.
Thời sự và bàn luận

Nóng lên cùng nắng nóng

Những dự báo căng thẳng về thời tiết liên tiếp được đưa ra, biến nắng nóng không còn là chuyện riêng của ngành khí tượng-thủy văn nữa mà đã trở thành chuyện kinh tế, chuyện an sinh xã hội, chuyện thay đổi một nếp nghĩ đã trở thành lối mòn trong không ít chúng ta.

Năm nay nắng nóng được coi là đột xuất, nhưng nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra thì có thể coi là đột xuất nữa không? Nếu nắng nóng ở từ ngưỡng 35 độ C đến trên 40 độ C trở thành thường xuyên thì điện sẽ ra sao, y tế sẽ ra sao, các công trình cấp thoát nước sẽ ra sao, quản lý thị trường các mặt hàng chống nóng sẽ ra sao và chính công tác dự báo thời tiết sẽ ra sao, có còn như hiện nay nữa không là một vấn đề có tầm vĩ mô, không thể coi thường.

Bởi chỉ mới ở giai đoạn giao mùa, nhiệt độ có nơi đã lên tới trên 40 độ C trong bối cảnh nước sinh hoạt thiếu thốn, điện cắt luân phiên, hàng chống nóng tăng vọt khiến đời sống người dân nhiều nơi rơi vào tình trạng căng thẳng, sinh ốm đau bệnh tật, thậm chí có người gián tiếp đã chết bởi nắng nóng. Vào những ngày này, do nhu cầu tăng vọt và thiếu nguồn, khả năng cắt điện luân phiên là chuyện tất yếu. Ở những nơi bị cắt điện, nhất là cắt điện về đêm, không chỉ sản xuất bị đình trệ mà tỷ lệ bệnh tật cũng tăng vọt.

Tại các bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân tăng gấp đôi, có nơi gấp 3 lần, nhất là bệnh nhi. Hàng loạt bệnh lây nhiễm như tiêu chảy, sốt phát ban, viêm não xuất hiện thành dịch cục bộ. Trong bối cảnh đó, thật khó hình dung khi người bệnh phải ghép 2 người, 3 người một giường, người nhà bệnh nhân ngủ kín hành lang trong điều kiện mất điện, mất nước. Bệnh viện đã thế, ở nhà cũng không hơn bao nhiêu. Mới đầu mùa nắng nhưng các thiết bị chống nóng (điều hòa nhiệt độ, quạt, máy làm đá…), thiết bị phòng mất điện (máy phát điện, ắc-quy, bếp gas…) giá cả tăng 30% đến 50%, có loại “hàng độc” còn tăng thêm từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/chiếc nhưng vẫn không có để mua. Lợi dụng những thông tin về nắng nóng, thị trường xuất hiện rất nhiều hàng giả đánh vào tâm lý nôn nóng phòng xa. Không chỉ với hàng điện tử, các loại thuốc phòng chữa bệnh mùa hè, nước giải khát hạ nhiệt và tiêu độc, áo quần, mỹ phẩm chống nắng cũng tăng giá hàng loạt. Nắng nóng lại ít mưa, càng thiếu nước sinh hoạt, nước mặn càng thâm nhập sâu vào đồng ruộng, mất mùa cả lúa và tôm, dịch bệnh xảy ra nhiều hơn với người và gia súc.

Người ta mới quen thống kê thiệt hại với bão lũ nhưng chưa có thói quen thống kê thiệt hại do nắng nóng. Nếu có thống kê loại này, chắc sự thiệt hại do nắng nóng không thua các loại thiên tai khác.

Nắng nóng là hiện tượng của khí hậu, con người không thể triệt tiêu nhưng có thể hạn chế bằng các hoạt động chủ động, tích cực. Nhưng cho đến nay, người ta mới chi tiền củng cố đê kè, hồ chứa nước, tuyên truyền phòng chống; quyên tiền ủng hộ đồng bào nạn nhân của lụt, bão, lở đất… mà chưa mấy người quan tâm đến thiệt hại của loại thiên tai này.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.