Có phải đại học là con đường duy nhất để đi vào tương lai, là cách tốt nhất để thành đạt?
Đại học không hẳn là con đường duy nhất dẫn đến thành đạt. (Ảnh minh họa của V.T.L). |
Đúng như dự đoán, cả hai em đều hỏng, điểm thi của hai em đều đủ để vào các trường cao đẳng nhưng cả hai đều từ chối (phải chăng các em nghĩ cao đẳng không sang bằng đại học). Cường tiếp tục ôn thi để thi lại. Thảo thì đi học nghề cắt tóc với bạn của bố em.
Một năm sau, Cường thi đỗ vào Đại học Sư phạm. Thảo đã học xong nghề cắt tóc.
Bốn năm sau, Cường về nhận nhiệm sở tại một trường THPT ở ngoại ô cách nhà 20km, được xếp lương ở bậc khởi điểm với hệ số 2,34, mỗi tháng lãnh gần 2 triệu đồng. Thảo đã là chủ của một hiệu cắt tóc với 2 thợ phụ và 3 thợ đang giai đoạn học nghề.
Thỉnh thoảng tôi cũng hay đi cà-phê với hai học trò cũ. Mỗi lần gặp Cường tôi đều nghe em nói: Thầy ơi, đi dạy rồi mà chẳng giúp đỡ gì cho gia đình cả, cuối tháng còn phải xin tiền mẹ để đi đám cưới và đổ xăng. Với em, tôi luôn lấy cớ vừa lãnh được một món tiền nào đó và tế nhị trả tiền cà-phê.
Còn Thảo, lâu lâu, em ghé biếu tôi vài gói trà và mời tôi đi cà-phê. Em bảo, công việc của em cũng tương đối nhẹ nhàng, có khách thì làm việc, còn không thì học Anh văn hoặc đánh cờ tướng. Mỗi tháng, sau khi trừ các khoản em còn được từ 4 đến 5 triệu đồng. Em bảo, đó là em có dạy nghề miễn phí, chứ nếu không thì thu nhập sẽ cao hơn. Với Thảo, tôi luôn vui vẻ nhận quà và để em trả tiền cà-phê.
Hôm rồi gặp tôi, Thảo khoe em vừa tốt nghiệp Cử nhân Anh văn loại giỏi hệ tại chức. Thảo hỏi tôi có phải nghề giáo nhọc nhằn lắm không mà em thấy tóc thầy nhanh bạc quá, vừa rồi gặp Cường, em cũng thấy tóc bạn ấy chớm bạc. Chia tay, Thảo mời tôi chủ nhật này 3 thầy trò đi uống cà-phê để em “rửa” tấm bằng cử nhân. Thế nào rồi em cũng mời thầy và Cường về tiệm để em nhuộm tóc cho hai nhà giáo – Thảo nói rất chân tình.
LÊ THÍ