.

Con đường phía bên kia sông

Nếu cầu Sông Hàn là biểu tượng của ý tưởng mở rộng khu đô thị về phía Đông của thành phố thì đường Trần Hưng Đạo là điểm nhấn đầu tiên, là thành quả sớm nhất trong việc thực hiện ý tưởng này. Lúc mới khai sinh, đường có tên gọi là Bạch Đằng Đông, còn Trần Hưng Đạo đã được đặt tên cho một con đường nhỏ nằm trong thành phố. Về sau này, nhận thấy đây là một vị anh hùng có công lớn với đất nước, thành phố đã quyết định đổi tên đường Bạch Đằng Đông thành đường Trần Hưng Đạo theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VI, ngày 12-1-2002.

Trần Hưng Đạo (1231-1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn, một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, văn võ toàn tài, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thời nhà Trần. Khi nhắc đến ông, người ta nhớ đến bài Hịch tướng sĩ nổi tiếng với lòng yêu nước thương dân, lòng căm thù giặc sâu sắc, là lời kêu gọi, động viên tinh thần chiến đấu của các binh sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này  bọc trong da ngựa ta cũng cam lòng”.
 
Những trận Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng là những chiến công vang dội thể hiện ý chí quyết đánh đuổi kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi, là lời thề giữ nước với một niềm tin tất thắng: Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù  / Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy nghìn thu (Trần Quang Khải). Trần Hưng Đạo được nhân dân tôn thờ không chỉ là một nhà quân sự thiên tài mà còn là người có đạo đức trong sáng, không ham phú quý, danh vọng và có lòng yêu nước thương dân vô bờ bến. Những năm tháng cuối đời, ông về sống ở Thái Ấp - Vạn Kiếp và mất tại đó. Tưởng nhớ đến ông, tưởng nhớ đến những vị anh hùng đã làm nên chiến công vang dội ở  cửa sông Bạch Đằng nên phía “bên ni sông Hàn”, từ lâu đã có một cái tên rất thực mà rất gợi - đường Bạch Đằng - một địa danh - chiến công - trang lịch sử oai hùng của dân tộc. Tên gọi ấy thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí bất khuất, kiên cường của một dân tộc trước mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Ở “bên tê sông Hàn” đã có đường Trần Hưng Đạo với chiều dài là 2.700m, rộng 15m, từ cầu Nguyễn Văn Trỗi chạy dọc bờ phía Đông sông Hàn đến đường Nguyễn Trung Trực phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Con đường này theo dọc bờ đông sông Hàn, qua đất xứ Hà Thân, một địa danh gợi nên trong lòng nhiều người bao ký ức của một thời mà cách đây chưa xa, con sông Hàn “nước xanh như tàu lá” chảy giữa lòng thành phố chia cắt đôi bờ thành hai khu vực với đời sống xã hội khác biệt.
 
Bên bờ tây là “phố xá nghênh ngang”, là sự sung túc, văn minh, còn bờ đông là sự lam lũ với những xóm nhà chồ chật chội, tối tăm. Phương tiện qua lại từ “bên ni” sang “bên tê” thành phố là một chiếc phà ngang. Năm 2000, cầu Sông Hàn được khánh thành và đưa vào sử dụng. Từ cây cầu này, đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo) ven bờ Đông sông Hàn cũng được hình thành. Sự khác biệt giữa hai bên bờ sông đã lùi vào quá khứ. Những khách sạn sang trọng, các công trình kiến trúc hiện đại tạo nên những nét riêng trong một không gian thoáng đãng. Vườn tượng là kết quả lao động miệt mài của 7 nhà điêu khắc Việt Nam và 4 nhà điêu khắc Na Uy trong năm 2006 với tổng số 12 bức tượng được trưng bày với nhiều chủ đề khác nhau. Tượng chân dung Phan Châu Trinh của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được tạc bằng chất liệu đá cẩm thạch trắng, hay tác phẩm Hòa hợp của nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken… tạo điểm nhấn nghệ thuật tạo cảm xúc mới lạ.

Bên cạnh không gian kiến trúc hiện đại, nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Đình làng An Hải thuộc thôn An Trung, phường An Hải Tây, quê hương của danh tướng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), người có công lớn trong việc khai phá vùng đất Hậu Giang, từ một vùng đầm lầy phèn chua nước mặn, trở thành vựa lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Đình làng An Hải được xây dựng có niên đại hơn 400 năm. Trong những năm đánh Pháp, đuổi Nhật, đình làng An Hải là nơi tụ hội quần chúng dấy lên phong trào yêu nước.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng An Hải cũng là nơi tập trung lực lượng cách mạng tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968. Lễ hội đình làng An Hải được tổ chức vào ngày thu tế hằng năm, 10-8 âm lịch với ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an. Dù trải qua bao năm tháng, vẫn còn đây những tên đất, tên làng, những truyền thống tốt đẹp từ nghìn đời vẫn còn lưu giữ trong lòng bao thế hệ.

Ngoài những điểm tham quan nổi tiếng, Đà Nẵng được biết đến như là một thành phố festival pháo hoa. Hằng năm, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế được tổ chức hai bên bờ sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo được chọn làm khán đài, là điểm hẹn lý tưởng cho những chuyến hành trình của du khách thập phương. Những cây cầu nối nhịp đôi bờ Đông - Tây như một nét son tô điểm cho dòng sông thêm thơ mộng, rực rỡ. Song song với những cây cầu đang nối nhịp, cầu Rồng thực sự là một bước đột phá trong kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố Đà Nẵng. Nằm trên trục lộ chính nối thẳng từ sân bay Đà Nẵng sang đường ven biển Hoàng Sa-Trường Sa đến đô thị cổ Hội An, cầu Rồng đang ngày đêm được thi công khẩn trương với quy mô rất đồ sộ, dài 666,6m, rộng 37,5m, có 6 làn xe chạy. Cầu Rồng sẽ là một sự góp mặt đáng kể trong việc lưu thông của thành phố và là điểm nhấn nổi bật của kiến trúc đô thị Đà Nẵng.

“Đà Nẵng vẫn nét duyên xưa, bên sông nay là phố mới điện giăng giăng như lưới nhạc, thành phố như mơ, Sông Hàn như thơ…”. Ở “bên tê sông Hàn” giờ đã thực sự khang trang. Một Đà Nẵng bên sông tráng lệ, huy hoàng và rực rỡ. Chúng ta sống và yêu hơn mảnh đất này, yêu những con người làm nên kỳ tích hôm nay, càng tự hào theo mỗi bước đi trên những con đường thênh thang rộng mở.

Nguyễn Minh Ánh
;
.
.
.
.
.