.

Nguyên Ngọc con người lãng mạn

.

Nguyên Ngọc trong tôi không chỉ là một nhà văn lớn mà là một “trưởng lão” trên phương diện trí thức. Khi trở thành một anh giáo viên dạy Văn cấp 3, được dạy những tác phẩm Rừng xà nu, Đường chúng ta đi của ông, và nhất là khi được gặp ông, la cà trò chuyện với ông tôi thấy mình thật hạnh phúc…

Những năm 90, trong những lần uống café với ông ở góc đường Lê Thánh Tôn – Lê Lợi (Đà Nẵng), tôi bày tỏ về việc tác phẩm Rừng xà nu của ông được nhà trường phổ thông giảng dạy và chỉ khai thác dưới khía cạnh công dân, trong đó chân dung nhân vật Tnú được các nhà giảng văn đem tới cho học sinh là một công dân anh hùng, yêu nước, biết căm thù giặc, yêu cách mạng. Người ta quên mất một khía cạnh rất đẹp, rất đời thường của Tnú là yêu vợ con, yêu bản làng của mình, một tình yêu rất cụ thể, rất giản dị ở con người giải phóng quân này. Cấu trúc tác phẩm giàu chất sử thi, anh hùng ca này được triển khai theo chuyến trở về thăm làng của Tnú. Và trong tâm hồn người anh hùng, theo từng bước chân, từng tảng đá, từng gốc cây, Tnú nhớ từng khuôn mặt, từng nỗi đau đớn, từng cảm giác về làng, về dân làng, về Mai và đứa con đã mất của mình. Khi nghe điều ấy, ông cười: Chuyện “lầm lẫn” như vậy diễn ra trong đời sống này rất nhiều. Cậu chưa thấy hết sự thể đâu…

Quả vậy, sau này khi gần gũi hơn với ông, tôi nghe ông nói về Tây Nguyên ngày xưa, về giáo dục, về văn học Việt Nam sau 1975. Vẫn lối suy tư thông minh, diễn đạt khúc chiết, giản dị mà tinh tế và sâu sắc khiến những điều trừu tượng, vĩ mô, triết luận trở nên gần gũi, dễ hiểu… Với vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng, dù đã gặp ông, nghe ông nói nhiều lần, lang thang café với ông nhiều chỗ, nhưng mỗi lần trò chuyện với ông, tôi luôn ngạc nhiên về tầm nhìn, khả năng cập nhật tri thức, những suy tư về thời cuộc của ông. Nhưng câu chuyện của ông luôn đặc biệt sáng rõ lên những vấn đề lớn về thời cuộc, về văn hóa, giáo dục, về con người.

Tôi quen gọi ông là nhà văn, song thực sự ông là một nhà văn hóa lớn, một nhà Tây Nguyên học…

Bài học ứng xử lớn nhất của ông đem đến cho tôi chính là tinh thần độc lập, trung thực, thẳng thắn. Ông luôn điềm tĩnh, sâu sắc mà vẫn rất tinh tế. Cách ông nói, trình bày, ứng xử vẫn mềm mại, tinh tế, rất Bắc Hà, song vẫn rất thẳng thắn, mạnh mẽ như cốt cách vốn có của người Quảng. Trong chiều sâu suy tư, ông có vẻ bi quan trước thời cuộc. Khuôn mặt ông luôn phảng phất nỗi buồn, vẻ ưu tư lớn lao. Chỉ khi ông trò chuyện, ánh mắt của ông mới thấy lấp lánh niềm vui. Có lẽ vì tình yêu cuộc sống, yêu nhân dân cần lao, yêu dân tộc và văn hóa, tôi vẫn thấy ở ông niềm tin, sự lạc quan khi ông hành động. Đấy là niềm tin, sự hy vọng trước chân lý đời sống, trước lẽ phải và tình người, trước các giá trị vĩnh hằng, phổ quát của nhân loại,…

Điều tôi còn ngạc nhiên hơn cả về ông, chính là sức làm việc, sự bền bỉ dấn thân trong dịch thuật, viết báo, đăng đàn, tổ chức “mẫu” một đại học tiên tiến, và nhất là khả năng đi. Ở tuổi ngoài “thất thập”, hằng tháng ông vẫn rong ruổi trong Nam ngoài Bắc. Vào tháng 11 năm ngoái, Gia Lai tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I, tôi thấy ông đến Pleiku, nhưng khi vào lễ chính, ông lại ngược về Kông Chro. Ông nói: Mình phải về thăm bà con ở đấy. Lên tới Tây Nguyên mà không về bản bà con thì thấy không phải lẽ… Tôi biết, nếu trong vài tháng không đi đâu, ông lại thấy người mệt mỏi như bị “bệnh” vậy. Đấy không gì khác chính là “căn bệnh” của một trí thức lãng mạn, dấn thân trước cuộc đời để được gần nhân dân nhất, để hiểu và có những tiếng nói cần thiết cho cuộc đời.

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về ông! Có lẽ sẽ nói bằng cả một cuốn sách dày về một tác gia văn học, về một nhà văn hóa đầy chất hoài bão và lý tưởng !

LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.