Một công ty địa ốc ở thành phố Hồ Chí Minh vừa được Bộ Xây dựng cho phép bằng văn bản xây dựng thí điểm căn hộ có diện tích từ 20 – 30m2 trong chung cư thương mại. Liệu loại hình căn hộ “bỏ túi” này có thích hợp với thị trường Đà Nẵng ?
Gần 30m2 mà đã thế, huống gì…
10m2 nhưng 2 người ở, để 2 chiếc xe máy là hết chỗ xoay xở, nhưng không dám thuê nhà rộng hơn vì túi tiền quá hẹp. |
Sau khi sự kiện Công ty TNHH Đất Lành (TP. Hồ Chí Minh) trình làng dòng sản phẩm căn hộ siêu nhỏ, chỉ 20m2 (ngang 2,8m, dài 7m) gồm bếp, nhà vệ sinh, ban-công, có thể bố trí đủ một giường ngủ kiêm chức năng bàn làm việc, bàn ăn, được các cơ quan truyền thông đưa tin, đã có những nhận định ban đầu của giới hành nghề liên quan đến địa ốc ở Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Nam, chuyên viên Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho rằng đây là một loại hình nhà ở có diện tích dưới mức cho phép của Bộ Xây dựng, việc xây dựng nó cần cân nhắc thật kỹ về nhiều phương diện. Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển nhà ở - Kinh nghiệm của CHLB Đức và Việt Nam” tổ chức tại Sapa và Hà Nội từ ngày 19 đến 24-7 vừa qua, vấn đề nên hay không nên xây dựng căn hộ “bỏ túi” cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận. Theo ghi nhận của ông Nam tại hội thảo, có nhiều ý kiến tán thành, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Khi được hỏi, chuyên gia Đức cho rằng trước đây ở Đức cũng từng có căn hộ siêu nhỏ, nhưng chỉ làm manh mún một vài địa phương rồi thôi chứ không quy mô đến mức cần phải có sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng như ở nước ta.
Vậy, Đà Nẵng thì sao?
Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng Nguyễn Công Lang trả lời ngay: Căn hộ 20m2 hoàn toàn không thích hợp với Đà Nẵng. Từ năm 2005, Đà Nẵng đã có một số căn hộ 29,5m2 ở chung cư Vũng Thùng dành bố trí cho các cán bộ độc thân về công tác ở Đà Nẵng. “Nhưng khi họ có gia đình, cần phải di chuyển đến chỗ rộng hơn mà nếu mình không có thì họ buộc phải ở chỗ cũ, mỗi khi người thân đến ở lại thì rất khó khăn, bất tiện. Vì thế, UBND thành phố không cho phép xây căn hộ quá nhỏ như thế nữa” – ông Lang cho biết.
Ông Phạm Văn Ái, bảo vệ khu chung cư A1 Vũng Thùng, cho biết chung cư có tất cả 61 căn hộ, trong đó có 4 phòng rộng 29,5m2, nhưng chỉ 2 phòng có người ở. Tuy nhỏ là vậy, nhưng phòng số 410 có hai người độc thân cùng ở chung, vừa rồi, một người lập gia đình đã “ra riêng”. Làm bảo vệ từ cuối năm 2006 (thời điểm chung cư được đưa vào sử dụng) đến nay, ông Ái nhận thấy rằng, nhà ở 29,5m2 không thể thích nghi, như phòng số 212 chẳng hạn, bước vào là gặp ngay lavabo và nhà vệ sinh, còn lại thẳng tuồn tuột từ trước ra sau, sinh hoạt bất tiện.
Ăn chắc mặc bền
Sinh viên đến Đà Nẵng đang “khát” chỗ ở. |
Vì sao có chuyện... ngược đời như thế? Ông Trần Văn Nam phân tích: “Đất đai ở TP. Hồ Chí Minh thuộc loại đắt đỏ, dân nhập cư vào có thể tạm thời mua căn hộ chung cư 20m2, sau có điều kiện sẽ chuyển đến nơi ở rộng hơn. Người dân Đà Nẵng (và người nhập cư vào Đà Nẵng) sẽ cân nhắc khi bỏ ra một số tiền quá lớn để mua một căn hộ chung cư quá nhỏ như thế, trong khi cũng với số tiền đó, họ có thể dễ dàng mua được khu đất rộng đến 100m2 theo giá hiện nay rồi lên kế hoạch xây nhà và, tất nhiên, ở sẽ thoải mái hơn nhiều”.
Nếu xây căn hộ chung cư “bỏ túi”, như nhận định của ông Nam, để cho công nhân, sinh viên thuê thì có thể được, có điều, cần khảo sát thật kỹ trước khi bắt tay vào kinh doanh. Theo một khảo sát không chính thức thì hiện có khoảng 70-80% số công nhân, sinh viên ở Đà Nẵng không muốn vô chung cư, mặc dù nhu cầu nhà ở đang trở nên bức xúc. Lý do: ở chung cư giờ giấc gò bó và không thể chia sẻ tiền thuê nhà.
Với sinh viên, Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê” quy định (tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6): Tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở sinh viên được thiết kế tối thiểu là 4m2/sinh viên. Theo đó, nếu nhà chung cư 20m2 thì được phép ở tối đa 5 sinh viên, nhưng nếu ra ngoài thuê, thì chừng đó diện tích có thể nhồi nhét thêm để giảm tiền thuê nhà tính trên đầu người.
Cô công nhân KCN Hòa Khánh tên Phương, người Quảng Bình, hiện ở chung với một sinh viên Trường Cao đẳng Đức Trí tại một phòng lợp tôn cho thuê ở tổ 46 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, trả 600 nghìn đồng mỗi tháng. Căn phòng có kích thước 3,2 x 3,2 mét với một gác lửng bằng gỗ có diện tích bằng nửa căn phòng. Cô thú thật, lương mỗi tháng 1,2 triệu đồng thì dù có nóng bức, chật chội cũng phải ráng mà ở, chứ ở phòng rộng hơn thì giá cao hơn. Hằng, sinh viên, “hàng xóm” của Phương, người Kon Tum, thuê nhà cũng giá đó, không có gác lửng nhưng có la-phông và rộng hơn chút ít: “Mỗi lần học bài là phải bỏ bàn xếp lên giường, tiền chật nên chấp nhận ở phòng chật”.
Thu nhập thấp, người miền Trung ăn chắc mặc bền. Đó là lý do mà những đơn vị kinh doanh địa ốc như Công ty TNHH Hưng Phú (Đà Nẵng) đắn đo khi muốn xây nhà “bỏ túi” cho thuê. Công ty đang xây dựng khu nhà ở cho công nhân với 183 căn hộ rộng 60 - 68m2 tại Khu đô thị Công nghiệp Hòa Khánh. “Xây nhà 20 - 30m2 cho thuê ư? Với thị trường Đà Nẵng thì phải khảo sát thật kỹ” – Giám đốc Công ty Nguyễn Doãn Đông khẳng định.
VĂN THÀNH LÊ