Những bức phù điêu chạm nổi bằng đồng, những khối tranh hoành tráng cuộn lên, sáng lên, chói lòa trên nền đồng. Sắc đồng rực rỡ bập bùng như ngọn lửa.
Những bức tranh qua lửa
Tác phẩm Thư pháp và 12 con giáp của anh Nguyễn Văn Ngọc Bích. |
Vào chiến trường miền Nam năm 1969, trực tiếp chiến đấu ở Tiểu đoàn 10 đặc công thuộc Sư đoàn 2 lừng danh, ông là người tham gia trận đánh Đắc Tô-Tân Cảnh và cũng là người phác thảo, xây dựng Tượng đài Chiến thắng Đắc Tô-Tân Cảnh sau này. Bản lĩnh của người lính “vào sâu đánh hiểm, đánh từ trong đánh ra, đánh như nở hoa trong lòng địch” đã tạo cho ông lựa chọn chất liệu gò đồng để sáng tạo nên tranh nghệ thuật, một thể loại mà người nghệ sĩ khi vẽ tranh phải dùng búa, dùng đe và lửa.
Phần lớn những sáng tác của ông là mảng đề tài về chiến tranh cách mạng. Nhiều tác phẩm đã đoạt các giải thưởng trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc và khu vực. Nhiều bức tranh được lưu giữ trong các bảo tàng cùng nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước. Tranh của ông cuộn chắc màu đồng hun như trong tác phẩm “Tổ mũi nhọn” khắc họa những chiến sĩ đặc công “xương sắt, da đồng” căng mình trước giờ vào trận; cuộn dâng như thác đổ trong tác phẩm “Trung dũng kiên cường”, lan tỏa nhẹ nhàng như tác phẩm “Sự tích Ngũ Hành Sơn”.
Có khi, là vẻ đẹp nên thơ của các nữ chiến sĩ trong tranh “Dừng chân bên suối”; phảng phất đó đây hương rừng gió núi cùng âm vang tiếng cồng Tây Nguyên bên ghè rượu cần trong tác phẩm “Men rừng” và đặc biệt là hàng chục bức tranh hoành tráng có độ cao trên 10 mét phải sử dụng cả hàng chục tấn đồng. Đó là các công trình được trưng bày trong Nhà Văn hóa khu 5, Nhà truyền thống Bưu điện Quảng Nam, Nhà Văn hóa truyền thống các quận, huyện và quân binh chủng; được treo trang trọng trước đại sảnh của những công trình kiến trúc, được trang trí nội thất cho các nhà hàng, khách sạn lớn.
Tranh đồng của họa sĩ Mai Ngọc Chính là những tác phẩm nghệ thuật đích thực và sẽ được lưu giữ vững bền qua thử thách của thời gian. Với dáng người chắc đậm, ít nói nhưng hễ đã đụng đến búa và đồng thì dưới bàn tay của ông mọi đường nét, mảng khối đều hiện lên như có hồn. Ông tâm sự: Nghề đúc đồng có thể tạo khuôn rồi đúc ra hàng loạt, còn gò đồng là một công việc sáng tạo thực thụ, gắn với cảm xúc của người nghệ sĩ. Tranh vẽ trên đồng bị giới hạn bởi không gian và kỹ thuật, công việc lại nặng nhọc nên rất ít người theo học, chưa kể đến công đoạn mà bất cứ bức tranh đồng nào cũng phải trải qua đó là nung tác phẩm qua lò lửa, cứ như là: “phi nhập hỏa bất thành đồng họa” (không qua lửa không thể thành tranh đồng).
Sáng giá tranh đồng
Không kể những tác phẩm gò đồng hoành tráng có giá trị hàng trăm triệu đồng, mà nhiều bức tranh đồng khổ nhỏ với mức giá vài chục triệu vẫn đang được các công ty, công sở, nhà hàng, khách sạn sang trọng đặt làm. Những bức phù điêu bằng thạch cao phun nhũ giả đồng trước đây không còn là mốt thời thượng. Cuộc chơi bây giờ phải là đồng thật, tranh đồng đang là một đẳng cấp sáng giá.
Người có đơn đặt hàng làm tranh đồng không kịp nghỉ tay là anh Nguyễn Văn Ngọc Bích hiện ở 73 Tôn Đản, quận Cẩm Lệ. Tuy không qua trường lớp cơ bản nhưng anh lại có niềm đam mê hội họa đến cháy lòng. Anh vốn là chiến sĩ trinh sát của đơn vị pháo binh thuộc Sư đoàn 307, chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trở về sau chiến trận, anh Bích theo họa sĩ Mai Ngọc Chính làm tranh gò đồng. Anh rất tự hào khi được đóng góp tài hoa của mình vào các công trình điêu khắc như “Tượng đài chiến thắng Đắc Tô-Tân Cảnh”, tranh “Bác Hồ và các chiến sĩ ở Đền Hùng” cùng nhiều bức tranh “Quang Trung tung vó ngựa tiến vào thành Thăng Long”, “Vũ điệu Chăm pa”…
Anh Nguyễn Văn Ngọc Bích thực hiện tác phẩm tranh gò đồng tại nhà riêng. |
Họa sĩ Mai Ngọc Chính giới thiệu tác phẩm tranh gò đồng tại nhà riêng 225 Đống Đa, Đà Nẵng. |
Điều đáng nói là nếu họa sĩ Mai Ngọc Chính thể hiện những tác phẩm có kích cỡ to với những mảng khối lớn mang tính hoành tráng, thì Nguyễn Văn Ngọc Bích lại khá thành công trong những bức tranh khổ nhỏ đậm chất trang trí với nhiều họa tiết tinh vi và tiểu xảo. Anh vẽ hình tượng con rồng phải gò từng chiếc vẩy, vẽ mặt trống đồng phải tỉa từng họa tiết của con chim lạc, vẽ tranh 12 con giáp phải chạm đến từng sợi lông, tranh nhỏ mấy cũng khắc được, tranh to đến đâu cũng gò xong. Tác phẩm dân gian của anh được đặt làm hàng loạt. Khách hàng của anh có những đại gia khá sành nghệ thuật, họ cho rằng: tranh của anh, thư pháp của anh có linh khí của hồn thiêng sông núi.
Tranh đồng bền về chất liệu, cô đọng về nội dung thể hiện, bút pháp sáng tác đòi hỏi phải cao tay. Thật tự hào khi có những người lính - nghệ sĩ đã và đang thực hiện những công trình đó. Sắc màu của đồng đã cháy lên trong cuộc sống.
Lê Gia Thụy