.

Nguy cơ từ nguồn nước cứng

.

Theo giới chuyên môn, “nước cứng” là nước chưa qua xử lý có hàm lượng khoáng chất hòa tan lớn hơn 17.1 mg/lít; là nguyên nhân chủ yếu gây ăn mòn thiết bị, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Đối với con người, nước cứng gây hại cho sức khỏe qua ăn uống, qua đường tiêu hóa tạo các bệnh sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang, gây bướu cổ, ảnh hưởng đến men răng...

Lo ngại về chất lượng nguồn nước

Kiểm tra chất lượng mẫu nước ở TTYTDP Đà Nẵng.  

Trong tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2010, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã lấy 48 mẫu nước trên địa bàn thành phố để kiểm tra chất lượng. Kết quả chỉ có 31/48 mẫu giám sát đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế, đạt tỷ lệ 64,58%. Trong đó nước máy đạt tiêu chuẩn cao nhất (16/18 mẫu, tương đương với 88,9%). Nguồn nước từ các trạm cấp nước tập trung như Phú Sơn (xã Hòa Khương), Bá Tùng (phường Hòa Quý)… đạt 1/6 mẫu, tương đương với 20%. Nguồn nước giếng sinh hoạt chỉ có 14/24 mẫu đạt chuẩn, tương đương với 59,33%.

Kỹ sư Phan Thị Hòa, Phó trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Đà Nẵng phân tích, những mẫu không đạt phần lớn tập trung vào chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, như không có hàm lượng clo dư, không có kế hoạch khử trùng bằng Cloramin B trước khi sử dụng, nhiễm Coliform, E.Coli, độ pH thấp, hàm lượng clorua trong nước cao… Đối với những trường hợp này, chúng tôi sẽ tuyên truyền và hướng dẫn người dân có cách xử lý và sử dụng nguồn nước phù hợp.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại huyện Hòa Vang, từ đầu năm đến nay, TTYTDP cũng đã có kế hoạch giám sát chất lượng 29 mẫu nước giếng tại 8 xã (Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên). Kết quả chỉ 11/29 mẫu đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng nước sạch theo quy chuẩn VN02/2009 của Bộ Y tế, chiếm 37,9%.

Như vậy xét về mặt bằng chung, số lượng người dân hiện nay đang sử dụng những nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng còn rất nhiều. Bởi, số lượng mẫu nước được kiểm tra là những con số nhỏ, chỉ mang tính tượng trưng, phản ánh một phần rất nhỏ tình trạng người dân còn vô tư sử dụng nguồn nước. Trong khi nguồn nước không bảo đảm là nguyên nhân chính gây ra 26 căn bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp hay tả, thương hàn, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm màng não…

Người dân vẫn thờ ơ với nguồn nước không bảo đảm

Hiện nay, trên địa bàn quận Liên Chiểu, nhiều hộ dân vẫn đang sử dụng nguồn nước thiếu an toàn.

Ông Phan Minh Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Những mẫu nước không bảo đảm chất lượng phần lớn được khai thác từ mạch nước ngầm. Ở đó chứa đựng rất nhiều nguy cơ bị ô nhiễm từ chất dinh dưỡng (NO3), vi sinh vật (Coliform) và kim loại nặng (Mg, Ca, Fe). Phần lớn các giếng đào, giếng khoan tay không bảo đảm vệ sinh môi trường. Khoảng cách giữa giếng và nhà vệ sinh gia đình khá gần nên nước thải sinh hoạt ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm tầng nông. Ô nhiễm Coliform trong nước giếng khơi vẫn còn ở mức khá cao. Chưa có xu hướng giảm theo thời gian ở tất cả các điểm quan trắc và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm này”.

Đó là chưa kể đến chất thải công nghiệp, dịch vụ thương mại hoặc nước rỉ từ bãi rác, khu nghĩa địa lân cận các khu dân cư (KDC)… ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Ở một số nơi như KDC An Thượng, KDC gần kho xăng dầu Mỹ Khê và lân cận kho xăng dầu Nước Mặn, KDC gần KCN Hòa Khánh, bãi rác Khánh Sơn có mức ô nhiễm dầu và chất hữu cơ trong nước ngầm tầng nông khá cao. Dân cư sống ở những điểm có mạch nước ngầm bị ô nhiễm dễ bị nhiễm bệnh do địa tầng tồn tại các yếu tố kim loại nặng (Fe) hay các chất bị ô nhiễm. Tuy nhiên đến nay, những khu vực này vẫn chưa có số liệu để khoanh vùng khu vực ảnh hưởng.

Nguy cơ từ nguồn nước không an toàn dù đã được khuyến cáo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đại diện Công ty Cấp nước Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường và TTYTDP Đà Nẵng cho biết, mỗi năm, con số người dân đến liên hệ xin xét nghiệm mẫu nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Ngô Xuân Bình, tổ 26 phường Hòa Hiệp Bắc lâu nay vẫn sử dụng nguồn nước từ giếng khoan nói: “Từ trước đến nay gia đình tôi vẫn sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn. Biết là không bảo đảm chất lượng nhưng với số tiền 855.000 đồng để làm xét nghiệm mẫu nước theo quy định VN02/2009 của Bộ Y tế thì chúng tôi không có đủ điều kiện”.

Sự thờ ơ của người dân trong việc kiểm tra tiêu chuẩn nguồn nước còn nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có lẽ với số tiền 855.000 đồng để xét nghiệm một mẫu nước hiện nay là khá cao, khiến nhiều người e ngại và không muốn tốn tiền cho việc này. Ngoài ra, bất chấp mọi khuyến cáo từ các cơ sở y tế, nhiều gia đình khi được lấy mẫu nước xét nghiệm miễn phí năm trước cho kết quả chưa đạt thì năm sau, kiểm tra lại vẫn cho kết quả tương tự. Xem ra, người dân đã và đang vô tình bỏ qua những nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn từ nguồn nước, cũng như chưa có kiến thức trong việc xử lý và sử dụng hợp lý từng loại nước cho những mục đích phù hợp.

Nước không phải là “của trời cho”

Các biện pháp như hứng nước ra xô, chậu, lắng cặn, gạn lấy nước trong để ăn uống hoặc đun sôi để nguội vẫn không giúp làm “mềm” nước bởi trong nước cứng có hàm lượng Mg và Ca cao, khi đun sôi, các ion này kết tủa tạo thành muối và lắng cặn tại các thiết bị đun sôi như phích nước, bình nóng lạnh và đôi khi cả hệ thống đường ống dẫn nước… Kỹ sư Phan Thị Hòa cho biết thêm, nguồn nước ngầm được khai thác và sử dụng trực tiếp vào mục đích sinh hoạt phần lớn không bảo đảm chất lượng (trừ nguồn nước máy đã qua xử lý). Tuy người dân đã làm bể lọc để lọc nước, nhưng kết quả thu lại không đáng kể bởi rất ít gia đình làm đúng quy trình của bể lọc nước.

Toàn thành phố hiện nay chỉ có 55 đơn vị có giấy phép khai thác nước do UBND thành phố Đà Nẵng cấp, không có một cá nhân hay hộ gia đình nào đến xin cấp và khai thác nước ngầm. Con số ít ỏi này đã nói lên một thực tế, đó là việc người dân vẫn vô tư sử dụng nguồn nước thiếu an toàn, chưa được kiểm tra chất lượng còn rất lớn. Đây còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cần phải làm tốt hơn nữa công tác điều tra, quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước, bảo đảm nước sử dụng hiệu quả, không bị khai thác vô tội vạ như là “của trời cho”.

TIỂU YẾN

 

 

;
.
.
.
.
.