.

Kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám (19.8): Một thành tựu vĩ đại

.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Ý nghĩa và tầm vóc của cuộc cách mạng này không chỉ ở một thời điểm mà còn tạo nên niềm phấn khởi cách mạng mãnh liệt trong nhân dân để bước vào xây dựng chính quyền cách mạng, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và David Marr (Ảnh do Gs. Phan Huy Lê chụp) vào đầu năm 1996.

Cách mạng Tháng Tám đã để lại những bài học quý báu về phát huy sức mạnh toàn dân, về nghệ thuật dự đoán thời cơ, tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Trong hơn 60 năm qua, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà sử học từ các nước Pháp, Nhật, Mỹ, Na Uy…

Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám đối với lịch sử Việt Nam, năm 1961, nhà sử học Pháp, giáo sư Ch. Fourniau đã có bài đăng trên tạp chí Cộng sản ở Pháp (số tháng 9) chuyên luận “Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam”. Ông xem “Cách mạng Tháng Tám là điểm tập trung của phong trào dân tộc và dân chủ, hai trào lưu lớn xuyên qua toàn bộ lịch sử nước Việt Nam”, và “nhờ có Cách mạng Tháng Tám mà nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Mácxit – Lêninnit của mình, đang đi trên con đường vinh quang độc lập và hạnh phúc, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội mà hiện nay Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang ra công xây dựng”. Furuta Motoo trong cuốn sách “Việt Nam trong lịch sử thế giới” xuất bản ở Nhật năm 1995 cho rằng, người Việt Nam đã được hồi sinh từ thắng lợi của cuộc cách mạng này. Ông viết: “Thông qua việc tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Tám mang tính quần chúng và toàn quốc này mọi người đã tìm ra con người mới của chính mình”. Wiliam Duiker trong cuốn “Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam - nhìn từ bình diện so sánh”, xuất bản ở Colorado (Mỹ) năm 1980 thì xem đây là “một thành tựu hùng vĩ và là bằng chứng của sự lãnh đạo ngày càng tinh vi của Đảng do nhận thức được động lực của cách mạng Việt Nam”, và “Không có gì lạ là cuộc Cách mạng Tháng Tám hiện nay được coi như là một mô hình cổ điển cho quá trình đấu tranh cách mạng tương lai ở Việt Nam”.

Về mặt quốc tế, Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lần đầu tiên thắng lợi ở một nước thuộc địa. Là một cuộc cách mạng thắng lợi triệt để nhất trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tổng Bí thư Trường Chinh trong cuốn “Cách mạng Tháng Tám” khẳng định: “Dù người ta muốn hay không muốn, cách mạng Việt Nam đã thành một bộ phận của cuộc vận động vĩ đại của loài người xây dựng hòa bình và dân chủ. Nhân dân Việt Nam đã hiểu nhiệm vụ quốc tế của mình trong thời kỳ sau chiến tranh này”. Cuộc cách mạng này đã mở đầu thời kỳ suy sụp không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trang bìa cuốn sách của David Marr.

Từ năm 1945 đến năm 1960 đã có khoảng 40 nước ở các châu: Á, Phi, Mỹ La tinh đứng lên giành độc lập. Hệ thống thuộc địa của Pháp từ chỗ nguyên vẹn, hoàn chỉnh trong một chỉnh thể thống nhất thì đến những năm 1960 đã bị sụp đổ, chỉ còn lại 1% diện tích và 1/70 cư dân là còn nằm trong sự kiểm soát của đế quốc Pháp.

Thống nhất với nhận định của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà sử học Pháp Fourniau khẳng định, cuộc cách mạng này “là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng nhất của lịch sử cận đại”, nó “đã giáng cho đế quốc Pháp một đòn nghiêm trọng, làm cho nó đã suy yếu lại bị bể vỡ một mảng lớn. Việc này nêu lên một tấm gương chung cho các thuộc địa”. Nhìn nhận ở tính đi tiên phong trong việc đánh đổ chủ nghĩa thực dân Pháp, ông còn cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám thành công trước tiên ở Việt Nam, trước tất cả các nước thuộc địa khác, là một trong những sự kiện báo trước sự sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa mà bản tuyên ngôn 81 Đảng Cộng sản [Hội nghị năm 1960 ở Matxcơva] đã xem như một trong những đặc điểm của thời đại chúng ta”.

Nhiều nhà sử học khác cũng cùng nhận định. Stein Tfnesson, một nhà nghiên cứu trẻ làm việc tại Viện Nghiên cứu hòa bình thế giới Oxlo (Na Uy), trong cuốn sách “Việt Nam năm 1945, Rudơven, Hồ Chí Minh và Đờgôn trong một thế giới chiến tranh” xuất bản năm 1991 nhận định: “Tuyên bố độc lập của Việt Nam năm 1945 mở ra thời kỳ phi thực dân hóa ở châu Á, tiếp đến là châu Phi”. Giáo sư sử học người Nhật Shibgo Shitaba ghi nhận đây là sự kiện lớn “đã tác động sâu sắc tới không những tinh thần của nhân dân tất cả các nước bị áp bức, mà còn của toàn nhân loại”. Tiến sĩ David G. Marr trong cuốn sách “Việt Nam 1945, sự tìm kiếm quyền lực” (do Nhà Xuất bản Đại học California ấn hành năm 1995, được giải thưởng John K. Fairbank về công trình nghiên cứu xuất sắc của Hiệp hội Châu Á học Mỹ, 1996) thì cho rằng: “Mặc dù nhỏ hơn nhiều về phạm vi, cuộc cách mạng của người Việt Nam xứng đáng đặt ngang hàng các cuộc cách mạng Pháp, Nga và Trung Quốc về các kết quả của sự phê bình, so sánh. Nó là một hình mẫu đầu tiên của cách mạng cấp tiến nổi lên trong một khung cảnh thuộc địa”.

Tất cả những nhận định trên đều cho thấy, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa to lớn đổi với lịch sử Việt Nam từ năm 1945 trở đi, mà còn có tầm vóc to lớn trong tiến trình lịch sử thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nội dung của cuộc cách mạng này hết sức phong phú nên dù đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu, song đến nay vẫn chưa thể nói đã tìm hiểu hết mọi phương diện của sự kiện lịch sử trọng đại này.

Ts. Ngô Văn Minh

 

;
.
.
.
.
.