Tôi đang ngồi ở phi trường, khá bực bội khi nhận được tin từ loa thông báo, chuyến bay của tôi sẽ bị trễ 45 phút vì gặp thời tiết xấu. “Thế có nghĩa là mất hơn một tiếng đấy!”. Tôi vừa nghĩ vậy, thì tự dưng nó bật ra:
Chim ơi!
Mày bay về đâu
Trong gió đêm thổi lạnh?
Như những vòi bạch tuộc bí ẩn thò ra từ đáy biển đen như mực, những câu đó bất ngờ chộp lấy rồi lôi tôi về phía nó. Với một sức mạnh gần như được cộng với nỗi giận dữ và cả sự hả hê, những chiếc xúc tu khổng lồ đó nghiến siết và làm tôi ngạt thở. Không phải là thơ đâu. Tôi không phải nhà thơ và còn lâu lắm thì mấy câu vu vơ đó mới gọi là thơ. Đó chỉ là những câu nói với nàng. Mà có thực là tôi nói ra chúng không thì cả tôi cũng mơ hồ. Đầu óc tôi có những lúc như bánh sắt tàu hỏa, trật ra ngoài đường ray lý trí. Những khoảng trắng, tôi gọi thế, bởi thật sự tôi chẳng biết điền gì vào chỗ ấy.
***
Nàng hơn tôi mười tuổi. Chính xác là mười tuổi và bốn ngày. Nàng sinh 26, tôi sinh 22 cùng tháng và cách nhau mười năm. Bắt đầu như thế thì ai đó có thể cho rằng tôi muốn gây chú ý nhưng nàng hơn tôi mười tuổi thật. Không, không hẳn là chuyện tuổi tác. Dù rằng, với khoảng thời gian đó, Van Gogh vẽ cả cuộc đời ông lên khung bố thì cũng vậy. Với tôi và nàng, nó giống như liều doping nặng cho một cuộc đua nước rút hơn. Rốt cuộc, thì liều doping đó, có kết quả như thế nào? Hẳn đó sẽ là câu hỏi dành cho tôi. Nhưng, xin gượm đã, vì tôi muốn thật thong thả để không làm rối thêm một chuyện mà ngay cả chính tôi hẵng còn không biết nói sao cho phải.
***
Giống như mọi cuộc gặp gỡ tình cờ khác, tôi chưa từng nghĩ đến sự xuất hiện của nàng trong đời mình. Từ trước đó, tất cả những gì tôi có – là tôi. Nhưng ngay khi gặp, ý nghĩ về nàng tựa như một siêu hacker, đã bẻ khóa và rút ruột mọi thứ từ máy chủ tưởng như đã được bảo mật hoàn hảo. Tôi như con tàu vũ trụ lạc tay lái, bị hút vào một mắt bão vũ trụ, tất cả chỉ là hạt bụi trong hấp lực vượt quá mọi sức tưởng tượng phong phú nhất.
Tôi gặp nàng ở một quán rượu. Tuy nhiên, xin đừng hình dung về nàng như một cô tiếp viên của loại quán rượu nào đó bạn từng đến. Là em họ của chủ quán, nàng làm chủ một Spa đang hoạt động trên khuôn viên đất của người anh họ. Ông anh nàng cũng chẳng phải kiểu người kinh doanh nhặm lẹ mau mắn, ngược lại là khác. Ông làm thơ. Những lúc ngà ngà say, thơ ông thường bay la đà trên mặt bàn với các thực khách, cả quen và nhiều khi cũng chả cần quen. Không biết mặt mũi tôi trông thế nào khi nhận những vần thơ ông đọc, mà ông quyết định mời cả nàng đến để cùng ngồi nhâm nhi.
Nàng đến, váy chữ A màu tím than, sơ mi dài tay màu nâu đất đơn giản, trên cổ thấp thoáng sợi dây chuyền bạch kim hình hoa mai mỏng, khuôn mặt không trang điểm gì ngoài chút son giữ ẩm, trông nàng trang nhã và xa cách. Vẻ xa cách đó không có từ phía nàng, mà từ phía người nhìn. Người ta khó lòng nghĩ, nàng có thể thuộc về một ai đó - cái cảm giác khi chúng ta nhìn trái chín trong khu vườn được bao bọc bởi tường cao.
Vuốt nhẹ vạt váy sau, nàng ngồi xuống không tiếng động. Tôi nghe tiếng cụng ly của những bàn bên ngừng lại. Nàng khẽ đưa mắt nhìn quanh bàn, thoáng dừng lại khoảng một chớp mắt trên mặt tôi. Tôi bị cái nhìn của nàng làm bối rối mất hai giây. Nhưng từ đó đến cuối buổi, tôi không nói thêm tiếng nào. Chắc là cũng có nói gì đó, tôi không nhớ kỹ lắm, tuy chắc không ngoài vài tiếng ừ à đệm nhịp để thấy mình không quá mất lịch sự.
Tối ấy, sau khi ở quán rượu về nhà, tôi ngồi xem lại “Người trẻ hóa” – phim vừa được Oscar, chuyển thể từ truyện ngắn của Franz Scott Fitzgerald. Vừa xem, tôi vừa uống bia mãi đến khuya, rồi lấy xe, đi đến chỗ quen, và làm việc đó với một cô gái mà tôi chẳng rõ mặt. Trong khi cô gái ngủ, tôi để lại tiền trên gối, ra về, cẩn thận khóa trái cửa.
Nhìn đồng hồ tay, đã 4 giờ 30 sáng, tôi về thẳng nhà, mở nước nóng, ngồi dưới vòi sen khá lâu. Tôi tắt điện thoại di động sau khi gửi tin nhắn đến cho sếp xin nghỉ làm buổi sáng. Lên giường, tôi gác tay nhìn mặt trời đang nhô lên sau cửa kính phòng ngủ. Cảm thấy khó dỗ giấc, thở ra một hơi dài, tôi lẩm nhẩm đếm số.
Tôi chợp mắt được khi nắng lùi ra khỏi cửa, một giấc khá sâu.
***
Sau lần gặp đó, thi thoảng tôi đến quán của anh nàng. Tôi hay uống một mình ở những quán nhỏ với hy vọng mình không bị dây dướng bởi người quen trong những bàn kế cận. Không phải là con một, nhưng cả 3 người chị đều lớn tuổi hơn rất nhiều nên từ nhỏ tôi đã không có thói quen trò chuyện với ai khác. Từ lúc tôi đến tuổi đi học, những người chị đã lập gia đình cả. Cũng không hiểu sao, sau 14 năm không sinh được nữa, mẹ tôi lại sinh được tôi. Nhiều lúc, thoáng qua trong đầu tôi ý nghĩ, hay là bà xin tôi từ một viện mồ côi nào đó và bảo rằng tôi là con bà?
Bố mẹ rất thương tôi, nhưng bằng cách nào thì tôi cũng không thể tiến gần được họ. Tôi không tìm được lời thích hợp để nói với bố mẹ mình và cả những người vẫn gặp hằng ngày. Nói thế nào thì cũng bị hiểu nhầm là vô cảm, hoặc quá tàn nhẫn. Tôi bắt đầu làm mọi việc một mình, tự mua lấy những vật dụng cá nhân, có thư viện riêng, có bộ sưu tập đĩa nhạc và phim riêng bằng số tiền ông bà cho quà vặt. Dù phải mất khá nhiều thú vui như bạn bè cùng lứa, nhưng tôi thấy thoải mái, cảm giác như khi mặc một chiếc áo vừa vặn với cơ thể.
Nói đến cơ thể thì tôi chợt nghĩ đến nàng. Nàng có một cơ thể đầy đặn và hoàn hảo lạ thường so với phụ nữ tuổi ấy. Lần đầu tiên, tôi khá bất ngờ vì trong những bộ trang phục, nàng có vẻ gầy hơn rất nhiều. Khi nhìn thấy cơ thể của nàng, bản năng đàn ông của tôi lớn mạnh khác thường, như một vùng áp thấp hình thành ngoài biển Đông nhanh chóng biến thành một cơn bão và thổi vào đất liền với tốc độ khủng khiếp, cuốn theo những cơn sóng lớn cao hơn cả mái nhà, đập vào bờ với sức tàn phá quật tan được cả những con đê chắn sóng kiên cố nhất.
Mà, hình như tôi kể lộn xộn mất rồi. Tôi đang nói đến việc tôi đến quán của anh nàng và ngồi một mình. Vào lần thứ tư hay thứ năm gì đó, tôi nhận được mảnh giấy nhỏ gấp kín từ tay người phục vụ: “22h, hôm nay, nhà 58 phố Đặng Dung, quận 1”. Dù ngốc nghếch đến đâu, thì tôi không thể không biết mảnh giấy đó là của nàng. Hơn nữa, nét chữ đẹp mềm mại đó không thể là chữ từ tay ông chủ quán, lúc đó đã say khướt. Tôi đến địa chỉ mà ban đầu tôi ngỡ là quán bar, thì hóa ra đấy là nhà riêng của nàng.
Tôi chỉ gặp nàng vào buổi tối muộn. Khi đó, con nàng – một cậu bé 5 tuổi - đã ngủ, và nàng đã làm xong mọi việc nhà. Chồng nàng làm việc ở một văn phòng đại diện của công ty anh ta tại nước ngoài. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi là nước nào, chỉ biết đại khái là đâu đó ở Đông Âu. Sau khi gặp nàng, khoảng 3 hay 4 giờ sáng thì tôi ra về, có thể ghé một quán rượu, hoặc lang thang chút nữa mới về nhà, trong tiếng trở mình ngái ngủ của thành phố lúc rạng đông.
Nàng và tôi hay ngồi trong bếp, dưới ánh điện sáng mờ cùng với yên lặng đêm khuya. Những lúc như thế nàng hay nhìn tôi với đôi mắt có màu xam xám như màu da của ông lão tám mươi cô độc ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp bắc ở hàng hiên buổi chiều. Nàng cũng như tôi, ít nói, nên hầu hết các buổi nói chuyện của hai đứa đều diễn ra một cách bâng quơ và chẳng có đầu cuối gì. (Tôi không chắc mình dùng từ “nói chuyện” là đã đúng không nữa). Cả trong những lúc làm chuyện ấy, nàng cũng im lặng, trừ cái ghì siết rất lâu khi nàng đạt được. Tuy nhiên, nàng hiểu rõ cái tôi thích, cũng như không thích như cầm trên tay một tờ giấy ghi những điều ấy, và tôi luôn không kiềm được cơn hưng phấn khi đi vào nàng. Với nàng, tôi cảm thấy như mình đang ở trong một khách sạn 5 sao hàng đầu.
Hơn một năm ở bên nàng, tôi biết được, nàng sớm mồ côi mẹ và bố nàng tục huyền gần như ngay sau đó. Ông vẫn lo lắng cho nàng, nhưng khi đủ 18 tuổi, nàng rời gia đình ra ở riêng. Vừa học đại học tại nhạc viện, nàng vừa làm phụ bếp cho một nhà hàng. Khi thi tốt nghiệp, nàng đột nhiên bỏ ngang bài biểu diễn đang rất tốt cùng với hy vọng giữ nàng lại trường của các giảng viên vốn rất chú ý đến nàng, không một lời giải thích.
Sau chuyện ấy, nàng đi Ấn Độ một tháng bằng số tiền tiết kiệm trong mấy năm đại học. Chuyến đi ấy nàng gặp chồng nàng, cũng đang công tác ở đó. Ba tháng sau, anh ta xin cưới sau khi đều đặn mỗi tuần mời nàng ăn tối ba hay bốn lần, và mỗi sáng nàng đều nhận được hoa gửi tặng với những tấm thiếp thơm phức ghi những lời yêu thương nồng nàn nhất. Nàng đồng ý sau lời cầu hôn đó một tuần.
Năm năm sau thì nàng có con. Trong thời gian ấy, nàng vừa làm bếp trưởng tại nhà hàng cũ, vừa học thêm chăm sóc thẩm mỹ về da. Khi con có thể gửi trẻ được, nàng mở Spa riêng của mình. Không đông khách lắm, nhưng hình như nàng có thu nhập rất ổn định. Số tiền chồng hằng tháng gửi về, nàng mua bảo hiểm cho con. Về chồng, tuy nàng không nhắc đến, nhưng tôi chắc nàng cũng chẳng có phàn nàn gì về anh ta. Một người chồng như vậy, thì có thể phàn nàn gì?
Đại khái là thế, bởi vì tôi chỉ cóp nhặt những điều nàng tình cờ kể mà kể lại, chứ tôi vốn không có thói quen đặt câu hỏi về chuyện đời tư người khác. Đến bây giờ, khi có thể hiểu chuyện hơn, tôi ước mình đã nói với nàng nhiều hơn đôi chút vào đúng lúc của nó. Đời người, đôi khi có vẻ giống với đường cao tốc một chiều, có những điểm lỡ, đi quá một bước là quá xa mới đến điểm vòng lại kế tiếp.
Một hôm, sau khi đã dùng xong một bữa ăn nhẹ, nàng lấy bia trong tủ lạnh rủ tôi uống. Đến lon bia thứ ba, thì mọi thứ đột nhiên im lặng. Tôi đã kể là nàng ít nói, nên im lặng cũng không phải là điều gì hiếm hoi ở nàng. Nhưng cái im lặng hôm ấy thì khác. Mọi tiếng động như bị nhốt chặt trong một khối băng trong suốt. Cả những con muỗi thường vo ve nơi góc bếp cũng lười lên tiếng. Gió lướt êm ru trên tấm rèm lụa rồi phà làn hơi lạnh buốt vào phòng. Có một miếng xốp khổng lồ ở đâu đó đã hút tất cả mọi âm thanh xung quanh. Tôi đặt tay lên ngực, cố lắm mới nghe nhịp tim của mình đập, vang lên như từ một thế giới khác.
“Gió ở đâu mà mạnh quá!”. Nàng đột ngột nói.
“Ờ! Có lạnh thật…”. Tôi gật đầu.
…
“Chim…”
“Chim ư?”. Tôi chợt cảm thấy khát, nhấp thêm ngụm bia nữa.
“Ừ, chim đấy mà”.
“Ý anh là chim thật hay cái gì giống chim? Hay em đang dùng ẩn dụ gì?”.
“Không, chẳng có ý gì đặc biệt. Chỉ là chim, loài động vật có cánh bay trên trời đó thôi”.
“Mà sao em nói thế?”. Tôi suy nghĩ một chút, lòng thầm nghĩ, hay nàng bắt đầu say? Liệu có đúng không nhỉ? Tôi chưa nhìn thấy nàng uống bao giờ, nhưng như thế không có nghĩa là nàng không uống tốt. “Nghĩa là tự dưng sao lại nghĩ đến loài động vật có cánh và bay trên trời ấy vào lúc nửa đêm thế này?”.
“Chả liên quan gì cả nhỉ?”.
Nàng ngước mặt nhìn tôi, mỉm cười. Cho đến lúc đó, nàng vẫn đang ngồi bó gối và cúi mặt nhìn xuống hai bàn chân mình. Nàng có bàn chân thon với những ngón trắng hồng được cắt ngắn, với những phao chân hình trăng khuyết xinh xẻo. Tôi rất thích được nhìn những ngón chân ấy dưới những chiếc đầm rộng nàng thường mặc ở nhà.
Tôi nhìn vào bóng tối sau cánh cửa sổ, ừ khẽ.
“Thật ra em đang nhớ đến nó”, Nàng dừng lại, xòe ngửa bàn tay, chao chao trước mặt, như đang lăn thứ gì đó có hình tròn và giữ cho chúng đừng rơi mất. “Tức là chim ấy. Tự dưng mà nhớ thế thôi, chứ chẳng có lý do gì cả”.
“Thật là không có lý do gì chứ?”.
Nàng hơi nhíu mày, như muốn tìm lời thích hợp.
“Thật. Hoặc là nếu có lý do nào đó ở đâu đó, thì lúc này chưa thấy nó xuất hiện trong đầu óc em”.
Tôi quay nhìn vào mắt nàng, hai đồng tử thu nhỏ hơn lúc bình thường, trông nàng có vẻ như đang buồn ngủ. Hay là triệu chứng mộng du? Đôi mắt nàng không đẹp, với mí xếp, và lòng trắng không trắng như thường thấy ở những đôi mắt mạnh khỏe, mà mang màu rêu nhạt. Nhưng cũng chính vì thế, chúng có vẻ xa vắng như một ánh đèn le lói ở phía cuối một cánh đồng rộng trong đêm khuya. Khi nhìn vào đôi mắt ấy, tôi luôn có một cảm giác kỳ lạ. Nói kỳ lạ không hoàn toàn giải thích được những gì tôi nghĩ. Như mình bị rớt vào một xoáy nước sâu. Không phải loại xoáy nước kêu oong oóc khi chúng ta mở nút chặn nước trên chậu rửa mặt. Có thể giống, là giống cái xoáy hình trôn ốc ấy, có điều yên tĩnh hơn nhiều. Xương sống cuối lưng tôi luôn gai gai mỗi khi nhận thấy điều đó.
Đầu óc tôi bỗng hình dung cánh chim mà nàng nói, đang bay một mình trong đêm. Hai cánh đen nhỏ bé đập vào bóng tối xung quanh. Màu cánh hòa vào màu bóng đêm. Có lạnh không nhỉ? Mà đôi cánh đen ấy là do cánh nó thực sự đen hay do bóng đêm?
Chim ơi!
Mày bay về đâu
Trong gió đêm thổi lạnh?
“Anh nói gì thế?”. Nàng bỗng hỏi.
“Không, anh có nói gì đâu”, Tôi trả lời. “Mà anh vừa nói gì ư?”.
“Chẳng phải anh vừa nói gì đó sao?”. Giọng nàng có vẻ ngạc nhiên. “Hay là em nghe nhầm? Rõ ràng là giọng anh mà. Sao vậy nhỉ?”.
“Có lẽ em nghe nhầm thôi”, Tôi nhíu mày, hơi nghiêng đầu. “Anh nói gì thế?”.
“Chim ơi, mày bay về đâu, trong gió đêm thổi lạnh - em nghe thế đấy!”.
“Thế à?”.
***
Nàng tiễn tôi ra về. Lần đầu tiên nàng làm thế. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ được cảnh đêm ấy. Gió thổi chầm chậm trên mặt đường khuya, làm chiếc phong linh bằng thủy tinh hình cánh thiên nga nàng treo trước nhà kêu leng keng nho nhỏ. Nàng vẫy tay chào tôi. Khuôn mặt nàng thấp thoáng trong bóng tối mờ mờ và món tóc xõa trước trán. Mắt nàng hắt lên thứ ánh sáng màu xanh kỳ bí khi nàng tựa vai vào mép cửa nhìn theo tôi đi.
Đó là hình ảnh cuối cùng của tôi về nàng, khi tôi quẹo ở ngã rẽ. Ba hôm sau, tôi đến thì nhà nàng đã dọn đi nơi khác, hay ít nhất thì tôi nghĩ thế. Người hàng xóm bảo, thức giấc thì cô ấy dọn đi mất rồi, chắc chỉ trong đêm thôi, tối nọ còn sáng đèn mà.
Tôi gỡ chiếc phong linh trước nhà nàng, đem về treo trên cửa sổ phòng mình. Chiếc phong linh thỉnh thoảng lại kêu leng keng nho nhỏ trong gió.
***
Và tôi lên máy bay, muộn mất 72 phút, sau khi kể cho bạn nghe chuyện riêng của mình và những câu vu vơ về cánh chim đêm.
Trầm trang, 28-3-2010.
Truyện ngắn Ngô Nhân Đức