Cửa hàng bánh dẻo, bánh nướng Tùng Hiên nổi tiếng một thời ở 71 Hàng Đường thì dường như người Hà Nội nào thời đó cũng biết. Nhưng có một điều lớn lao hơn, chỉ có chủ nhân của cửa hiệu, bà “Me Kíu” và người em trai Nguyễn Công Cầu cùng một số ít tình báo Hà Nội biết mà thôi: Ngôi nhà này chính là một cơ sở của Phòng Tình báo Bộ Tổng Tham mưu từ ngày mới thành lập, năm 1945. Người có công giác ngộ, xây dựng nên cơ sở kín đáo giữa phố phường đô hội này chính là người trưởng phòng đầu tiên của Tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Hoàng Minh Đạo, bố của Minh Vân, người bạn thời niên thiếu của tôi.
Phố Hàng Đường, Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu. |
Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, 5 người con của các chiến sĩ tình báo được gửi lại cho Me Kíu chăm nom trong suốt cả cuộc chiến tranh. Ngoài Minh Vân, còn có con chiến sĩ Phạm Nam, Nguyễn Minh Vân tình báo Hà Nội; con chiến sĩ Chu Hiệp, trưởng ban Tình báo Móng Cái. Nay 5 người con của các chiến sĩ cách mạng đều đã trưởng thành. Có người là tiến sĩ, theo con đường nghiên cứu khoa học, có người thành nhà quản lý kinh tế, tổng giám đốc, có người là hiệu trưởng, nhà giáo ưu tú. 5 người con Me Kíu, không cùng cha cùng mẹ sinh ra, nhưng dưới mái nhà của mẹ, họ trở thành anh chị em gắn bó hơn cả ruột thịt: Hoàng Thị Minh Vân, Phạm Thị Hải, Chu Ngọc Dũng, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Quốc Hùng. Me Kíu dạy các con: “Ăn cơm với nhau một mâm mà cãi nhau là hư lắm.” Điều mẹ Kíu luôn nhắc nhở các con là sống phải từ tâm. “Sống có tâm thì bỏ qua được nhiều chuyện”. Yêu thương mẹ Kíu nên 5 người con bé nhỏ đã sống với nhau với cái tâm được nhận từ tấm lòng nhân ái của người mẹ nuôi của mình. Khi Me Kíu không còn, 5 người con đã đem cái tâm thiêng liêng mà Mẹ ký thác để sống xứng đáng, có ích với cuộc đời.
Me Kíu tên thật là Nguyễn Thị Kíu, đẹp người đẹp nết. Nhiều chàng trai để ý, nhiều gia đình giàu có bắn tiếng, nhưng chị đã từ chối để thay cha mẹ mất sớm, chăm nom cho các em ăn học. Rồi những ngày được cách mạng giác ngộ, nhận nhiệm vụ đoàn thể giao, chăm lo nuôi dạy con thơ của những chiến sĩ đang hoạt động trong vòng bí mật. Bỗng nhiên chị Kiú trở thành người mẹ của 5 đứa con nhỏ dại, trai có gái có. Từ đó người phụ nữ đoan trang, nền nã phố cổ Hàng Đường không còn nghĩ đến chuyện chồng con nữa. Bằng nghề làm bánh đầy uy tín, chị Kíu và gia đình đã nuôi dạy các con nhỏ, học hành cho đến ngày Hà Nội giải phóng.
7-8 năm trong lòng địch, mấy mẹ con sống trong nỗi đợi chờ, không yên. Có những đêm bà không ngủ, thắp nén hương lên bàn thờ khấn lạy trời Phật. Có đêm chợt thức, Minh Vân thấy mẹ khóc thầm trong đêm khuya vắng. Bé Vân ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ là người lớn mà cũng khóc à.” Bà lặng im hồi lâu mới khẽ khàng trả lời: “Mẹ thương và nhớ bố mẹ của các con. Có làm sao, các con khổ...”. Ngày ngày không thiếu những con mắt nhòm ngó, mật vụ rình rập. Không ít lần chúng đến nhà sục sạo, xoi mói nguồn gốc của những đứa trẻ khả nghi. Mẹ thường dặn bé Vân: “Ai hỏi bố đi đâu, thì cứ nói đi làm trong Sài Gòn”. Và sau năm 1954, khi nhà tình báo Hoàng Minh Đạo ở lại chiến trường miền Nam, bà lại dặn bé: “Ai hỏi, con nói là bố đi học Liên Xô”. Nghĩa là khi Hà Nội đã được giải phóng thì Me Kíu vẫn thầm lặng chịu đựng, bảo vệ bí mật cho những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở trong lòng địch. Ngày nay trong phòng truyền thống của lực lượng tình báo, có bức ảnh của bà, một trong những chiến sĩ tình báo đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đi trên con đường Hà Nội, nhiều khi ta nhìn biển hiệu, tường vôi, mái nhà quen thuộc đến độ, dường như chẳng có gì đặc biệt để phải dừng lại lâu. Nhưng Hà Nội kỳ diệu đến nỗi, con phố nào ta qua, số nhà nào ta nhìn thấy, dường như cũng chứa ẩn ở trong đó những con người thầm lặng với trái tim vàng ngọc, những câu chuyện cảm động đến rưng rưng nước mắt, có khi kỳ diệu như một huyền thoại… Tôi nhìn lại ngôi nhà 71 Hàng Đường. Thay vì hiệu bánh kẹo nổi tiếng Tùng Hiên hồi nào, nay lạ hoắc một quầy cho thuê video. Đi qua dãy phố cổ, những ngôi nhà cũ kỹ san sát bên nhau như xưa nay vẫn vậy. Nhưng mỗi ngôi nhà như ẩn chứa một vầng sáng, một ngọn lửa bên trong, chiếu rọi vào ngõ ngách tường vôi, cửa mở. Vầng sáng ấy thật thầm lặng như thể chẳng có gì đặc biệt. Ngọn lửa ấy là trái tim nhân hậu, bao dung toả sáng của những người dân bình dị , thầm lặng hiến trọn cả đời mình cho nghĩa lớn. Kín đáo và thầm lặng đến nỗi ngay cả những người ruột thịt gia đình, bạn bè thân thiết cũng không hay biết. Đứng trước ngôi nhà một thời bà Kíu đã từng sống, tôi chỉ biết thầm lặng đem lòng cảm phục những người dân Hà Nội bình thường mà bà chủ hiệu bánh ngọt Tùng Hiên là một người trong số đó.
NHƯ NGUYỄN