Cảnh sát Giao thông Đà Nẵng tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. |
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã xảy ra 99 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 66 người, bị thương 83 người. So với 6 tháng đầu năm 2009 tăng 29 vụ (tăng 37%), số người chết không tăng, không giảm và số người bị thương tăng 49 người (tăng 153%). Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này, theo đánh giá của Ban An toàn giao thông thành phố, không phải do tác động bởi yếu tố đường sá mà chủ yếu từ ý thức của người tham gia giao thông. Bởi, ý thức tự giác của con người hình thành từ những tác động khách quan đúng đắn, thường xuyên, liên tục. Hay nói đúng hơn, chỉ khi người dân có ý thức chấp hành luật như một hình thái văn hóa thì TNGT mới có thể hạn chế tối đa.
Những con số khác: Trong Tháng an toàn giao thông năm 2010, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP. Đà Nẵng đã phát hiện, lập biên bản 8.828 trường hợp vi phạm, tạm giữ 333 mô-tô, 9 ô-tô; tước quyền GPLX 92 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2009, việc lập biên bản vi phạm tăng 2.109 trường hợp, số tiền xử phạt tăng 1 tỷ đồng.
VHGT: Trở lại bài học đầu tiên
Văn hóa tiếng còi Không cần phải sang đến châu Âu, ngay một số nước lân cận như Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore..., bấm còi inh ỏi hay liên tục đã bị xem là vô văn hóa và bị coi thường. Nhưng tại Việt Nam thì ngược lại, chạy xe không bấm còi vô tội vạ mới lạ (!). Thông tư số 10/2009/TT- BGTVT ngày 24-6-2009 quy định còi lớn hơn 115 dB(A) không đạt tiêu chuẩn. Nghị định 34/2010/NĐ - CP (có hiệu lực từ ngày 20-5-2010) cũng ghi rõ sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với các lỗi vi phạm về còi xe. Dù vậy, điều đó chưa hạn chế được số đông vẫn thích dùng còi xe để thể hiện cái tôi của mình thì rất khó để thay đổi. Còi xe giờ đây không đơn thuần chỉ ô nhiễm tiếng ồn mà phần nào đã thể hiện VHGT tại Việt Nam, một thứ văn hóa còi cọc và chưa phát triển. |
Cần lưu ý, Luật Giao thông đường bộ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 29-6-2001 gồm 9 chương và 77 điều, thì ngay lập tức ngày 12-7-2001 Chủ tịch nước công bố. Chưa hề có luật nào công bố nhanh như thế, đủ biết giao thông đường bộ bức xúc và cấp bách biết bao! Bên cạnh đó, một số biện pháp được triển khai cho người tham gia giao thông thời gian qua có những ưu điểm không thể phủ nhận.
Chẳng hạn: Thứ nhất là việc tổ chức thi cấp bằng lái xe (mô-tô và ô-tô) trên toàn quốc, luôn luôn được thực hiện một cách nghiêm túc, phải học thật, thi thật, không thể chạy chọt, mua điểm, bán điểm. Thứ hai, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy trên các tuyến giao thông triển khai trên phạm vi toàn quốc, đang dần trở thành thói quen tốt với mọi công dân.
Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm đó, điều đáng băn khoăn, tại sao trên cả nước, TNGT vẫn xảy ra hằng ngày, hằng giờ? Vậy phải chăng, còn có nhiều vấn đề chệch choạc, chưa đồng bộ trong việc ứng dụng trật tự giao thông trong cộng đồng? Trong khi đó, nếu hỏi “VHGT” là gì, thì mỗi người luôn hiểu theo một kiểu khác nhau. Có người bảo thực hiện tốt luật lệ giao thông là VHGT. Người khác thì nói VHGT là cách ứng xử của mọi người khi tham gia giao thông, bao gồm cả một hệ thống dây chuyền: Văn hóa người tham gia giao thông, văn hóa người quản lý giao thông, văn hóa vỉa hè, văn hóa tiếng còi(!)...
Trên thực tế, cách tuyên truyền VHGT của chúng ta hiện nay vẫn nặng về khẩu hiệu mà thiếu đi những hướng dẫn cụ thể. Do đó, ở các ngã tư thường xảy ra ùn tắc giao thông. Nên chăng, ở những nơi này, cần có một lời nhắc nhở mọi người tự giác nhường nhịn, thân thiện, hòa nhã. Hoặc tại các vạch qua đường nên có lời nhắc: Nhường đường cho người đi bộ, như trước kia trên ô-tô khách vẫn có khẩu hiệu “Nhường già, nhường trẻ đẹp đẽ, văn minh”.
Theo GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án VHGT thì: “Cần gắn xây dựng VHGT với xây dựng nếp sống văn minh bởi cái đích cuối cùng của VHGT là xây dựng con người văn minh trong hoạt động giao thông từ việc thực hiện luật pháp đến ý thức trách nhiệm với cộng đồng”.
Muốn có VHGT, chúng ta cần phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, từ các khu dân cư, trường học, ngay từ khi trẻ mới chập chững. Hãy trở lại bài học đầu tiên, đơn giản như ông cha ta thường nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và kể cả “học đi”.
TRẦN TRUNG SÁNG