Ngày nào cô giáo Bùi Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tuổi Thơ, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng phải mất 2 giờ ngồi xe máy, đi qua những cung đường quanh co nằm trên lưng chừng núi để đến trường. Nhưng làm công tác quản lý ở một ngôi trường nằm lọt thỏm giữa núi rừng thì nỗi vất vả đâu chỉ có thế…
Bữa ăn tập thể của các cô giáo trẻ Trường mẫu giáo Tuổi thơ. |
Một mình chạy xe máy vượt hàng chục kilômét đường núi để đến trường là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với nhiều cô giáo ở Bắc Trà My. Mỗi ngày, chị Tuyết dậy từ khi trời còn chưa tỏ, ra khỏi nhà khi đứa con chưa đầy 8 tháng tuổi đang say giấc. Trước khi đi, chị phải vắt bầu sữa của mình, nhờ bà ngoại cho cháu uống. Vất vả là thế, nhưng với chị Tuyết, như vậy đã là “Sướng hơn trước rất nhiều, giờ từ trung tâm thị trấn Trà My đã có đường nhựa chạy thẳng đến Trà Bui. Chứ như ngày trước, đường xa lại toàn đất đá. Mỗi lần qua những khúc cua nguy hiểm, chị em phải xuống xe dắt bộ một đoạn dài. Giữa rừng núi vắng bóng người, vài cây số không có một mái nhà, khí trời âm u đến rợn người”.
Giống như chị Tuyết, phần lớn các cô giáo trẻ đang giảng dạy ở đây là người Bắc Trà My. Cùng huyện, nhưng từ xã này qua xã kia cách vài chục cây số. Đường xa và nguy hiểm, nhiều cô giáo trẻ chưa có gia đình chọn cách ở lại trường, hạn chế chuyện đi lại. Có lẽ vì thế mà sau mỗi giờ lên lớp, bếp ăn tập thể của trường lại rôm rả tiếng chuyện trò, tâm sự chuyện riêng, chung. Vào mùa nắng, bữa ăn có khi đủ thịt, cá, rau xanh; chứ vào mùa mưa, người dưới xuôi ngại đường sá nguy hiểm không lên buôn bán, bữa ăn chỉ có vài con cái khô, cải muối, muối vừng…
Thành lập năm 2001, Trường mẫu giáo Tuổi Thơ được xây dựng ở khu tái định cư mới, nhường đất cho việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Hiện nay toàn trường có 22 giáo viên, đứng giảng dạy tại 22 lớp ở 13 điểm thôn. Năm 1986, cô Lê Thị Lệ Thu (quê huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) bắt đầu gắn bó với vùng rừng núi Quảng Nam ở Xí nghiệp liên hợp Lâm nghiệp I huyện Trà My (cũ). Rồi cô lấy chồng, sinh con. Những năm này, người Kinh lên xây dựng vùng kinh tế mới tại Trà My đã sẵn sàng đóng bàn ghế để cô giáo Thu có điều kiện mở lớp. Thời điểm ấy, ngành Giáo dục huyện Trà My còn rất nhiều điểm trắng, các em phải học chen chúc trong những lớp ghép. Nhiều lớp chỉ lèo tèo vài ba học sinh. Nhưng điều đó không làm thui chột tình yêu với nghề giáo trong cô. Nay cô Thu đã có 15 năm gắn bó với trẻ em miền núi Bắc Trà My. Những ngày mới đặt chân lên đây, cô chỉ thấy đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy, không mặc áo, không mang nịt ngực… “Lúc đó tôi vừa lo lắng, ngại ngùng và cả e dè, không dám bắt chuyện với họ. Ra đường gặp người dân không dám nhìn. Nay thì mọi chuyện đã thay đổi, các cô giáo người miền xuôi gắn bó với bà con, cởi mở hơn, gần gũi hơn”, chị Thu bộc bạch.
Khi Trường mẫu giáo Tuổi Thơ được thành lập, các cô giáo trẻ đã có một điểm trường kiên cố làm nơi đi, về. Tuy nhiên ở đây chỉ có 2 lớp học. Còn 20 lớp khác nằm rải rác tại nhiều điểm thôn vùng sâu, vùng xa thuộc xã Trà Bui. Trong đó, lớp học tại điểm Ông Vỹ (thôn 1) do cô giáo Trần Thị Kiều Ly đứng lớp là điểm khó khăn nhất. Để đến được với 27 học sinh tại điểm trường này, cô giáo Ly phải đi một chặng đường dài 50km. Đường sá gập ghềnh, nhiều con dốc cao chắn cả lối đi. Nhà xa, cô Ly chọn cách ở lại trường. Nên mỗi lần về nhà, cô lại mang lỉnh kỉnh nhiều thứ, khi thì chai lạc rang, khi thì ít thức ăn dự trữ.
Trong ngôi trường nằm bên sườn núi, vào những ngày lễ như ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, ngày Nhà giáo 20-11, những thành viên của “Câu lạc bộ dâu-rể” tổ chức gặp gỡ, giao lưu, cùng chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Ở đó, có những người chồng, người con trải lòng để hiểu và yêu hơn cái nghề mà người bạn đời mình đã chọn. Đó là tình yêu và cả những hy sinh thầm lặng, chia bớt những giờ phút bên gia đình, con trẻ để nâng cánh ước mơ cho nhiều em nhỏ của Bắc Trà My.
Huỳnh Lê