.
Chuyện xưa xứ Quảng

Ký ức một ngôi làng

.
Đó là làng Quan Châu (địa danh hành chính hiện nay là Quang Châu–ĐNCT), nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Theo các bô lão, ban đầu, làng có danh xưng là Minh Châu, nghĩa là viên ngọc sáng. Về sau, do chữ “Minh” trùng với vương hiệu vua Minh Mạng nhà Nguyễn nên phải đổi lại là Quan Châu. Và, xung quanh chuyện đất và người làng Quan Châu, có một số câu chuyện kể khá lý thú...

Mô tả ảnh.
Nhà thờ tiền hiền làng Quan Châu.
 
1- Tích cũ ghi lại rằng vào đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng, khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, có bốn họ tộc là Trần, Đoàn, Lê, Huỳnh từ Bắc Hà đã đến vùng đất nay thuộc huyện Hòa Vang để khai khẩn đất hoang. Đầu tiên, họ đến Diêu Trì, nay thuộc xã Hòa Nhơn, nhưng do vùng đất này còn hoang vu, đầm lầy, nước đọng, lại đầy thú dữ... nên sau khi khai phá được khá nhiều đất đai, thấy một số bà con bị bệnh tật, cuộc sống cơ cực quá, họ quyết tìm vùng đất mới, ngày nay có tên là Quan Châu, thuận lợi hơn để lập nghiệp. Ban đầu, nơi đây hãy còn đất rộng, người thưa nên làng “mời” người tứ phương về cùng vỡ hoang, phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đó, các tộc tiền hiền đã xây dựng lên làng Quan Châu với dân cư đông đúc, đất đai trù phú như ngày nay.

2- Thời trước, đất làng Quan Châu rất rộng, ban đầu có ba ấp là Thượng Hòa ấp, Trung Hòa ấp, Hạ Hòa ấp; sau có thêm ấp Tân Hòa và hai xóm rừng là Thượng Lâm và Hạ Lâm. Ngoài ra còn có các xứ Cà Quá, Trà Minh, Cây Cốc, Quai Vạc, Kiều Liền, Mưng Nội, Mưng Ngoại, Bàu Đinh... Trước năm 1945, Quan Châu có nhiều cây lớn như cây trâm, cây da. Đặc biệt, có cây sợp rất to, cành lá bao phủ cả khoảnh đất ước cả sào. “Bấy giờ, chiều chiều lũ quạ đen không biết từ mô bay về đậu đen cả cây. Rồi, tới mùa sợp rụng lá, ra búp, nhân dân leo lên hái về xắt trộn với rau sống, ăn cũng rất ngon” - ông  Đoàn Tới, một lão làng đất Quan Châu, nhớ lại.

Cũng theo ông Tới, gốc cây sợp là nơi dân làng “gởi” những ông Táo nặn bằng đất sét đã cũ, là nơi các bà, các chị chuyên ăn trầu cau bỏ bình vôi đã trít miệng, không thể sử dụng được nữa. Hiện nay, do chiến tranh, cây sợp đã bị triệt hạ cùng với rừng Quan Châu.

3- Lại có câu chuyện kể rằng, ngay từ khi lập làng, để ghi nhớ công đức của những người đi trước, Quan Châu đã xây dựng nhà thờ tiền hiền, ban đầu bằng tranh tre. Mãi đến khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhà thờ mới được xây dựng quy mô với mái ngói, tường vôi, chạm khắc gỗ... Trong ký ức của lớp người cao tuổi, nhà thờ tiền hiền được xây một lần với đình. Làng rước thợ về xây lò đúc gạch, ngói. Còn chạm khắc gỗ là nghệ nhân làng mộc nổi tiếng Kim Bồng. Theo sự phân công của lý trưởng, thanh niên, tráng niên chia ra từng tốp. Cứ tối đến, hết tốp này đến tốp khác thay phiên nhau tập trung giã vôi để sáng mai có sẵn hồ cho thợ xây nhà. Đèn đuốc đêm nào cũng sáng choang. Trong lúc giã vôi, họ tổ chức hát hò rất vui.

Không chỉ có đình làng bề thế, nhà thờ tiền hiền trầm mặc, uy nghi... Quan Châu còn có hàng loạt nhà thờ các tộc, rồi cũng có miếu Thành hoàng làng, miếu Bà Giàng, miếu Tam vị... Cuối năm 1946, thực hiện chỉ thị của cấp trên, thanh niên được huy động phá hủy một số nơi mà thực dân Pháp có thể lợi dụng làm nơi ẩn nấp, trú quân khi xâm lược nước ta. Tuy nhiên, khi đến nhà thờ tiền hiền thì trời đã tối, mọi người đã mệt, vôi xây lại quá chắc nên... không phá nổi. Nhờ thế nên sau này, bà con không phải tốn tiền bạc để xây nhà thờ tiền hiền mới và nó thật sự trở thành di tích văn hóa, mang đậm nét kiến trúc của vùng ven Đà Nẵng hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

4- Dân làng bảo thời sơ khai, tuy bốn ông Tiền hiền vào cùng thời, khai khẩn cùng lúc nhưng công trạng với làng mỗi ông mỗi khác, không ông nào giống ông nào mà có “thứ tự”, “cấp bậc” hẳn hoi. Trong đó, đứng đầu là ông tộc Trần. Trong văn tế tiền hiền làng, ông tiền hiền tộc này được tôn là “Thủ khai thùy thống”, tức người lãnh đạo, chỉ huy việc khai khẩn. Đây cũng là người có công đầu. Kế đến là tộc Đoàn “Sáng nghiệp toản thống khai khẩn”, tức người có công mở mang sự nghiệp, kế thừa công cuộc khẩn hoang. Hai tộc còn lại là Lê, Huỳnh, công trạng ít hơn nên được suy tôn là “Khai cơ thiệu tự” và cuối cùng là “Toản tự”.

Ngoài tứ tộc tiền hiền, nhà thờ tiền hiền hiện thờ hơn hai mươi tộc hậu hiền. Điều đáng quý là, dù đến trước hay đến sau, các tộc đều sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.

Lại có câu chuyện kể khá lý thú là hồi cuối thế kỷ XIX ở Quan Châu có ông Tựu, nhà nghèo, ngày ngày phải vác bộ đồ nghề của thợ... đóng cối xay đi khắp nơi kiếm tiền nuôi con là ông Ba ăn học. Ông Ba vốn thông minh, học giỏi nên sớm đỗ đạt, sau được bổ nhiệm làm Cai Tổng. Ông trở nên giàu có, vung tiền ra mua ruộng đất. Nhờ vậy mà sau này, con cháu ông Cai Ba nhiều người giàu nức tiếng như các ông Cửu Hương, Cửu Học. Với các cụ cao tuổi, ông Cai Ba trở thành tấm gương về học hành đáng để cho con cháu noi theo...

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
;
.
.
.
.
.