.

“Vạn lý trường thành” ở Baghdad

.

Dù quân đội Mỹ đã rút dần ra khỏi Iraq để nhường quyền kiểm soát lại cho chính quyền Baghdad nhưng tình trạng bạo lực vẫn không có dấu hiệu giảm. Các vụ đánh bom liều chết vẫn diễn ra như cơm bữa, thậm chí có vụ làm tới gần 100 người thiệt mạng.

Chính quyền Baghdad hy vọng một khi bức tường hoàn thành sẽ ngăn chặn tới mức tối đa những vụ đánh bom liều chết như thế này. 

Không chấp nhận sự bất lực, chính quyền thủ đô Baghdad vừa thống nhất xây dựng bức tường thành dài bao bọc cả thủ đô như một cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Bức tường dự kiến cao 4,5m và dài 112km. Dù vẫn còn quá ngắn so với Vạn lý trường thành vốn nổi tiếng của Trung Quốc (dài tới 6.352km) nhưng kế hoạch này bước đầu được đánh giá rất cao. Mỗi người, mỗi vật và xe cộ đều phải trải qua ít nhất một cổng kiểm tra trên suốt tuyến đường này nhằm ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ đánh bom cảm tử.

Ngoài mục đích chính là triệt tiêu tới mức tối đa có thể về nguy cơ khủng bố thì bức tường thành này còn giúp tái tạo mỹ quan cho Baghdad. Nhiều năm qua, thủ đô Iraq đã bị bê tông hóa và trở nên “xơ cứng” vì có tới 1.500 chốt kiểm tra an ninh được dựng lên cùng vô số các rào chắn bê tông. Dự kiến “Vạn lý trường thành” ở Baghdad sẽ hoàn tất sau 1 năm thi công liên tục. Sau khi công trình “trọng điểm” này đưa vào sử dụng thì sẽ dẹp bỏ những chốt kiểm tra cũng như rào chắn bê tông để trả lại sự thông thoáng cho thủ đô. Công trình này được giám sát chặt chẽ bởi tổ chức chống khủng bố Baghdad nằm dưới quyền điều hành của Thủ tướng.
 

An ninh luôn được siết chặt ở Baghdad

Tổ chức này cũng quản lý luôn các cổng kiểm soát vốn được Mỹ tài trợ hệ thống máy tính và dấu vân tay. Để giảm chi phí tới mức tối đa, giới chức trách Baghdad dự định đưa những rào chắn bê tông từ trung tâm thủ đô ra vùng ngoại ô. Tám cổng kiểm soát sẽ được xây mới như là trạm thu phí dịch vụ đối với khách du lịch, nhà hàng và các cửa hiệu ở nội thị. Ô-tô chỉ được lưu thông trên đường cao tốc 10 làn xe từ 6 giờ sáng cho tới nửa đêm bởi vì Baghdad vẫn duy trì lệnh giới nghiêm. Qasin Atta, một thành viên của tổ chức này nhận định bức tường này là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho Baghdad.

Tuy nhiên, một khi bức tường thành “lịch sử” này đưa vào hoạt động thì sinh hoạt của 5 triệu dân ở Baghdad sẽ bị xáo trộn rất mạnh. Sự tự do đi lại sẽ bị hạn chế. Công nhân và khách du lịch buộc phải chờ ít nhất một tiếng đồng hồ để kiểm tra. Trợ lý của thống đốc thủ đô Baghdad là ông Shatha al-Obeidi giải thích: Chúng tôi muốn ngăn chặn tới mức tối đa nguy cơ khủng bố nên hy vọng bức tường thành và sự kiểm soát an ninh gắt gao sẽ giúp mọi việc diễn ra theo chiều hướng tích cực. Đúng như vậy, vấn đề hóc búa nhất của chính quyền Baghdad cũng như Mỹ và các đồng minh là việc ngăn chặn khủng bố thành công như dự kiến thì những xáo trộn trong đời sống có thể xảy ra vẫn “không là gì”. Lúc đó, chính những người dân nơi đây cũng hết sức ủng hộ “Vạn lý trường thành” này như bước ngoặt lịch sử quan trọng của Iraq.

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.