Nhà dì Hai ở bên sông Hà Sấu, một đoạn của sông Cổ Cò chảy về sông Đế Võng, qua Bến Trễ, xuôi theo Cửa Đại rồi đổ ra biển Đông.
Nhà ở bên sông, con sông gắn với tuổi thơ tôi những năm sau 1975, quê hương hoàn toàn giải phóng với những bộn bề lo toan và thiếu thốn. Những năm tháng ấy, dân vùng cát Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) quê tôi oằn lưng chống đói. Bà con dựng lại nhà cửa tranh tre, ra đồng khai hoang, vỡ hóa trên đống đất đầy rẫy bom mìn, cỏ lùng cỏ lác hút tầm mắt, để lấy đất làm ruộng, làm vườn, xây dựng lại quê hương.
Vườn nhà dì Hai ở bên sông, bên cánh rừng Hà My với bao huyền thoại, bên con sông Hà Sấu hiền hòa, thơ mộng. Con sông đã chứng kiến bao đau thương, tang tóc trên mảnh đất một thời kiên trung cách mạng. Con sông đã đem màu mỡ phù sa bồi đắp, nuôi nấng những mảnh vườn xanh cây trái. Tôi bám chặt vào đất, vào mảnh vườn quê để mưu sinh, vun xới luống hành, húng, khoai lang, chăm bón mảnh vườn. Tôi cắm lòng vào đất để nuôi những ước mơ, khát vọng, giúp tôi lớn lên, vào đại học rồi thành người bằng củ khoai củ sắn, trái bí trái bầu.
... Quê tôi bây giờ đã lên phố. Những biệt thự, nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, resort thi nhau mọc lên ven biển Hà My. Con đường du lịch ven biển hơn 7 km như dải lụa mềm vắt ngang mảnh đất bao năm dai dẳng khó nghèo. Sự đổi thay kỳ diệu ở mảnh đất này đã làm thay đổi biết bao thân phận con người. Nhiều người dân ở quê đã được vào làm công nhân, nhân viên ở các nhà hàng, khách sạn, resort, được tiếp cận với đời sống văn minh hiện đại của đời sống vật chất, tinh thần. Đất đai ở quê cũng đang dần thu hẹp dành cho phát triển du lịch, công nghiệp và đô thị. Đó là sự phát triển tất yếu. Bất chợt, tôi lại miên man một điều, một ngày không xa nữa, những mảnh vườn bên con sông Hà Sấu quanh năm xanh cây trái, nồng nàn rau cải sẽ chỉ còn trong ký ức, thành những hoài niệm, tiếc nuối theo năm tháng phôi phai.
Dì Hai nay đã hơn 80 tuổi. Nhìn dì, như hiện rõ một quãng đời với bao gian truân chồng chất, đè nặng trên đôi vai của người đàn bà một đời tảo tần vì chồng vì con, một lòng một dạ kiên trung, chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Giờ, dì cũng không còn sức để một nắng hai sương với mảnh vườn như ngày xưa nữa.
Tôi bây giờ cũng đã 25 năm xa mảnh vườn một thời gắn bó để mưu sinh nơi phố thị ồn ào. Mảnh vườn quê với bao hoài niệm, khắc khoải vẫn luôn ùa về, réo gọi. Thầm nghĩ, nếu như không có mảnh vườn quê, không có những trái bí trái bầu thơm ngon mùa hạ nắng oi nồng, củ khoai củ sắn ấm lòng mùa đông lạnh giá, có lẽ tôi sẽ quên tông tích quê nhà, và có lẽ tôi không được như ngày hôm nay, với những khát khao, yêu thương cháy bỏng tình yêu quê cha đất tổ, nơi có mảnh vườn đã nuôi tôi thành người.
Và, tôi lại chạy về quê, để nghe nồng nàn hương của hành, của húng, của cải, của rau thoang thoảng đâu đây trong nờm nam cơn gió, để nghe líu lo chim sẻ trong vườn gọi bầy, như bao mùa rồi vẫn thế.
Đinh Văn Dũng