Ngày 6 tháng 12 năm Tự Đức thứ ba mươi tư (1880), Cai tổng (còn gọi là chánh tổng) Hòa An Phan Tiến Hạc làm tờ đơn nêu lên những khó khăn của mình, mục đích là xin một cai phó tổng (còn gọi là phó tổng) để giúp công việc. Đồng thời, ông Hạc tiến cử Phan Văn Tư người làng Thanh Sơn đã làm lý trưởng nhiều năm, là người có đủ khả năng đảm nhận chức vụ ấy.
Văn bản của huyện chỉ đóng ấn mà không có chữ ký của tri huyện. Hàng chữ ở giữa ghi ngày ban hành văn bản: 6 tháng 12 năm Tự Đức thứ ba mươi tư. (Ảnh: VTL) |
Sáu ngày sau, tờ đơn trên được tri huyện Hòa Vang (chữ trong văn bản đọc là Hòa Vinh) phê duyệt và phúc đáp, trong đó thừa nhận tình hình chung như cai tổng nêu lên và huyện chấp nhận Phan Văn Tư, người từng làm lý trưởng làng Thanh Sơn (Thanh Vinh ngày nay) nhiều năm, nay làm chức cai phó tổng để hiệp lực với cai tổng lo công vụ, tiến hành tốt đẹp.
Văn bản của tổng chỉ có 141 chữ. Văn bản của huyện tuy dài hơn, có đến 186 chữ, nhưng có một đoạn dài huyện chép lại nguyên văn của tổng. Qua hai văn bản bằng chữ Hán này, thấy thủ tục hành chính thời nào cũng giống nhau ở điểm “có xin thì cho”, “có gọi thì đến”. Tuy nhiên, một văn bản ra đời cách đây 130 năm (1880 - 2010), so với thời nay, thấy có những điểm khác biệt lý thú như góp nhặt dưới đây:
1- Phải chăng ngày đó cấp tổng không có con dấu? Văn bản của tổng có 25 chữ ký (1 cai tổng và 24 lý trưởng) nhưng chỉ thấy 24 con dấu lý trưởng bằng mực đen mà không thấy dấu của cai tổng.
Trong văn bản của huyện không có một chữ ký (記), hay tên riêng của một người nào. Dân không biết quan huyện tên gì. Chỉ thấy ở cuối văn bản đóng một con dấu vuông lớn màu đỏ mang bốn chữ Hán được khắc theo lối triện “Hòa Vang huyện ấn”. Đặc biệt, huyện dùng một con dấu nhỏ hơn đóng vào 8 điểm quan trọng nằm rải rác trong văn bản, có lẽ để tránh tẩy xóa, điều này thấy khác rất nhiều so với thời nay.
2- Ngày xưa ký chữ ký khác bây giờ. Chữ ký (記) có nghĩa là nhớ, nhớ kỹ cho khỏi quên. Chữ ký là ký hiệu riêng của mỗi người. Ngày xưa, khi ký vào một văn bản nào đó, người ta viết rõ ràng chức danh (nếu có) phía trước rồi đến họ tên và cuối cùng là chữ ký (記). Ví dụ, trong văn bản của tổng nói trên, Lý trưởng xã Trường Định Phan Văn Thân khi ký tên sẽ ghi một câu chữ Hán là “Trường Định xã Lý trưởng Phan Văn Thân ký” (長 定 社 里 長 潘 文 紳 記). Chữ ký (記), có người viết theo kiểu chân phương rất dễ đọc, nhưng cũng có người viết “lả lướt” như thế nào đó cốt để không ai giả chữ ký của mình được. Rất ít có trường hợp như lý trưởng làng Phước Lý hay Hòa Mỹ trong văn bản này, cả tên họ lẫn chữ ký đều viết theo kiểu chữ thảo rất khó đọc nên người không thông thạo chữ Hán khó mà biết quan nhà ta tên họ là gì.
Ngày nay, việc ký tên không còn bị gò bó: chức danh (nếu có) ở trên, đến chữ ký ở giữa và cuối cùng là tên họ thật rõ ràng ở dưới. Chữ ký cá nhân ngày nay là ký hiệu riêng được mỗi người tạo ra theo tên họ của chính mình, vì thế rất phong phú, đa dạng, chứ không phải đơn điệu một chữ ký 記 trăm người như một như xưa.
3- Xưa, xem tên là biết người. Thời xưa, những ai “có ăn học” luôn chọn lựa cho con mình một cái tên rất hay, tên nào cũng mang một ý nghĩa riêng và dùng chữ Hán để viết trực tiếp cái tên ấy. Những người “không ăn học” đặt cho con mình những cái tên dễ đọc mà khó viết, muốn viết phải dùng chữ Nôm. Ví như: Tèo, Út, Giàu, Có, Vàng, Đủm, Thủm, Tràu, Diếc...
Xưa, phần nhiều nam giới dùng tên lót (tên đệm) là Văn giữa họ và tên. Có lẽ là do quan niệm cha mẹ muốn con trai mình được “hòa nhã, ôn nhu, lễ độ” như nghĩa của chữ Văn. Trong 25 người ký tên trong văn bản nói trên thì có đến 22 người có tên đệm là Văn, 3 người còn lại có tên đệm là Tiến, Hữu, Ngọc. Ngày nay, tỷ lệ này đã bị phá vỡ.
Nay, tổng Hòa An một phần thuộc huyện Hòa Vang, một phần thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Chiến tranh, thiên tai đã khiến cho một số tộc họ, chi phái bị mất hết gia phả của tiền nhân để lại. Cũng may, hai văn bản nói trên hiện được lưu giữ tại một tư gia ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) nơi từng trực thuộc tổng Hòa An xưa. Nghe tin này, một số người đã đến xem, chụp lại văn bản có chữ ký của tiền bối gia tộc mình một thời làm lý trưởng, chánh tổng, phó tổng để làm kỷ niệm. Thiết nghĩ, nếu được các nhà nghiên cứu để mắt tới, hẳn hai tư liệu cổ này sẽ “nói” được nhiều điều giá trị hơn nữa.
LÊ VĂN TẤT – LÊ HUỲNH