.

Vào mùa “gạo” bài

.

Mùa thi học kỳ đang đến gần. Sinh viên (SV) nào cũng sốt sắng chọn cho mình một cách ôn thi hiệu quả nhất để vượt “vũ môn”. Từ phòng trọ, thư viện, phòng đọc, công viên..., người ta đều có thể dễ dàng bắt gặp những “mọt sách” đang “gạo” bài.

Sốt sắng

Trời nóng, nhóm SV Trường CĐ Kỹ thuật y tế II kéo nhau ra ôn bài ở công viên 29-3. 

Hơn hai tuần nay, thư viện Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đông hơn trước nhiều. Tuy 7 giờ 30 thư viện mới làm việc, nhưng từ rất sớm đã có vài SV ngồi chờ tới giờ thư viện mở cửa để mượn sách. Nguyễn Thị Hạnh, SV khoa Toán vừa tranh thủ ôn lại vài mục trong cuốn sách cầm trên tay trước khi trả cho thư viện, vừa bảo: “Mùa thi, SV đông nên mỗi buổi chỉ mượn được 2, 3 cuốn sách. Phải đến sớm, vừa tăng lượt mượn vừa tranh thủ chọn cho mình nơi yên tĩnh để học". Dù còn gần hơn nửa tháng nữa mới chính thức bước vào kỳ thi, nhưng Đức Thọ, SV khoa Ngữ văn đã “mọc rễ” tại thư viện từ lâu. Thọ cho biết: “Học kỳ này lớp mình có mấy đề tài tiểu luận cuối kỳ, nên tranh thủ làm trước để dồn sức vào mấy môn còn lại”. Không có tiết học vào buổi sáng, đúng 7 giờ 30 là Thọ có mặt tại thư viện “cày” một mạch tới 11 giờ trưa.

9 giờ sáng chủ nhật, Công viên 29-3 đông nghẹt người. Bên chiếc bàn gỗ dưới gốc cây lớn, nhóm SV Trường CĐ Kỹ thuật y tế II đang rôm rả trao đổi bài học. SV Huỳnh Thị Lành, Khoa Hình ảnh y học, đang trọ học tại đường Trưng Nữ Vương cho biết: “Mấy hôm nay nắng quá, phòng trọ vừa chật hẹp lại nóng nên tụi em ra đây ôn thi cho mát”.

Buổi tối, từ các dãy phòng KTX ĐH Bách khoa khe khẽ vọng ra tiếng gõ lạch cạch trên bàn phím máy tính, cùng lúc, nhiều SV khép cửa phòng “tụng” bài. Một số SV nằm lăn trên giường hì hục với bản vẽ, thi thoảng mới thấy một, hai SV lang thang ngoài hành lang. Ở khu trọ số 25 Phạm Như Xương, thay vì chạy thể dục vào buổi sáng như mọi ngày, nhiều SV đã chuyển sang ôn bài với lý do “buổi sáng yên tĩnh và học rất mau nhớ”.

Kẻ lo lắng, người dửng dưng

Mới 7 giờ tối, các phòng đọc ở KTX ĐH Bách khoa đã có rất đông sinh viên đến đây "tu luyện". 

Vất vả nhất là những sinh viên vướng phải công việc làm thêm, bởi cân đối thời gian học và làm thêm là việc không phải đơn giản. Ngọc Phối, SV Trường CĐ Phương Đông đang làm việc bán thời gian cho một hãng mỹ phẩm ở siêu thị BigC Đà Nẵng kêu ca: “Bài vở cuối kỳ nhiều, đi làm về là lăn vô học mà cũng không xuể”. Cô bạn Quý Nhiên, SV Khoa Thương mại-Du lịch, ĐH Kinh tế, bán hàng cùng Phối chen vào: “Từ hồi đi làm thêm tới giờ chưa thấy mặt mũi thư viện. Tới mùa thi đành nhờ bạn photo thêm tài liệu để học”.

Vì lịch học và lịch làm chi chít, không ít SV trung thành với bếp núc cũng đành đi ăn quán để có thêm thời gian ôn thi. Để rồi, sau khi "mở hết tốc lực" cho mùa thi đã không khỏi giật mình khi nhìn lại sự xuống cấp trầm trọng của sức khỏe. Do ăn uống qua quýt, lại “cày đêm cày ngày”, thiếu quan tâm đến sức khỏe nên đã đổ bệnh. Như Quỳnh, SV Khoa Tiểu học - Mầm non, ĐH Sư phạm kể lại: “Mùa thi học kỳ trước, xóm trọ mình có một chị phải nhập viện. Bác sĩ bảo bị suy nhược thần kinh vì học khuya”. Một số SV nữ vừa đùa vừa than thở: “Cứ mỗi mùa thi là ba má không còn nhận ra được hình hài của con nữa”. Tới giai đoạn nước rút, nhiều SV chấp nhận hy sinh những buổi đi chơi với bạn bè để tập trung ôn thi. SV nữ còn dám hy sinh cả “nhan sắc” khi tìm đến giải pháp uống cà phê, nước chè đặc… để thức khuya ôn bài.

Nhưng không phải SV nào cũng biết lo lắng dù mùa thi đã như “nước tới chân”. Trong một tiệm Internet trên đường Phạm Như Xương, trong khi Thu Hiền, SV Khoa Việt Nam học thuộc ĐH Sư phạm Đà Nẵng đang gõ từng từ trên Google tìm tài liệu cho bài tiểu luận cuối kỳ về Phật giáo, thì Đức Bách, SV năm 1 ĐH Bách khoa, lại hì hục “cày” game FIFA Online. Bách biện minh: “Tụi này là SV năm 1, vào trường trễ, thi trễ nên lo gì. Còn hơn 1 tháng nữa mới thi lận”. Nhiều SV nghĩ rằng tới trước ngày thi, chỉ cần tụng qua quýt vài ngày là đủ điểm “thoát”.

Nguyễn Trường Trung 

;
.
.
.
.
.