Tính đến đầu tháng 5-2010, thành phố Đà Nẵng có 72,9% dân số vùng dân cư tập trung được dùng nước máy do Công ty Cấp nước Đà Nẵng cung cấp. Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc công ty cho biết, con số này sẽ được nâng lên 85% trong 5 năm tới.
Sản xuất nước ăn uống: nhiều áp lực
Trạm cấp nước sinh hoạt Bá Tùng hiện đang cấp nước hợp vệ sinh cho gần 35% số hộ dân phường Hòa Quý. |
Ông Tôn Thất Du, Quản đốc kiêm Trưởng phòng Thí nghiệm Nhà máy Nước Cầu Đỏ (Công ty Cấp nước Đà Nẵng) lo lắng: 10 năm trước, sông Cầu Đỏ có hai mùa rõ rệt, mùa nước trong (từ tháng 1 đến tháng 8) và mùa nước đục (tháng 9 – tháng 12). Những lúc nước đục nhiều nhất cũng không quá 30 NTU (đơn vị đo độ đục, viết tắt từ tiếng Anh Nephelometric Turbidity Units). Mấy năm gần đây, nước sông Cầu Đỏ gần như đục quanh năm, có khi lên đến 1.000 NTU, bình thường thì cũng đã 150 – 200 NTU.
Diện tích rừng bị mất dần trong các năm qua cộng với nạn đào đãi vàng, hút cát, các công trình giao thông bị sạt lở trên thượng nguồn đã làm cho sông Cầu Đỏ mất dần tính ổn định. Sông trở thành thùng rác khổng lồ đối với những người quá kém trong ý thức bảo vệ lợi ích cộng đồng: vứt chất thải rắn, xác động vật. Theo ông Du, tuy trong nước sông Cầu Đỏ chưa phát hiện hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng do thuốc bảo vệ thực vật hay do nước thải sản xuất công nghiệp, nhưng cần cảnh báo Khu công nghiệp Hòa Cầm khi đưa vào hoạt động phải xử lý nước thải trước khi đổ xuống sông Cầu Đỏ.
Công ty Cấp nước Đà Nẵng hiện có 3 nhà máy nước. Nếu Nhà máy Nước Sơn Trà có công suất thiết kế 5.000m3/nđ (ngày đêm) khai thác từ nước suối tự chảy thì Nhà máy Nước Cầu Đỏ (120.000m3/nđ) và Nhà máy nước Sân bay (30.000m3/nđ) lấy nước trực tiếp từ sông Cầu Đỏ. Sản xuất 150.000m3 nước sạch một ngày đêm là một áp lực rất lớn đối với công ty vào mùa khô hạn.
Mùa hè, tuy mực nước sông xuống thấp nhưng nhờ bể chứa dự trữ ở các nhà máy và duy trì chế độ bơm hợp lý nên chưa xảy ra tình trạng thiếu nước cung cấp cho toàn thành phố. Từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng, do người dân ít dùng nước, các nhà máy giảm áp lực bơm nước về thành phố để nước chảy vào các bể dự trữ. Chế độ bơm hợp lý này đã giảm thất thoát nước (do vỡ đường ống) và tiết kiệm được điện năng.
Để theo dõi diễn biến độ đục của nước sông, khả năng xử lý các bể lọc, kiểm soát chất khử trùng đưa vào nước thành phẩm, nhân viên Phòng thí nghiệm của các nhà máy phải làm việc liên tục 3 ca và báo cáo tình hình chất lượng nước vào 7 giờ 30, 13 giờ 30 và 20 giờ 30 mỗi ngày. |
Xếp hàng chờ… nước
Từ năm 1999, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai trên địa bàn Đà Nẵng. Từ chương trình này, hai trạm cấp nước sinh hoạt ở Phú Sơn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) và Bá Tùng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được xây dựng. Đến nay, theo ông Phạm Tác, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình - Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng, đơn vị quản lý trực tiếp hai trạm cấp nước này, đã có 940 hộ ở Hòa Quý và 1.600 hộ ở các xã Hòa Khương, Hòa Phong và Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang được dùng nước hợp vệ sinh từ chương trình.
Giá nước nông thôn hiện chỉ 2.200 đồng/m3, nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa đưa nước về nhà, bởi lẽ muốn có nước hợp vệ sinh để ăn uống, các hộ khó khăn về kinh tế phải đắn đo rất nhiều. Như trường hợp gia đình ông Nguyễn Phú Hương ở tổ 2 Khuê Đông, phường Hòa Quý, trước đó ông phải đi xin nước quanh xóm, muốn nhận được nước từ trạm Bá Tùng, ông phải nối đường ống phụ dài hơn 100m vào đường ống chính, tính cả đồng hồ nước và thiết bị đấu nối chi phí tròm trèm 1,6 triệu đồng – một khoản tiền không nhỏ đối với thu nhập của ông.
Ông Trà Văn Nhân, Trạm trưởng Trạm cấp nước Bá Tùng cho biết, phường Hòa Quý chỉ mới có gần 35% trong số hơn 2.700 hộ được dùng nước của trạm. Mỗi 3 tháng (trước đây là 6 tháng), cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lại về trạm kiểm tra tình hình vệ sinh nơi khai thác nguồn nước, kiểm nghiệm mẫu nước. Trong khi đó, số người dân còn lại dùng nước từ giếng tự nhiên hoặc giếng đóng mà không qua kiểm nghiệm thì khó nói đến vấn đề an toàn nguồn nước ăn uống.
Tính đến đầu tháng 5-2010, thành phố Đà Nẵng có 72,9% dân số vùng dân cư tập trung được dùng nước máy của Công ty Cấp nước Đà Nẵng, trong đó, tỷ lệ này ở huyện Hòa Vang là 11,7%, chủ yếu ở các xã Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Tiến. Tuy nhiên, nếu nói đến tỷ lệ dân số được dùng các nguồn nước hợp vệ sinh nói chung thì ở con số này ở Đà Nẵng (và Hòa Vang) cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước. Bởi lẽ, theo ông Lê Duy Vọng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB (Sở Nông nghiệp & PTNT), ngoài 2 trạm cấp nước nói trên, còn có nhiều công trình cấp nước nhỏ lẻ ở các địa phương, các nguồn nước suối, giếng đào (đã xét nghiệm) ở miền núi...
Trong 5 năm tới, Công ty Cấp nước Đà Nẵng phấn đấu nâng tỷ lệ dân số vùng dân cư tập trung được dùng nước của công ty lên 85%; Chi cục Thủy lợi và PCLB phấn đấu nâng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn tiếp cận được nước hợp vệ sinh từ 68,75% (cuối năm 2010) lên 95%. Vậy là, các đơn vị cấp nước sẽ nỗ lực và những địa phương “trắng” nước hợp vệ sinh vẫn phải xếp hàng chờ... nước!
VĂN THÀNH LÊ