ở Đà Nẵng… Tại nhiều nước, du lịch kết hợp mua sắm là một loại hình du lịch phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây. Lợi nhuận từ việc mua sắm của du khách là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch. Tuy nhiên ở Đà Nẵng hiện nay, chợ vẫn khá mờ nhạt bởi những sản phẩm thiếu tính đặc trưng, phần lớn được lấy từ các địa phương lân cận.

Dạo một vòng quanh chợ Hàn mới thấy, những sản phẩm vẫn còn đơn điệu và chưa thật sự hấp dẫn, chỉ thu hút sự quan tâm của khách nội địa đến từ Hà Nội, Sài Gòn. Còn với một lượng lớn khách quốc tế, họ đến chợ Hàn chỉ để tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử phát triển là chính bởi không có sản phẩm nào khiến họ thôi thúc mình “phải mua” về. Hay nói đúng hơn, vài sản phẩm tại đây không thể sánh với sản phẩm du lịch đặc trưng tại nhiều nước trên thế giới. Bởi, chỉ cần nhìn quà lưu niệm thì có thể biết bạn vừa ở đâu về. Đó có thể là chiếc tháp Eiffel thu nhỏ của Pháp, con voi trắng xứ Lào, con kangaroo hay bộ vũ khí boomerang của thổ dân Úc, chiếc móc khóa có hình Angkor Wat của Campuchia... được tạo tác trên mọi chất liệu để kích thích thú vui mua sắm của du khách.

Chị Nguyễn Thị Nhạn, chủ quầy tạp hóa thực phẩm Mai Nhạn (lô 38) trăn trở: “Qua nhiều lần tiếp đón khách nước ngoài, tôi nhận thấy chúng ta không có những sản phẩm họ cần. Chỉ một số ít khách đến từ Thái Lan, Nhật chọn mua những sản phẩm café G7, rượu Hồng Đào. Tuy nhiên, đây cũng là những sản phẩm nhập từ các địa phương lân cận”.

Đi tìm hình ảnh Đà Nẵng

Để nâng cao hiệu quả phục vụ khách du lịch, chị Võ Thị Nhạn đã bỏ ra gần 10 triệu đồng để nâng cấp quầy, sạp.  

Theo ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn, trước nhu cầu mua sắm của khách du lịch, năm 2009, khoảng 60 quầy hàng thực phẩm, gia vị, bánh mứt đã được chỉnh trang quầy, sạp. Đầu năm 2010 tiếp tục chỉnh trang 60 quầy hàng mền, chiếu với tổng số tiền khoảng 250 triệu đồng. Số tiền này phần lớn được tiểu thương tự bỏ ra. Hàng hóa được bày biện ngăn nắp, các bảng hiệu có cùng một kích cỡ… Thế mới thấy, những vị khách đến từ các địa phương khác đã làm cho bộ mặt chợ Hàn đã ít nhiều thay đổi về cơ sở vật chất, tạo nên hiệu ứng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán của tiểu thương.

Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 181/BC-XTDL-TT ngày 13-5-2010 về việc phối hợp xây dựng văn minh thương mại tại chợ Hàn. Theo đó, Sở sẽ phối hợp với Công ty Hội chợ Triển lãm và Các chợ Đà Nẵng xây dựng văn minh thương mại tại chợ Hàn, thành chợ kiểu mẫu phục vụ khách du lịch. Cũng trong dịp này, Sở sẽ tổ chức lớp “Bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp” gồm 250 học viên và lớp “Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp bán hàng” gồm 435 học viên. Dự tính sẽ được tổ chức cuối tháng 5 tới. Đây được xem là động thái tích cực nhằm xây dựng chợ Hàn trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.

Thế nhưng nếu chỉ làm đẹp bộ mặt khu chợ, tập trung xây dựng văn minh thương mại mà không có hàng hóa để kích thích du khách phải móc hầu bao, thì Đà Nẵng đã tự mình đánh mất đi những cơ hội tìm kiếm nguồn thu đáng kể từ du lịch. Phải chăng, để trở thành thành phố du lịch, một điểm đến hấp dẫn trong tương lai, Đà Nẵng cần xây dựng những chiến lược lâu dài và thiết thực, với mục tiêu dài hơi để sản xuất ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Đó không chỉ là những sản phẩm chỉ nhìn bằng mắt, chạm bằng tay mà còn có thể bỏ vào túi mang về làm quà cho người thân, bạn bè, như cách mà nhiều người vẫn làm mỗi khi đặt chân đến bất kỳ vùng đất nào không phải là quê hương.

Phố đêm, chợ đêm là những địa chỉ không thể thiếu nếu Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch. Đó là yếu tố quyết định để giữ chân khách lưu trú. Liệu chợ Hàn, khu chợ được chọn làm điểm đến trong các tour du lịch, có gánh nổi trọng trách to lớn trong vai trò giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa Đà Nẵng khi trong tay vẫn chỉ có vài ba món hàng từ biển như mực, cá, tôm khô, các loại mắm hay vài sản phẩm được chế tác từ đá mỹ nghệ Non Nước hay những sản phẩm nhập từ các địa phương khác?.

Tiểu Yến

 

 

;
.
.
.
.
.