.

Thời xưa gió thổi về

Một buổi chiều bỗng dưng tôi nảy ra ý định trèo lên Ngũ Hành Sơn. Con đường dốc núi quanh co có hơn một trăm năm mươi bậc đá với tôi có gì là lạ. Tôi đã từng bao lần đến đây, từng tựa vào vách núi bên Vọng Hải Đài nhìn ra ngoài xa kia biển cả mênh mông vô hồi những con sóng, vô hồi những tháng ngày.

Quanh tôi, đá và rêu xanh và cây lá, có khác gì ngày qua, có khác gì ngày xưa. Thường những chuyến rong chơi như thế này có vẻ lãng trí hơn là một cuộc lãng du cố để khuây khỏa thư giãn, hoặc để tìm kiếm khám phá. Chính những lúc “lãng trí” ngu ngơ ấy, những lúc mà bước chân cứ tùy hứng bước đâu tùy thích đấy, có khi mang lại cho ta một hoan lạc không ngờ, một cảm hứng bất ngờ.

Sau một ngày mưa hôm trước, núi non có vẻ lạnh lẽo hơn mọi ngày. Những con đường trơn ướt hoang vu, thưa bàn chân khách du lãng, tạo cho núi một dáng vẻ trầm tư lặng lẽ. Hình như gió biển tạt vào vách núi tạo ra một thứ âm thanh rối bời những tiếng vọng. Khi đối diện cùng sự cô đơn, thứ tiếng vọng ấy có khả năng trả lời cho ta cái điều mà ta cần hỏi, trả lời và có khi ta không thể nào hiểu hết, không tài nào giải mã những ẩn ngữ, mật ngữ kỳ bí kia, và vì vậy bước chân cô đơn như có một lực hút huyền nhiệm mê hoặc bước đi chon von lẻ loi một cách lạc thần.

Đứng tựa vào vách đá bên Vọng Hải Đài, tuồng như chỉ mỗi cái cửa đá này là gió thổi tung bay rõ tiếng nhất. Gió chen nhau từng ngọn, từng luồng, dào dạt thổi qua ném tung những chiếc lá lượn lờ bay về phía thăm thẳm mất hút. Chỗ này đây, hơn nửa thế kỷ trước, thi sĩ Phạm Hầu đã từng qua đây, cũng chẳng rõ ông nghe từ gió kia, từ cây lá kia nói với ông những gì mà thơ ông đâu đó nghe nhuốm một nỗi buồn hờn trách núi: Cái cây thi sĩ vô tình đã. Rơi những tờ thư lá bẽ bàng. Trời đất! Cây cối mà còn làm thi sĩ huống là người, người đứng trước mông mênh biển cả, trước chon von núi đứng nghìn năm. Hình như Tagore có nói rằng: “Thi sĩ là tình nhân của nhân loại!”. Ôi chao, những tình nhân. Không có những vị thần thi ca ấy cái đẹp sẽ bị tổn thương biết nhường nào. Ngay lúc này đây, tiếng vọng của gió tưởng chừng như mơ hồ bài thơ của thi sĩ Phạm Hầu. Và bắt bước người xưa, tôi cũng thử Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai. Câu hỏi hư vô gửi ngàn gió thổi, cho núi non càng thêm chót vót nỗi cô đơn, cho biển xanh thăm thẳm và mênh mông kia càng thêm nỗi ngàn trùng! Đứng trên Ngũ Hành Sơn nghe gió vọng qua chưa bao giờ cạn tiếng, dư ba ấy liệu có tiếng người xưa bay về? Hỏi vậy có thể là từ vọng tưởng mà ra, nhưng người xưa thì quả đã qua đây, và thơ ấy đã khảm khắc vào thời gian, đã làm đẹp cho xứ sở, giúp cho con người hiểu ra mọi thẩm giá từ thực nghiệm đến siêu việt là gì.

Từ Vọng Hải Đài trên Ngũ Hành Sơn tôi lại nghĩ xa hơn, mông lung hơn, ví như cái thôn Vỹ của xứ Huế. Nếu như không có bài thơ Hàn Mạc Tử, lẽ đương nhiên thôn Vỹ Dạ vẫn là thôn Vỹ Dạ. Nhưng chắc rằng cái địa danh đó sẽ như hàng trăm hàng nghìn thôn xóm làng mạc khác, chẳng ai ngâm nga lên hoặc tưởng ra trong lời gió thoảng Lá trúc che ngang mặt chữ điền mà nhớ mà quên! Thi sĩ có là “Tình nhân của nhân loại” hay không, mỗi lần qua đây cho dù kẻ yêu thơ hay đến là người vô tâm cũng đều có thể trả lời.

Lang thang mọi con đường ngóc ngách giữa núi non này, nhìn lên bốn bề vách núi, không biết tự bao giờ mọc ra lắm lắm những câu thơ, những chữ nghĩa ngoằn ngoèo. Thơ chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, thượng vàng hạ cám. Xuất thần đôi câu cũng có mà lăng nhăng lít nhít cũng có. Cũng có thể người du lãm tức cảnh sinh tình, cũng có thể là lời tỏ tình muốn nhờ núi ngàn năm làm nhân chứng, lại cũng có thể là giây phút tào lao thiên địa, bốc đồng bông phèng cợt nhã.

Từ Ngũ Hành Sơn tôi lại nhớ đến vùng Quảng Ninh trên đất Bắc, nơi ngọn núi Truyền Đăng còn lại bút tích bài thơ chữ Hán bất hủ của vua Lê Thánh Tông khắc vào vách núi. Từ bài thơ huyền thoại này, núi được thay tên đổi họ thành núi Bài Thơ. Hình như trên thế giới này, ít có nơi đâu có một tượng đài thơ độc đáo như thế.

Không như núi Truyền Đăng, tên gọi Ngũ Hành Sơn có thời vua Minh Mạng, xưa kia còn gọi là núi Non Nước. Chính các vị vua triều Nguyễn đã từng vãn cảnh nơi đây và đã góp sức cùng thiên nhiên xây dựng cảnh quan nơi này. Truyền thuyết về một con rồng biển sinh nở một nàng công chúa bay về trời, những mảnh vỡ của quả trứng rồng đã hóa thành năm ngọn núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tạo dựng nên một Ngũ Hành Sơn ngọc ngà cẩm thạch.

Hơn năm trăm năm về trước, trên đường mở đất phương Nam, cũng chính vị vua thi sĩ đã khắc thơ mình trên núi Truyền Đăng một lần dừng chân ở phía Nam đèo Hải Vân hướng đôi mắt về phía Đồng Long (mà ngày nay là Đà Nẵng) rồi ngẫu hứng vang lên xuyên suốt ngàn năm những vần thơ: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt. Ngũ cố phong canh Lộ Hạc thuyền” (Đêm khuya trăng rọi Đồng Long. Thuyền buôn Lộ Hạc chập chờn gió khua). Không hiểu tên gọi Đồng Long trong thơ của vua Lê có tương quan nào đến truyền thuyết về con rồng biển hay không, có điều chắc rằng đây là bài thơ xưa nhất viết về vùng đất Đà Nẵng, rộng ra là cả vùng đất Quảng mênh mông trải dài về phương Nam.

Từ cái Đồng Long xa xưa mịt mù trong lau lách, lưa thưa đôi chiếc thuyền buôn Lộ Hạc cho đến Đà Nẵng bây giờ ai nhớ ai quên. Dường như khi đối thoại cùng sự lặng im thâm nghiêm của non ngàn bể tận, ta có cảm giác như nghe được lao xao trong gió đưa mang theo hồn nước dào dạt bay về! Cái thời khắc uy linh trầm hùng đó, huyết quảng chợt bùng lên những cảm xúc vừa mạnh mẽ, vừa sâu lắng mênh mang một tình yêu lặng thầm đất nước quê hương. Như một huyền nhiệm chợt ẩn chợt hiện, chợt từ trong ta, chợt quanh ta tạo ra một niềm cảm khái cuồn cuộn xô bờ rạo rực đến từng tế bào da thịt. Không cảm nhận được huyền nhiệm đó mọi sự vật quanh ta không hề lên tiếng, tâm hồn con người trở nên guộc gầy, có nơi thành sa mạc, đấy cũng là nguyên ủy cho những tật bệnh vong thân sinh thành.

Đại sư Thích Đại Sán - một người Trung Hoa, vào thế kỷ XVII đã được Chúa Hiển Tông - Nguyễn Phước Chu mời sang thăm. Trong một lần ngao du xứ sở Đàng Trong, khi trèo lên trên đỉnh Ngũ Hành Sơn nhìn cảnh đẹp núi non trời bể nơi đây, máu huyết thi sĩ trong ông bùng vỡ thành lời: Mắt ngắm biển khơi xanh thăm thẳm. Chân giày giậm cát trắng phau phau... Bài thơ ấy đến nay cũng đã ngót hơn ba trăm năm. Và đó cũng là vết tích một khách nước ngoài đầu tiên khảm khắc thơ mình vào danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Nhìn biển khơi vô tận, những con sóng bạc đầu đuổi nhau ngoài kia, biển xanh và cát trắng ấy vô tâm hay là ta không còn nhớ dấu chân người xưa để lại. Nhìn những ngọn sóng cồn cào tung lên trắng xóa, tôi lại hình dung ra chiếc thuyền gỗ mong manh chở Chu Thần - Cao Bá Quát dừng lại vùng biển trời nước non này. Bài thơ “Phái vãn dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu biệt thân thức” của ông đã được viết tại đây vào năm 1884 (Tân Sửu - Thiệu Trị thứ nhất): Đà dương dao vọng nhật đông biên. Đảo dữ thương mang lộ kỷ thiên... (Biển Đà Nẵng ngóng về phương Đông. Đảo cồn lớp lớp đường thiên lý...). Rất có thể đây là một ngẫu nhiên xuất thần, vào một sớm mai nào đó trên bờ biển Đà Nẵng, thi sĩ đứng ngắm nhìn về biển Đông rồi tức cảnh sinh tình hoặc là ông muốn ký gửi lời lại cho người thân trước lúc khởi hành một chuyến đi xa.

Gửi cho người thân, hay là gửi lại cho mai hậu một thông điệp, là một lưu chuyển dòng chảy minh chứng “cây đời ngày ngày lên xanh” của sự sống. Người ta có thể gửi bằng thơ, bằng kiến trúc, bằng những áng văn... Tất cả sinh thành từ những khát vọng, những tinh hoa trí tuệ đắp cho núi ngày mỗi cao lên vời vợi trong mọi tâm hồn.

Cái ý tưởng xây dựng một công viên văn hóa tâm linh trên vùng danh thắng Ngũ Hành Sơn đang thì hiện tại dường như có thể là một phân lưu trong dòng chảy biên niên này chăng? Bỗng dưng tôi muốn tin rằng: Có một tương quan nào đó giữa thế giới và con người, giữa tiếng nói của sự vật mách bảo cùng con người. Thế giới, cảnh quan, sự vật quanh ta có là tha thể hay không mà dậy trong ta lắm nỗi niềm. Hay người xưa người đang trở về! Bước xuống núi rồi mà tiếng oai linh lẫn trong lời gió cứ gờn gợn trong tôi một nỗi u hoài trước ngàn cơn gió thổi qua đây!

Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên

;
.
.
.
.
.