Tôi đang ngồi chữa lại bài thơ vừa mới viết về kỷ niệm tuổi học trò để ngày mai ra Hoàn Lão dự hội trường. Tôi vốn là cựu học sinh trường cấp III Bố Trạch (Quảng Bình). Mái trường cấp III Bố Trạch để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm.
Gương mặt của các thầy cô, các bạn lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi... Bỗng tôi nghe tiếng gõ cửa. Tôi hơi chột dạ. Đã gần mười giờ đêm rồi mà ai còn đến tìm tôi vào lúc này? Nhìn qua khung kính, tôi thấy một người đàn ông tầm thước, tay xách cặp da, gương mặt trông rất quen. Tôi cố nhớ người đàn ông kia là ai, đã gặp ở đâu mà không tài nào nhớ được. Tôi thận trọng mở cửa. Vị khách nở nụ cười rất tươi:
- Nhà thơ quên tớ rồi à?
- Nhà thơ quên tớ rồi à?
Tôi hơi ngờ ngợ một tí. Nhưng cái giọng vùng Hạ Trạch - quê hương nhà thơ Lưu Trọng Lư của vị khách làm tôi nhận ra ngay người bạn vẫn ngồi cạnh tôi thuở tôi đang học phổ thông:
- Châu đó phải không? Phan Đình Châu!
Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau sau gần 30 năm biền biệt.
- Tớ trên đường vào dự hội trường, chợt nhớ đến món nợ với cậu tớ quyết định đi thẳng vào Huế gặp cậu, vừa để đòi nợ vừa để trả nợ cho cậu.
- Mình với Châu nợ nần gì nhau. Nhưng nếu có nợ nần thật chúng ta sẽ giải quyết sau. Bây giờ thì cậu phải tắm rửa, nghỉ ngơi cái đã!
Trong khi người bạn học cũ đang tắm, tôi ngồi vào bàn cố nhớ lại thời học sinh tôi đã nợ bạn và bạn đã nợ tôi cái gì? Tôi chợt nhớ đến C - cô bạn gái xinh đẹp mà cả hai chúng tôi đều có cảm tình? Sự thực thì hồi đó tôi có làm bài thơ ca ngợi hai hàng tóc mai rất đỗi dễ thương của nàng nhưng chỉ chép vào sổ tay. Hay Châu đã lén đọc được? Tôi biết Châu cũng mến C. Có thể vì bài thơ của tôi mà Châu tự nguyện rút lui để nhường “nàng thơ” cho tôi chăng? Bây giờ cậu ta về để đòi nợ đây? Tôi suy đoán và tủm tỉm cười một mình. Cả Châu và tôi đều để “sổng” mất người đẹp. Châu học giỏi, được chọn đi học nước ngoài rồi yêu và lấy Thanh (bạn cùng lớp). Hiện anh là giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Châu thùng thình trong bộ đồ ngủ sọc nâu, đến mở cặp da lấy ra chai rượu “ông già chống gậy”, thủng thẳng nói với tôi:
- Tớ muốn thức với cậu trọn đêm nay để thanh toán món nợ giữa hai chúng ta.
Té ra chuyện trả nợ mà Phan Đình Châu nói nguyên do là chỉ tại bài Vè ngủ gật! Hồi đó, Châu hay ngồi ngủ gật trong lớp, bị các thầy cô nhắc nhở, phê bình luôn nhưng chứng nào tật ấy. Tôi học giỏi văn, thầy giáo chủ nhiệm phân tôi phụ trách tờ báo tường. Tờ báo tường có chuyên mục góp ý phê bình những hiện tượng không tốt trong lớp. Tôi đã sáng tác bài Vè ngủ gật chế diễu Phan Đình Châu. Bài vè được thầy chủ nhiệm đọc to cho cả lớp nghe, làm Châu hết sức xấu hổ.
- Hồi đó tớ giận cậu lắm, cậu đã đưa tớ ra bêu rếu. Bài vè của cậu lan khắp cả trường. Nàng C, chắc là cậu còn nhớ hai hàng tóc mai của nàng chứ, gặp mình trêu: “Vè vẻ vè ve/ Nghe vè ngủ gật / Gió nồm lất phất / Thổi nhẹ vào phòng / Châu ngồi thong dong / Ngáp dài, ngáp ngắn / Lưng thời éo ắn / Cúi mặt xuống bàn / Nói chuyện lan man / Không nghe thầy giảng / Thế rồi chưa chán / Mắt cứ lờ ra / Ngủ gật, ngủ gà / Lúc nào không biết / Thầy giảng gần hết / Châu vẫn chẳng hay / Đến khi ngủ say / Thầy kêu lên bảng...” làm tớ thẹn chín cả mặt. Vì bài vè của cậu mà tớ không dám xáp mặt nàng nữa. Bây giờ tớ về đây để bắt đền cậu.
- Châu nhắc lại bài Vè ngủ gật mình mới nhớ. Mình thành thật xin lỗi cậu. Điều làm mình ân hận từ bấy đến nay là mình sống quá hời hợt. Lẽ ra mình phải tìm hiểu hoàn cảnh của Châu để thông cảm với bạn. Đằng này mình lại đưa bạn ra bêu rếu, diễu cợt bằng một bài vè. Giờ nghe Châu đọc lại mình cảm thấy bài vè mình viết hết sức ngô nghê. Chính C chứ không phải ai khác đã nói cho mình biết: Hồi đó hoàn cảnh gia đình cậu hết sức khó khăn. Cậu phải đi nơm cá suốt đêm để kiếm tiền ăn học. Vì thế mà đến lớp cậu cứ ngủ gà, ngủ gật. Giá biết điều đó sớm hơn, chắc chắn mình sẽ không sáng tác bài Vè ngủ gật. Một lần nữa cho mình thành thật xin lỗi cậu! Điều mà mình không thể hiểu được là vì sao cậu lại thuộc bài vè ấy cho đến tận bây giờ. Trong khi mình đã quên khuấy từ lúc nào.
Phan Đình Châu rót hai ly rượu thật đầy:
- Đúng là lúc đó tớ rất hận cậu. Cứ nhìn thấy cậu là tớ muốn tống một quả đấm vào mặt. Bài Vè ngủ gật của cậu cứ ám ảnh tớ. Thế là tớ nảy ra ý định phải làm cho cậu biết tay, cả C nữa, tớ phải trả thù nàng và cậu bằng cách riêng của tớ. Cách trả thù của tớ là phải học thật giỏi để C và cậu biết tay anh chàng ngủ gật! Như cậu đã biết, muốn học giỏi tớ phải quyết tâm chống lại những cơn buồn ngủ bằng rất nhiều cách, kể cả việc bôi ớt vào mắt cho nó cay xè... Và tớ đã thành công.
Hôm tổng kết lớp, thầy chủ nhiệm công bố danh sách những học sinh giỏi toàn diện, khi đến tên tớ, tớ đưa mắt nhìn cậu với cái nhìn đầy kiêu hãnh, chắc cậu còn nhớ? Nhưng sau này, ngồi ngẫm lại tớ mới thấy mình đúng là trẻ con. Tại sao đi căm tức một người đã giúp mình từ bỏ một thói xấu? Nếu không có bài Vè ngủ gật của cậu, nếu không có những lời trêu chọc của C chắc gì tớ được như hôm nay. Tớ biết cậu đã xuất bản mấy tập thơ. Thỉnh thoảng tớ cũng đọc được một số bài thơ của cậu in trên các báo nhưng tớ vẫn nhớ nhất bài Vè ngủ gật.
Và hai chúng tôi cùng nhau say sưa nhắc lại những kỷ niệm khó quên của đời học sinh rồi cùng “ngủ gật, ngủ gà lúc nào không biết”...
Mai Văn Hoan