Tuần lễ truyện tranh Việt Nam và Bỉ vừa được tổ chức nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (hợp tác giữa Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng), diễn ra vào những ngày đầu tháng 6 tại Thư viện Hà Nội. Bên cạnh hai triển lãm với chủ đề “Truyện tranh và nhạc Jazz” (Wallonie - Bruxelles) và “Truyện tranh và Đồng dao” (Việt Nam), giới thiệu các tác phẩm truyện tranh của các họa sĩ Bỉ và họa sĩ Việt Nam, sự hiện diện của họa sĩ VINK qua các buổi giao lưu với độc giả nhỏ tuổi và học sinh, sinh viên một số trường trung học và đại học... đã để lại những dấu ấn hết sức thú vị.
Họa sĩ VINK tên thật là Vĩnh Khoa, sinh năm 1950 tại Đà Nẵng và định cư ở Bỉ. Ông là họa sĩ truyện tranh được biết đến nhiều ở châu Âu, từng đoạt giải nhất truyện tranh của Bỉ, được hãng phim hoạt hình Walt Disney ở Los Angeles mời hợp tác. Với chữ ký Vink, ông là tác giả truyện tranh quen thuộc đối với bạn đọc châu Âu.(HNM) - Đó là chương trình kết hợp giữa văn học và nghệ thuật tạo hình do Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam cùng NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức. "Tuần lễ truyện tranh tại Việt Nam lần thứ I" sẽ diễn ra từ ngày 1-6 đến 6-6 tại Thư viện Hà Nội (47-Bà Triệu).
VINK không chỉ bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực vẽ truyện tranh, mà còn chinh phục người yêu hội họa bằng cây cọ đặc sắc, phương thức chuyển tải lạ và cách thể hiện độc đáo qua bút pháp cận cảnh. Giới chuyên môn của Bỉ và các nước Âu - Mỹ từng ca ngợi tranh của ông có trình độ thẩm mỹ cao cả hình thức lẫn nội dung, bởi nơi ấy chất chứa một nhân sinh quan về cuộc sống, có các cung bậc tình cảm, có “không khí”, có “ánh sáng, bóng tối, có nắng mưa, gió...”. Thậm chí , nhiều người còn cho rằng, tranh của Vink có thể diễn tả được mùi thơm và tình cảm - những thứ mà theo định nghĩa của hội họa là không thể diễn tả được bằng hình ảnh.
Dù vậy, trò chuyện với các bạn trẻ, họa sĩ VINK cho biết, con đường dẫn ông đến với sự vinh quang ở đất khách như ngày hôm nay không hề đơn giản. Thời niên thiếu trong quá khứ ở quê nhà, ông từng sống lang thang vô định, từng ghét cay ghét đắng trường học và từng rơi vào trạng thái bế tắc. Ông thường nhủ rằng: “Đi học để làm gì?”. Ông không thích học, và mê vẽ từ lúc lên 4 tuổi. Nhưng phải miễn cưỡng cắp sách đến trường theo yêu cầu của bậc sinh thành. Sau khi học xong Tú tài tại trường Pascal Đà Nẵng, ông sang Liège (Bỉ) du học, vẫn không thoát khỏi cảm giác chán chường với sách vở. Ông nhớ lại: “Xoay xở một mình nơi xứ lạ, đôi khi tôi không tránh khỏi cảm giác rùng rợn và kinh hoàng. Đã có lúc tôi không cản nổi ý nghĩ xách vali trở về xứ nhưng vì bố mẹ, vì sĩ diện đã níu bước chân tôi lại. Nỗi nhớ nhà và trong lúc chán học, tôi hay vẽ như một thú vui tiêu khiển. Những lúc có thể, tôi vẽ những gì mình thấy. Ở thư viện trường, tôi lấy sách y khoa nghiên cứu (trong khi ông học ngành kinh tế), để học vẽ thân thể con người hoàn chỉnh”.
Tranh của họa sĩ VINK. |
Tốt nghiệp ĐH năm 1975, trong bối cảnh lịch sử nước nhà lúc ấy, VINK không về nước được. Mặc dù một trường sư phạm của Bỉ nhận ông vào thỉnh giảng, nhưng tự biết mình không thích hợp với sách vở nên ông đã từ chối, lại chọn thi vào Trường CĐ Mỹ thuật Liège. Thực ra, ban đầu, đó là cái cớ để ông ở lại Bỉ chứ chẳng màng đến chuyện học hành. Trong khi hằng ngày, ông dành phần lớn thời gian làm đủ nghề để kiếm sống. Từ rửa chén, lau chùi nhà cửa, làm vườn, giữ em bé, thậm chí đánh cá ngựa, việc gì ông cũng đã trải qua. Đến một lần tình cờ vào lớp sớm, ông bất ngờ nhận ra: “Tôi khám phá ra môi trường nghệ thuật là môi trường của tôi, cảm thấy mình như cá được thả về trong nước”. Từ đó, VINK bắt đầu chú tâm học tập nghiêm túc và say mê.
Ông chính thức vào nghề mỹ thuật khi đã ở độ tuổi 30, với bút danh Vink. Tác phẩm trình làng đầu tiên của ông là bộ truyện tranh về cổ tích Việt Nam Sau lũy tre xanh cho tờ báo Tintin. Không lâu sau đó, ông được giới hội họa và phê bình chú ý nhiều hơn, khi ra mắt tác phẩm Lịch sử 1.000 năm thành phố Liège với cách thể hiện mới mẻ. Năm 1985, tên tuổi của VINK thực sự được khẳng định bằng giải thưởng truyện tranh lớn nhất của Bỉ với bộ truyện Le Moine Fou (Nhà sư điên). Đến nay, truyện tranh của VINK đã được cả châu Âu biết đến cả về số lượng lẫn chất lượng và phong cách. Ông không chỉ sống và làm việc trên đất Bỉ, mà còn đi nhiều nơi và là cộng sự đắc lực của Nhà Xuất bản Dargaud (Pháp).
Trò chuyện về công việc vẽ truyện tranh, VINK hóm hỉnh bảo: “Nghề của bạn là sắp chữ theo tư duy, còn nghề của tôi là sắp xếp những mảng màu theo sáng tạo của đường cọ. Tác phẩm lớn nhất là tác phẩm bước chân tôi không mỏi trên con đường hội họa”. Ông nói, so với nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu chẳng hạn, vẽ truyện tranh mất rất nhiều thời gian. Một trang truyện vừa viết vừa vẽ bằng mực Tàu vừa tô bằng màu nước mất trên dưới một tuần lễ. Và từ bản vẽ gốc, truyện tranh được in ra hàng ngàn bản tùy theo chất lượng truyện và nhu cầu độc giả. Chính vì lẽ đó, một tập truyện tranh- đứa con tinh thần của người họa sĩ - phải “mang nặng đẻ đau” suốt cả năm trời.
Ông tự nhận mình là hạt giống hội họa Á Đông, nảy mầm và sinh trưởng giữa vườn hội họa phương Tây. Cho nên những trái ngọt mà VINK gặt hái được là sự kết tinh của hai nền hội họa. Trong tranh VINK phong cảnh vẫn mang đậm chất thủy mạc phương Đông nhưng con người toát lên vẻ sang trọng và hiện đại của thời công nghiệp. Có cái gì đó rất khó diễn tả bằng lời nhưng nếu chỉ một lần được chiêm ngưỡng những bức họa của cây cọ tài hoa này, bạn khó lòng quên được.
Tại Đà Nẵng, tọa lạc ở số 123 Lê Lợi có một quán cà phê xinh xắn mang tên VINK. Đó chính là ngôi nhà của gia đình ông từ thời niên thiếu. Cái tên VINK có thể được hiểu là đặt theo bút danh của ông (Vĩnh Khoa), mà cũng có thể được gọi chung cho các anh em trai của ông, đều có tên vần K như: Vĩnh Kha (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế, đã mất), Vĩnh Khôi (tác giả các bài hát nổi tiếng Huế mù sương, Cơn mê chiều..., hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh), Vĩnh Khánh... Anh em nhà VINK còn là cháu gọi nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và nhà văn Phạm Hổ là cậu ruột.
Trong chuyến về thăm quê nhà lần này, ngoài việc tham gia Tuần lễ truyện tranh Việt Nam tại Hà Nội, VINK còn thực hiện một triển lãm mang tên Màu Đông sắc Tây cùng vợ là một họa sĩ người Bỉ, gồm những tác phẩm truyện tranh, tranh màu nước, tranh acrylic, tranh trang trí... tại Festival Huế từ ngày 5 đến 13-6.
TRẦN TRUNG SÁNG