.

Lạm thu thành phong trào

Từ đầu năm học 2009-2010, Sở Giáo dục-Đào tạo TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo nghiêm cấm các khoản thu tự nguyện trái quy định ở tất cả các cấp học. Song, thông tin về khoản tiền tự nguyện đóng góp của phụ huynh ở một lớp tại một trường tiểu học thuộc quận Hải Châu trong năm học 2009-2010 lên đến con số hơn 60 triệu đồng (Tuổi Trẻ, ngày 31-5-2010) khiến không ít người giật mình. Như vậy, nếu lớp có 50 học sinh thì trung bình mỗi phụ huynh đóng hơn 1,2 triệu đồng. Có hai con đi học thì phụ huynh sẽ phải đóng khoản tiền hơn 2,4 triệu đồng. Đó là chưa tính đến những khoản bắt buộc khác theo quy định.

Điều đáng nói là khoản thu được gọi là “ủng hộ mua trang bị đồ dùng học tập” đó đã được sử dụng để mua tivi, máy điều hòa, máy tính xách tay, pin sạc, thậm chí là thẻ cào điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm… Trong khi năm 2009, để giải quyết tình trạng “loạn thu”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có văn bản yêu cầu các trường học không được vận động thu thêm các khoản khác, ngoài những khoản thu theo quy định.

Những khoản đóng góp tự nguyện để trang bị máy điều hòa, tivi, máy tính có thể mang đến cho con cái điều kiện học tập tốt hơn đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng trong trường học. Lớp này với những khoản đóng góp tự nguyện tốt thì có điều kiện học tập tốt, lớp kia không có khoản đóng góp tự nguyện đành chấp nhận thiệt thòi. Học sinh so bì, phụ huynh cũng không nỡ để con mình thua kém bạn. Thế là tạo ra những tên gọi phân biệt trong chính phụ huynh, học sinh và cả giáo viên: “lớp giàu”, “lớp nghèo”. Thế là rút “hầu bao”. Và vô hình trung việc này bỗng nhiên trở thành phong trào, thành tiền lệ bất thành văn. Chẳng trách gì cứ vào đầu năm học, không ít phụ huynh lại thở vắn than dài với bao nhiêu khoản đóng góp.

Câu chuyện về khoản thu tự nguyện ở trường học nêu trên không phải là cá biệt ở một địa phương mà xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, ngoài việc tự đặt ra các khoản thu đầu năm, đầu cấp ngoài quy định, có nơi đã mượn danh nghĩa hội cha mẹ học sinh và gây quỹ đoàn thể để ép phụ huynh và học sinh đóng góp. Việc lạm dụng đóng góp tự nguyện khiến mục đích, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu như mong muốn (nếu có) của nó bị méo mó. Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này vẫn còn nhiều điều bất hợp lý. Những khoản lạm thu núp bóng “xã hội hóa giáo dục” như thế chính là hình thức tham nhũng và đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn trong và ngoài nước tại cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng vào cuối tháng 5 vừa qua.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, tham nhũng trong giáo dục khá phức tạp. Còn các chuyên gia cho rằng, hành vi tham nhũng trong giáo dục làm xói mòn chất lượng giáo dục, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội tiếp cận giáo dục của một bộ phận người dân và sự phát triển của đất nước. Các chuyên gia cũng đã chỉ ra tham nhũng trong giáo dục ở bậc phổ thông có 9 hình thức: Chạy trường, chạy điểm; dạy thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng; xà xẻo trong mua thiết bị dạy học; xà xẻo kinh phí giáo dục. Trong khi đó, việc giám sát ngân sách cho hệ thống giáo dục ở Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo nên dễ xảy ra tình trạng tham nhũng.

Giáo dục luôn luôn được coi trọng bởi nó là nền tảng của đất nước. Vì thế, việc “loạn thu” - một hình thức tham nhũng trong giáo dục hay những hình thức khác đều gây nhứt buốt…, đồng thời đặt ra biết bao vấn đề cần giải quyết để hướng đến một nền giáo dục trong sáng, toàn diện.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.