.

Lịch sử trên đường phố

.

Khi nhìn lên bảng tên đường, ta thường bắt gặp những cái tên như gợi nhớ lại một trang sử hào hùng mà dân tộc ta đã trải qua, như 2-9, 30-4, 3-2, Núi Thành, Bạch Đằng, Hàm Nghi, Đống Đa, Cách mạng Tháng Tám, Yên Bái, K20, Bãi Sậy, Yên Thế. Thế nhưng, không phải ai cũng am hiểu lịch sử để có thể dễ dàng nói vanh vách về những tên đường.

Tên đường và sứ mệnh mới

Ở những đại lộ như Bạch Đằng, Hoàng Sa-Trường Sa, 30-4… rất cần những bảng thông tin cho người dân về tên gọi liên quan trực tiếp đến con đường ấy. (Ảnh chụp tại đường Bạch Đằng)

Khi nhu cầu tìm hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa ngày càng cao, thì tên đường không còn đơn thuần chỉ là cái tên để gọi. Nó còn mang sứ mệnh mới - sứ mệnh trong việc chuyển tải thông tin đến người dân. Bởi, không phải tự nhiên, những người có trách nhiệm lại lấy tên A (thay vì tên B) để đặt cho con đường mới mở.

Tại Đà Nẵng, những con đường mang tên sự kiện lịch sử không nhiều. Nó được chọn lọc để đặt tên cho vài con đường dài và khá “hoành tráng” của thành phố như Cách mạng Tháng Tám, Núi Thành, Bạch Đằng, 2-9, 30-4… Và, mới đây nhất, con đường dài 27km chạy dọc theo biển Đông từ Bãi Bắc (Bán đảo Sơn Trà) đến ranh giới tỉnh Quảng Nam được thành phố đặt tên Hoàng Sa -Trường Sa. Giữa lúc thông tin về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cả nước quan tâm thì việc đặt tên con đường này tại Đà Nẵng thật sự có ý nghĩa, một cách làm để nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ về những địa danh này trên mảnh đất Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó ban thường trực, Hội Người cao tuổi Đà Nẵng trăn trở, là người cao tuổi, chúng tôi luôn phải trả lời những thắc mắc của con cháu. Mấy lần dẫn cháu đi qua một con đường đẹp nào đó, cháu lại hỏi những câu như: “Yên Bái là tên của ông nào vậy ông?”. Trả lời: “Đó là tên của một vùng đất, chứ không phải là tên của ông nào cả”. Hỏi tiếp: “Tại sao tên vùng đất lại lấy đặt tên cho con đường? Tại sao không phải là chỗ này mà là chỗ kia?”. Những câu hỏi như thế này thường thì tôi không trả lời được. Ông nói: “Con nít hay thắc mắc, giá như người lớn chúng tôi có được những thông tin ngắn gọn, súc tích về sự kiện lịch sử gắn với tên gọi từng con đường. Bởi người lớn có thể truyền đạt kiến thức lại cho trẻ nhỏ. Đây cũng là cách để dạy trẻ em học lịch sử qua những tên gọi ấy”.

Yên Bái là tên của ông nào vậy ông?”. Trả lời: “Đó là tên của một vùng đất, chứ không phải là tên của ông nào cả

 
Thật ra, ý tưởng này không mới. Ở Việt Nam, đã có một số thành phố như Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… thực hiện những tấm bảng lược ghi về tiểu sử nhân vật, tên đường, tên sự kiện lịch sử vào những ngày lễ lớn. Dựa vào những thông tin ngắn gọn đó, người đi đường có thể “biết thêm một chút” về sự kiện, nhân vật lịch sử được chọn.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Mạnh Hồng, giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, việc đưa ra những thông tin ngắn gọn về một tên đường không phải là chuyện khó. Bởi, trước khi đặt tên đường, những người có trách nhiệm đã bỏ thời gian để tìm hiểu và kiểm tra thông tin. Vì vậy, việc lược ghi vài chi tiết mang thông tin cơ bản về tên nhân vật, sự kiện lịch sử, địa danh là việc trong tầm tay. Ví dụ, Cách mạng Tháng Tám diễn ra vào ngày, tháng, năm nào. Ý nghĩa lịch sử? Hay, tên gọi Bạch Đằng gắn với sự kiện lịch sử nào, ở đâu?... Trung Quốc rất thành công trong việc đưa lịch sử vào phim ảnh, khiến người dân trong và ngoài nước dù không học lịch sử Trung Quốc cũng nhớ mồn một từng chi tiết. Việt Nam không làm được như thế. Vậy tại sao ta không xem các bảng lý giải tên đường là một cách học lịch sử mới?

Mong muốn từ người dân

Tên gọi không xa lạ, nhưng không phải ai cũng am hiểu lịch sử để có thể dễ dàng nói vanh vách về nó…

Để mỗi tên đường là một điểm nhấn mang tính chuyển tải thông tin đến người dân là điều Đà Nẵng đang hướng đến. Từ đầu năm 2010, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) bắt đầu phát sóng chương trình tạp chí truyền hình với tên gọi Đà Nẵng phố. Chương trình chuyển tải đến khán giả về đặc điểm, vị trí địa lý, sự kiện lịch sử, địa danh… liên quan trực tiếp đến tên gọi của con đường. Dù vậy, ý kiến của một người dân sống trên đường 2-9 cho biết: “Việc báo chí nói qua chưa chắc người dân đã nắm bắt hết. Tôi nghĩ nên chăng ở các vườn hoa, công viên hay trước cổng UBND phường, quận…, thành phố đặt những tấm bia ghi tên, vài dòng tóm lược về tên đường có trên địa bàn phường, quận đó. Thông tin càng đơn giản càng dễ nắm bắt”.

Theo Phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở Giao thông-Vận tải, TP. Đà Nẵng hiện có 761 con đường đã được đặt tên, trong đó chỉ có gần 20 tên đường gắn liền với các sự kiện lịch sử. Từ nay đến hết tháng 8, đơn vị thi công sẽ tiến hành lắp đặt 330 trụ biển báo tên đường đối với 127 tuyến đường. Riêng tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Trường Sa được lắp đặt 47 trụ biển báo chỉ dẫn tên đường. Hiện nay, thành phố đang yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo cấp xã, phường giới thiệu các tên nhân vật, địa danh, sự kiện lịch sử... gắn với địa phương để đưa vào quỹ tên đường. Mời các nhà nghiên cứu tham gia xác minh những địa danh, nhân vật lịch sử trong quá trình đặt tên đường.

Cũng phải nói rằng, mỗi tên đường đều gắn liền với một sự kiện lịch sử quen thuộc, hầu hết được giảng dạy ở các bậc học phổ thông. Nhưng trong những kỳ thi, tuyển sinh đại học gần đây, khi môn Sử luôn có nhiều bài đạt điểm thấp thì việc trông chờ vào khả năng ghi nhớ lịch sử của học sinh là việc khó. Điều này càng làm tăng tính cấp thiết của việc đặt tên đường và trách nhiệm với tên gọi được chọn. Trách nhiệm ấy thể hiện trong việc tạo điều kiện cho người dân sống dọc con đường hiểu rõ hơn về nó.

Về điều này, ông Tánh cũng chia sẻ, việc tìm hiểu thông tin về vài con đường xung quanh khu vực mình sống là điều cần làm. Vậy thì tại sao, khi cho dân tiếp nhận bảng tên đường, những người có trách nhiệm không cung cấp cho chúng tôi về ngày, tháng, ý nghĩa lịch sử của tên đường đó. Như vậy, vừa giúp thông tin sâu rộng, vừa giúp người dân tiết kiệm thời gian tìm hiểu.

Đó là mong muốn thực cần thiết, bởi ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tên đường phố còn gắn liền với nhịp thở của đô thị, có ảnh hưởng lớn, quan trọng đến tất cả các doanh nghiệp và cư dân đường phố ấy. Phải chăng, tạo sự hiểu biết cho dân, là việc nên làm của những người có trách nhiệm.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.