Ngày 22-7-2010, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận các danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng theo hướng giảm tần suất, quy mô, cấp độ, bảo đảm tính thống nhất, tính khoa học, tránh phô trương, lãng phí. Đây là một chủ trương đúng, sát với thực tế, được dư luận đồng tình.
Việc tổ chức các ngày kỷ niệm, các dịp trao tặng, đón nhận và nhiều ngày lễ khác là chuyện nhạy cảm, ít khi muốn nói ra nhưng từ lâu đã trở thành một vấn đề bức xúc trong xã hội. Ở nước ta hiện nay, kể cả những “ngày” như ngày doanh nhân, ngày phụ nữ, ngày không hút thuốc lá, ngày hiến máu nhân đạo... cho đến các ngày kỷ niệm, ngày Tết, ngày hội thì một năm 365 ngày, không có ngày nào không có việc.
Chưa hết, chúng ta còn rất nhiều lễ khác như lễ đón, nhận huân chương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ phát động, lễ sơ kết, lễ tổng kết… Các dịp lễ này có nhiều tác dụng tích cực nhưng cũng là dịp để những người thích phô trương, hình thức, lợi dụng tiêu xài lãng phí tiền công.
Việc hàng chục nghìn người từ khắp các xã trong huyện được huy động về trung tâm huyện, đi về hàng ngày đường chỉ để đón một bằng khen hoặc một lễ khởi công công trình tốn hàng tỷ đồng rồi… để đấy hàng chục năm, không phải là hiếm gặp. Cùng với những dịp tổ chức lễ là tình trạng tràn lan các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, trong đó không ít cuộc là trưng khoe thành tích, quảng cáo trá hình, có khi chỉ đơn giản là đi chơi, đi nghỉ mát. Cách đây không lâu, đã có chuyện xôn xao khi một thống kê cho biết trong một năm, cả nước đã diễn ra 300 hội nghị, tiêu tốn 24 tỷ đồng. Thế đã đáng giật mình nhưng nếu bây giờ lại làm một cuộc thống kê tương tự, chắc chắn số hội nghị, hội thảo còn nhiều hơn.
Để tổ chức một ngày kỷ niệm, một ngày lễ, một ngày chuyên đề, một nghi lễ đón, nhận cần nhiều ngày chuẩn bị. Với hàng nghìn sự kiện diễn ra trong năm, xã hội sẽ lãng phí hàng triệu ngày công lao động, hàng trăm tỷ đồng, một con số không nhỏ với một nước còn nghèo. Cùng với lãng phí và những tiêu cực có thể xảy ra trong những dịp như vậy, còn một hệ quả không mấy vui khác, đó là tâm lý nhàm chán, bị làm phiền khi có quá nhiều những dịp tập trung đông người, tốn thời gian nhưng không có gì mới bổ ích cho người dự.
Cho nên chủ trương giãn mật độ, quy mô các ngày kỷ niệm, các hoạt động mang tính nghi thức; phân định rõ cấp độ Nhà nước, cấp độ ngành, địa phương các ngày này của Bộ Chính trị là tiếp nối các cải cách đã được triển khai từ lâu nay theo hướng khoa học, tiết kiệm, phù hợp với tập quán Việt Nam và quốc tế trong đưa đón khách, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, lễ trao phần thưởng danh dự, xây dựng nhà bảo tàng, nhà lưu niệm, tượng đài, v.v… Điều đó thể hiện trình độ phát triển, trình độ văn minh của một xã hội đã được nâng lên. Còn nhiều việc nữa phải làm nhưng một chủ trương như vậy rất đáng hoan nghênh, vấn đề còn lại là làm sao thực hiện cho đúng.
Duy Vũ