.

Tuổi thơ bị đánh cắp

.

LTS: Trong nhiều năm nay, tại Đà Nẵng, lực lượng “cái bang” đã không còn, nhưng trong thành phố lại xuất hiện không ít các cô bé, cậu bé đang phải đánh đổi tuổi thơ của mình để kiếm kế mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, chia sẻ những trăn trở về vấn nạn trên. Quý bạn đọc quan tâm có thể gởi email phản hồi về địa chỉ chaobantre@gmail.com.

“Cô chú ơi! Mua dùm con vỉ kẹo!”

Hãy trả lại tuổi thơ hồn nhiên cho em.(Ảnh: TRIÊU NHAN) 

Chỉ với chiếc túi nilon nhỏ bên trong đựng vài vỉ kẹo cao su, các em đã có thể đi hết phố này đến khố kia, ghé vào các quán café, quán nhậu lớn, nhỏ. Có em lịch sự thì cất lời “Cô (chú) mua kẹo cho con đi”. Nhiều em cứ chìa phong kẹo ra trước mặt khách mà chẳng nói câu gì, gặp khách mua thì bán, không mua thì chuyển sang bàn khác mời tiếp.

Một lần tôi ngồi với vài người bạn trong quán café trên đường Phan Thanh, một em bé mặc bộ quần áo hoa đã cũ chìa vỉ kẹo ra mời. Em mới 6 tuổi, cho biết nhà mình ở đường Tôn Đản, cứ sáng sáng được anh ruột chở đến trung tâm thành phố để bán kẹo, tới 9 giờ tối mới đón về.

Một lần khác, khi đang cùng cơ quan liên hoan trong quán ăn trên đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi cũng được một em bé khoảng 8, 9 tuổi mời mua kẹo. Biết khó từ chối, anh bạn đồng nghiệp rút ví mua một vỉ kẹo. Nhận tiền xong, em đi từ đầu dãy bàn nhậu xuống cuối dãy bàn nhậu và... mời tiếp. Anh bạn tôi hỏi: “Chú đã mua kẹo của con rồi, sao con vẫn mời bạn chú?”. Bé lém lỉnh: “Cả dãy bàn dài thế này một vỉ kẹo làm sao mà đủ được chú?”.

Không chỉ có kẹo, các em còn bán cả đồ nhậu. Gần bãi biển Mỹ Khê, hoặc tại các quán nhậu, thực khách có thể dễ dàng bắt gặp những em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học tay cắp những chiếc rổ đựng đậu phụng luộc đi từng bàn mời khách. Trong một quán nhậu hải sản trên đường Trưng Nữ Vương, một em bé mặc váy jean xanh bạc, áo thun hồng, trắng trẻo, xinh xắn kiên nhẫn mang rổ đậu phụng đi hết bàn này đến bàn khác. Được một người mẹ trẻ mua giúp một ít đậu, bé đi ra nhưng vẫn len lén quay lại nhìn người bạn trạc tuổi mình đang ngồi ríu rít với bố mẹ trong kia. Ai đó lắc đầu chua xót: “Người lớn ác ghê! Hai đứa bé cùng tuổi mà số phận khác nhau một trời một vực”.

Tuổi thơ nào cho em?

Tình trạng những em bé đang tuổi ăn, tuổi lớn được “sử dụng” đi bán hàng rong ngày một nhiều. Không biết những bậc cha mẹ của các em nghĩ gì khi “đánh cắp” tuổi thơ của các em như vậy? Sau một ngày bán hàng, tiền nong kiếm được đều do người lớn quản lý. Các em chỉ biết nhận diện đồng tiền và mong sao bán hết số hàng có trong ngày.

Nhìn đám trẻ đang lòng vòng mời khách mua kẹo, chị Hương, một chủ quán nhậu trên đường Trưng Nữ Vương nói: “Cho mấy đứa đi bán rong như thế vào quán thì làm phiền khách, mà không cho vào thì cũng thấy tội. Nhiều đứa không bán hết hàng về nhà bị người lớn đánh đập, nên thôi cứ cho chúng nó vào, ai mua giúp thì mua. Như con bé bán đậu phụng khi nãy vẫn còn may mắn chán, vì buổi sáng nó vẫn được đi học, chiều cắp rổ đậu đi bán dạo mấy quán gần đây, khi nào hết thì về”.

“Trẻ em như búp trên cành”, các em xứng đáng được học hành đầy đủ theo đúng tuổi của các em, còn những em bé này tuổi thơ của các em đang bị đánh cắp bởi những người lớn vô tâm. Tôi không sao quên được câu chuyện trong quán trà sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh diễn ra cách đây không lâu. Một em bé lại gần hai mẹ con nọ mời mua kẹo. Người mẹ trẻ hỏi: “Con mấy tuổi?”. “5 tuổi”. “Con đi với ai đến đây?”. “Với mẹ con”. “Thế mẹ con đâu?”. “Mẹ con đứng chờ ở ngoài kia”. “Bây giờ cô không mua kẹo, nhưng con uống trà sữa thì cô mua cho”. Bé bẽn lẽn gật đầu. Khi cầm ly trà sữa trên tay, em bé không buồn cũng không vui, chỉ nói: “Con xin cô” rồi lủi thủi ra khỏi quán. Cái bóng của đứa bé 5 tuổi nhỏ xíu đổ trên đường trong buổi chiều đang tắt nắng cứ ám ảnh tôi mãi.

Nguyễn Thị Thu Hà
208 Nguyễn Phước Nguyên

 

;
.
.
.
.
.