.

Chuyến phà cuối cùng trên sông Hậu

Lâu lắm mới có dịp trở lại miền sông nước Nam Bộ, đúng vào thời điểm cầu Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng.

Cuộc sống vẫn lừng lững đi tới. Trắc trở đò giang từng làm cho miền Tây Nam Bộ đã hàng trăm năm nay nằm cách biệt với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực, mọi giềng mối giao thương trở ngại làm cho kinh tế cả một vùng đất nổi tiếng trù phú và giàu tiềm năng đành như thúc thủ. Xây dựng cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu và bây giờ là cầu Cần Thơ… sẽ là một động lực cho cả miền Tây cất cánh để phát triển mọi mặt, đời sống của nhân dân sẽ thay đổi hoàn toàn, sẽ văn minh hơn nữa. Trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh về tới Cà Mau, vẫn bắt gặp rất nhiều cây cầu bắc qua kinh rạch đang thi công. Tôi ngạc nhiên là rất ít, hình như chỉ có một trạm thu phí giao thông trên quốc lộ, điều này với người từng dọc dài thiên lý như tôi ngạc nhiên là phải. Hỏi người bạn ở địa phương đi cùng, không lập trạm đơn giản bởi vì miền Nam là xứ của kinh rạch sông hồ, bạn trả lời. Từ lâu biết là vậy nhưng có dịp trải nghiệm gần gũi thực tế, mới hiểu sâu hơn điều mà người bạn khẳng định và càng thấm thía hơn ý nghĩa về sự kiện lịch sử khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng. Khó nói hết những nao nức chờ đợi của người dân miền Tây và cả nước. Một cụ già đi cùng xe khi qua phà nói trong xúc động: Tôi đã 84 tuổi, không ngờ đời mình lại chứng kiến khai thông hai cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ, không có gì sung sướng cho bằng…

Qua sông nước trường giang, trời chiều hoàng hôn và đèn trên phà chiếu sáng, tiếng còi hụ phà xuất và cập bến, bèo lục bình dập dềnh theo con nước, gió phủ trên sông một màu khói sóng, không hiểu sao trong lòng lại dấy lên một mối cảm hoài, rằng đây là chuyến phà cuối cùng của đời mình qua sông Hậu và tất cả khung cảnh này đều trở thành quá khứ.

Đời tôi từng chứng kiến những chuyến phà cuối cùng qua sông Hàn của một thời tuổi trẻ mênh mang màu áo trắng nữ sinh, cất giấu sâu kín những nông nổi của ký ức; cả những tiếng kêu gọi đò trong đêm xa vắng, những tiếng kêu thảng thốt trong mưa lạnh. Bởi thế tôi như gặp lại mình giữa hai bờ ký ức tưởng chừng như mâu thuẫn trộn lẫn niềm vui và một chút xao xuyến bồi hồi. Rằng mai đây gần cả chục cái phà to tướng này sẽ đi đâu về đâu?

Người ta nói rằng đi đến một vùng đất lạ, muốn tìm hiểu nét văn hóa của địa phương thì trước tiên phải tìm đến chợ. Cuộc sống và sinh hoạt của cư dân ở bến phà sông Tiền (Bắc Mỹ Tho trước đây), sông Hậu chính là chợ mang những nét đặc trưng của văn hóa phương Nam. Cả hai dãy hàng quán kéo dài mấy cây số ở đôi bờ từng gắn kết với bao nhiêu số phận cuộc sống của người dân kẻ chợ; những em bán báo, bán kem, thuốc lá… cả những tiếng đàn nhị ca cải lương theo người qua sông sẽ trôi nổi đổ bến nơi đâu. Cả một sự chuyển dịch không hề đơn giản chút nào.

Có một thực tế với những người miền Trung phiêu dạt vào đất phương Nam sinh sống thường có một tâm trạng chung là cứ mỗi lần đợi phà rồi qua sông, suốt cả thời gian nhiều khi cả mấy tiếng đồng hồ chỉ nhìn sông Tiền, sông Hậu mà ngồi nhớ quê nhà. Nhất là khi nghe tiếng đàn và giọng ca cải lương của người nghệ sĩ dân gian hát rong trên phà, buồn mênh mang theo điệu lý của nỗi niềm hương quan đứt ruột… Và mai đây, sẽ không còn cảnh xếp hàng mua vé chờ đợi qua sông nữa, ô-tô đường dài sẽ êm ái bon bon chạy thẳng, nhưng những người miền Trung như tôi sẽ cố quay đầu lại, dẫu chẳng thể thấy gì nhưng có lẽ trong lòng, sẽ dậy lên một tiếng: Phà ơi…

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.