.

Lượng biến thành chất

Con số 20.000 tiến sĩ (TS) cần đào tạo bổ sung trong 10 năm tới được nêu trong Đề án đào tạo giảng viên có trình độ TS cho các trường đại học, cao đẳng đã thật sự làm không ít người “choáng”! Một đề án tham vọng và không khả thi khi thực tiễn cho thấy thực hiện được những chỉ tiêu này hoàn toàn không đơn giản.

Mối quan tâm của xã hội là với kinh phí 14.000 tỷ đồng để đào tạo 20.000 TS có đạt được hiệu quả như mong muốn hay không? “Lượng” có thực sự tương ứng với “chất” hay không? Thời gian để đào tạo một TS là 4 năm. Như vậy, đề án được triển khai trong 10 năm (2010-2020) nghĩa là cần 6 năm để thực hiện. Nếu lấy con số 20.000 TS chia bình quân 6 năm thì mỗi năm cần tuyển gần 3.400 thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh để đưa đi đào tạo, trong đó 64% được đào tạo ở nước ngoài, 14% được đào tạo phối hợp, 20% được đào tạo ở trong nước. Đó là chưa nói đến con số 14.000 tỷ đồng để thực hiện đề án là con số khổng lồ. Bên cạnh đó còn phải kể đến khả năng thực chất của các nghiên cứu sinh, trình độ tiếng Anh để có thể đáp ứng yêu cầu học tập ở nước ngoài - vấn đề vốn rất nan giải trong học bổng chương trình 322 của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Điều đáng nói là những vị TS sau khi “vinh quy bái tổ” với tấm bằng cao nhất trong hệ thống đại học thì sẽ làm được gì cho đất nước. Một bài viết trên Báo Người Lao Động ngày 29-6-2010 cho biết, “mỗi năm Việt Nam chỉ công bố khoảng 1.000 công trình nghiên cứu khoa học, tức bằng khoảng 1/5 Thái Lan và Singapore”. Song, trong 1.000 công trình nghiên cứu khoa học ấy, có bao nhiêu công trình được ứng dụng thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực? Cũng có ý kiến đề cập đến sự lãng phí của học vị TS, trong khi những người nông dân với vốn kiến thức ít ỏi lại sáng chế ra được máy phát điện để tự phục vụ sản xuất, sinh hoạt của mình. So sánh mang tính hình tượng và có phần khập khiễng như thế để nói rằng, xã hội kỳ vọng vào những người có học vị cao nhất trong hệ thống đại học biết bao, chứ không phải chỉ để đơn thuần khoác lên tấm áo bằng cấp hoa văn sặc sỡ.

Dẫu biết bậc đại học cần có những giảng viên có trình độ TS, và với việc đào tạo thêm 20.000 TS sẽ bổ sung vào đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, nâng tỷ lệ từ gần 20% TS trong tổng số giảng viên hiện nay lên 40-50%. Nhưng không phải đào tạo ào ạt là giải pháp tốt và hiệu quả. Dĩ nhiên, đặt lên bàn cân giữa “lượng” và “chất” ở đây không phải là xem nhẹ vấn đề bằng cấp. Bởi lẽ, việc vươn đến bằng cấp cao hơn sẽ giúp người học xây dựng được nền tảng kiến thức giống như cây có gốc rễ vững vàng thì mới đơm hoa kết trái.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo “tuyên chiến” với bệnh thành tích và được xã hội đồng tình ủng hộ. Vì thế, với những chủ trương đào tạo TS như thế này, mong lắm việc “lượng” sẽ biến thành “chất” để 14.000 tỷ đồng không lãng phí, đồng thời để giải quyết bài toán đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.