.

Nghề “làm nắng ăn mưa”

.
Một nhà thầu xây dựng ở Đà Nẵng cho biết, mỗi năm công ty ông có tới trên dưới 60 ngày công nhân “ngồi chơi xơi nước” vì mưa bão. Đó là một con số không nhỏ, thách thức những người làm nghề xây dựng phải tìm một giải pháp hiệu quả để “nuôi” công nhân và công ty khi thời tiết xấu.

Mô tả ảnh.
Kinh nghiệm của ông Mười Nhựt là “nắng làm ngoài, mưa làm trong”.
Công trình chạy... mưa

Thi công mùa mưa đụng đủ thứ nhọc nhằn. Ông Võ Ngọc Anh, Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần Xây dựng Sê Kông (có trụ sở tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) than phiền cái nghề xây dựng không thể nào phòng tránh được tác hại của thời tiết, rút kinh nghiệm rồi cũng bị ít nhiều. Công ty có 60 người, trong đó lao động trực tiếp hết 54 người. Năm ngoái, cả lực lượng tập trung xây khu nhà mới 3 tầng của Trường Cao đẳng Đức Trí ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Xong đâu vào đấy rồi, đổ quân xuống làm sân trường rộng khoảng 250m2 thì trời mưa liên tục, do ảnh hưởng của bão số 9 (Ketsana). Chưa kịp đổ bê-tông mặt sân dày khoảng 15cm thì mưa đã đổ... nước lên chừng đó rồi, chẹt nhẹt từ trong ra ngoài. Chờ khô ráo hẳn mới cày nền đất cũ lên, làm lại từ đầu.

Công nhân của công ty gồm nhiều nhóm nghề như nề, sắt, điện, điện lạnh. Trong lúc điện và điện lạnh hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết thì nghề sắt, nhất là thợ nề và phụ nề luôn phải “ngồi chơi xơi nước” vì cơn mưa gió thất thường của trời đất. Công ty ký hợp đồng lao động, mỗi ngày trả bình quân cho mỗi công nhân 120.000 đồng, nếu nghỉ làm do thời tiết thì trả 80.000đồng/ngày. Nếu một ngày công nhân nghỉ việc vì thời tiết, công ty đành chịu mất đi trên dưới 4 triệu đồng.

Những người đứng ra thành lập công ty từng sang làm nghề xây dựng ở tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Về nước, họ lập công ty lấy tên Sê Kông để vừa nhớ kỷ niệm xưa, vừa mở ra một hướng giải quyết việc làm để bù lại những thiệt hại do sự “đỏng đảnh” của thời tiết. Mùa này Đà Nẵng đang mưa, Sê Kông và Tây Nguyên thì trời đầy nắng. Chạy mưa Đà Nẵng, công ty dồn sức vào các công trình ở Lào và công trình xây dựng nhà máy tinh chế bột sắn ở tỉnh Kon Tum.

Tạo thu nhập ổn định cho công nhân

Kinh nghiệm của dân làm nghề xây dựng trong mùa mưa bão là cố gắng làm xong thật nhanh phần thô bên ngoài, có người gọi là phần vỏ. Khi đó, trời có “rớt nước mắt” thì thợ cũng có việc làm bên trong, không phải rủ nhau ngồi nhậu hay chơi bài tiến lên.

Anh Nguyễn Văn Thanh ở tổ 6 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, dẫn đội thợ nề thi công căn nhà của một giáo viên trong phường. Mấy hôm trước vừa đổ xong sàn bê-tông buổi chiều thì đến tối trời đổ mưa rầm rầm. Khuya đó nước ngập nhà kho tạm chứa xi-măng, chủ nhà phải huy động lực lượng lo kê kích, chằng chống. Ba ngày sau, thấy tạnh mưa, thợ thầy có mặt đủ cả, định đổ quân làm tiếp thì lại mưa xối xả. Đến trưa, đang thiu thiu chợp mắt thì Thanh nghe có tiếng thằng bé con của chủ nhà gọi “Chú ơi, ba con nói trời tạnh rồi, tranh thủ làm chứ không thì mưa tiếp”. Rút điện thoại a-lô một vòng, thúc anh em tới làm. “Lên giàn” tới chiều tối thì xong được mấy cây trụ tầng trên, mệt nhưng ai nấy đều vui.

Ông Nguyễn Nhựt (Mười Nhựt), nghệ nhân chuyên làm các công trình kiến trúc cổ, người Hòa Nhơn, Hòa Vang, nhận thi công một cụm công trình nhà thờ tộc Trần Duy ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông dẫn 25 thợ ra làm, hơn nửa năm gặp 2 đợt mưa lớn. Xa trên dưới 400 cây số, nếu không thu xếp, bố trí công việc khoa học, hợp lý thì nội cái chuyện “nuôi cơm” hằng ngày cho thợ cũng đủ mệt người chứ chưa nói đến chuyện phải trả lương cho việc thợ ngồi... trông mưa!

Kinh nghiệm của ông là “nắng làm ngoài, mưa làm trong”. Mưa, đúc các hoa văn, họa tiết (ông gọi là “đồ kép”) như hình tượng tứ linh, dao lá, thủ quyển... dưới nền nhà. Nắng, tập trung làm bên ngoài hoặc đưa những đồ đúc sẵn lên gắn trên mái, nóc. Ngày 21-8, ông dự lễ khánh thành bàn giao công trình, hôm sau về tới Đà Nẵng thì hay tin bão số 3 (Mindulle) đổ bộ vào Hà Tĩnh. Cả đội đều  thở phào nhẹ nhõm:  Trễ chút nữa là bị mắc bão rồi!

Khi cơn bão số 6 (Megi) đe dọa ngoài Biển Đông cùng với mấy trận mưa liên tù tì vừa qua thì ông đang thi công công trình xây dựng chùa Thanh Sơn (chùa Hòa Nhơn cũ) và nhà thờ tộc Nguyễn Bá ở làng Dương Sơn, xã Hòa Châu. Mưa mặc mưa, gió mặc gió, ông gọi đùa là mình biết cách “sống chung với thời tiết”, thời tiết thế nào ông cũng “chiều” được hết. Nhiều lúc ông đổ quân “đánh” quyết liệt vài ngày cho xong phần thô bên ngoài. Ông biết cách động viên, khen thưởng, có khi chỉ là một lời nói chân thành, nên anh em “lên giàn” từ sáng sớm tới tối mịt, bất kể giờ giấc. Thêm vào đó, ông cũng tay bay, tay thước lăn xả như mọi người nên ai cũng nhiệt tình với công việc. Bù lại, khi mưa xuống, mọi người sẽ làm việc nhàn nhã hơn.

Khi chúng tôi điện thoại xin gặp để thực hiện bài viết này, không ít người đã từ chối khéo, không phải ngại gặp nhà báo, nhưng thực tế là họ tất bật dưới công trường vì trời vừa hửng nắng sau cơn mưa dài ngày. Họ phải chớp lấy thời cơ, không hẳn là chuyện “làm nắng ăn mưa”, mà cái chính là duy trì sự tồn tại của công ty bằng việc tạo thu nhập ổn định cho công nhân của mình giữa mùa mưa bão.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.