.

Ngư dân mùa mưa bão

.
Vào mùa mưa bão, người ngư dân chỉ quen với thuyền, với lưới đành chấp nhận lên bờ. Ai may mắn thì kiếm được công việc khác thay thế, còn không cũng phải cố tìm cho mình một công việc nào đó để phụ giúp gia đình.

Mô tả ảnh.
Mùa mưa, anh Lê Đông tranh thủ sửa lại thuyền để chuẩn bị cho đợt ra khơi tiếp theo.
 
Tìm việc trên bờ

Ông Hoàng Văn Ba (50 tuổi), ở tổ 34, phường Thanh Khê Tây, mùa nắng vẫn theo anh em đi câu mực ngoài khơi, khoảng hai tháng mới về một lần. Bắt đầu vào mùa mưa bão hay biển động là ông lại phải xoay xở tìm việc mới. Nhà có 5 miệng ăn, là lao động chính nên ông phải ngược xuôi để lo cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Lên bờ, để tránh cảnh bó gối ngồi nhà, ông chạy xe ôm. Cứ sáng sáng, ông lại chạy ra ngã tư Thanh Khê chờ khách. “Bình thường làm xe ôm cũng bị tranh giành khách khiếp lắm, nhưng chỗ này, nhờ toàn là anh em, bạn bè, nên khi nào có khách thì chạy chứ chẳng ai giành giật gì với ai. Chịu khó đứng từ sáng đến tối cũng có đồng ra đồng vào”, ông Ba tâm sự.

Nhà có sạp hàng tạp hóa ở chợ, thường thì anh Nguyễn Văn Ni (tổ 16, phường Xuân Hà) đi biển, vợ anh ở nhà yên tâm chạy chợ, kinh tế gia đình cũng tạm ổn để nuôi các con ăn học. Đến mùa… lên cạn, ở nhà chơi thì không thể yên lòng, đi kiếm việc khác cũng khó. “Nhiều thợ hồ, thợ xây còn chẳng có việc mà làm, chạy xe ôm thì không quen khách, quen đường, không phải địa phận của mình, cũng chẳng dễ dàng gì có khách, thôi thì mỗi người mỗi nghề, chấp nhận mùa mưa ở nhà làm công cho vợ”, anh hóm hỉnh chia sẻ khi tay đang thoăn thoắt giúp vợ dọn hàng.

Giữa biển khơi, nhiều người rất thạo việc, nhưng khi lên bờ không kiếm được việc gì để làm cũng là điều dễ hiểu. Một vài người khác thì sống bằng nghề “tay trái” như làm thợ nề, thợ mộc… Dù không lựa chọn, nhưng mùa mưa công việc lao động phổ thông hạn chế, nhiều ngư dân chấp nhận “nghỉ ngơi”, giúp vợ con sửa sang lại nhà cửa để “đón” mưa bão. 

Không ra khơi được, việc buôn bán hải sản cũng giảm sút, thu nhập của nhiều gia đình sống bằng nghề đi biển bị hạn chế. Trong mẻ lưới muộn, với mớ cá ít ỏi trên tay, chị Trần Thị Phụng, phường Nại Hiên Đông thở dài: “Tất cả đều trông vào đồng tiền chạy chợ nhưng biển động, cá ít, tàu thuyền không đi xa được, chỉ có mớ cá con này chẳng ăn thua gì. Năm nào cũng phải xoay xở để tìm cách mưu sinh cho qua mùa mưa”. Chị nói, ánh mắt buồn rười rượi nhìn ra biển.

Sửa sang tàu thuyền- gia cố nhà cửa

Mô tả ảnh.
Mẻ cá ít ỏi của chị Phụng.
Đến khu chung cư trên địa bàn phường Thọ Quang khi trời chiều đang tắt nắng. Tiếng cưa, đục lạch cạch vang lên đều đều, ở đó anh Lê Đông đang cặm cụi sửa lại chiếc thuyền của mình để chuẩn bị cho mùa đi biển mới. Cũng như nhiều ngư dân, anh cũng muốn tìm một công việc khác trong những ngày không đi biển, chấp nhận làm thợ đụng, ai kêu gì làm nấy nhưng công việc này cũng chẳng hề đơn giản. Theo anh cho biết, khi có việc, người chủ chỉ muốn thuê những người thạo việc. Vì thế, lúc rảnh rỗi, anh thường ở nhà sửa sang lại thuyền chuẩn bị cho mùa đi biển mới.

Đến hẹn lại lên, mùa mưa bão về cũng là lúc người dân biển vừa lo việc mưu sinh trên cạn, vừa lo gia cố cửa nẻo để chống chọi với mưa gió. So với nhiều năm về trước, với bà con ngư dân bây giờ, mùa mưa bão không còn là nỗi ám ảnh quá lớn về những ngôi nhà tạm. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết. “Nhà cửa của người dân bây giờ cũng khá hơn, chắc chắn hơn. Bà con cũng không còn chủ quan như trước khi được thông báo đều có sự chuẩn bị chu đáo. Những ngôi nhà mái tôn đều được hướng dẫn chuẩn bị bao cát, dây chằng sẵn sàng để khi cần thì kịp thời gia cố”.

Thu Hà
;
.
.
.
.
.