Karaoke (KRK), hiểu một cách nôm na, đây là một hình thức tiêu khiển bằng cách hát theo lời dưới hình thức phụ đề và giai điệu âm nhạc do thiết bị KRK cung cấp. Trở về “nguồn cội”, KRK do ông Inoue Daisuke người Nhật phát minh vào năm 1971, khi ông 31 tuổi. Ngay khi mới ra đời, KRK đã sớm trở nên phổ biến và nổi tiếng, nhất là ở Đông Á.
KRK du nhập vào nước ta khoảng 20 năm trước. Lúc mới du nhập, nó là một thứ thú giải trí xa xỉ, một dạng dịch vụ cao cấp. Dần dần nó trở thành phổ thông và bình dân hơn, từ thành phố, thị xã, sau đó lan đến tận vùng thôn quê.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của loại hình giải trí này, theo sau nó là những hệ lụy, tiêu cực cũng có mà tích cực cũng có. Về tiêu cực, đáng chú ý nhất là một số biến tướng không lành mạnh, mà khá phổ biến là cái người ta hay gọi là “KRK ôm”. Nó phát triển đến mức, làm nhiều người hiểu sai về KRK. Một điều muốn nhắc đến nữa là loại hình KRK tại gia. Sự phát triển mang tính tự phát của hình thức giải trí này đã gây ra không ít phiền toái cho hàng xóm và cư dân xung quanh. Đã không hiếm trường hợp những nhóm KRK tự hình thành sau vài chầu bia rượu sương sương, “cảm hứng âm nhạc” nổi lên, vậy là thi nhau hát, không chỉ cho riêng mình mà cho cả hàng xóm cùng… bị “thưởng thức”.
Về nội dung của các bài hát. Những năm đầu, tại các điểm hát KRK chủ yếu là những bài hát dạng nhạc sến, nhạc trước năm 75, nhạc tiền chiến, trong đó có cả những bài hát ủy mị, thậm chí có cả bài phản động do du nhập từ những băng đĩa trôi nổi có xuất xứ từ hải ngoại. Sau rồi, nội dung ngày càng phong phú, nhạc xanh, nhạc đỏ, hay có dở có, nội có ngoại có, có thể đáp ứng nhu cầu hát của đủ mọi đối tượng, kể cả khách Tây, khách Tàu.
Một nhược điểm mặc dù có cải tiến nhưng cơ bản vẫn chưa làm người hát thỏa mãn cho lắm là việc hình ảnh minh họa cho các bài hát nhiều khi chẳng ăn nhập gì với nhau. Chẳng hạn bài hát về quê hương đất nước Việt Nam lại minh họa bằng cảnh núi cao tuyết phủ hay cảnh phố xá ồn ào, xe cộ ở tận trời Tây. Bài hát cách mạng lại chiếu cảnh trai gái yêu đương, bài về đồng quê lại minh họa cảnh thành phố... Đó là chưa kể việc nhạc đệm không đúng với bài hát gốc hoặc hiện chữ sai với nguyên bản, tùy tiện, phản cảm.
Một sự cách tân, đổi mới có tác dụng tích cực của KRK là hình thức thi hát KRK. Đây là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh ngày càng trở nên phổ biến. Người ta có thể tổ chức thi hát KRK trên mạng, để sau đó bình chọn ra người hát hay nhất mà người hát không phải đi đâu, chỉ ngồi trước màn hình máy tính tại nhà. Cũng có thể thi hát trực tiếp tại hội trường, trên sân khấu mà trước mặt diễn viên nghiệp dư là màn hình và một Ban giám khảo gồm những người hiểu biết về âm nhạc, và tất nhiên điểm chấm không phải là qua máy, mà là sự đánh giá nghiêm túc cả về chủ đề bài hát, cách hát, cách diễn xuất.
Người hát càng ít nhìn màn hình, càng diễn xuất tốt, hát khớp lời, khớp nhạc là càng dễ đạt điểm cao hơn những người chỉ chăm chăm nhìn vào những hàng chữ chạy trên màn hình hoặc hát nhạc đi đằng nhạc, chữ đi đằng chữ. Phải nói rằng đây là hình thức sinh hoạt văn hóa ít tốn kém vì không phải đầu tư nhiều. Càng ngày, hình thức này càng được nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng. Lúc đầu là thi hát đơn ca, bây giờ đã có thi song ca, hát có múa phụ họa, hát cả tân nhạc và cổ nhạc.
Đến những năm đầu của thập niên này của thế kỷ 21, KRK đã có những bước tiến dài về trang thiết bị, hình thức và nội dung. Có những điều tiêu cực liên quan đến KRK đã mất đi, và cũng như những cái tích cực xuất hiện và phát triển. KRK vẫn làm cho người ta có lúc này lúc kia chán nản hay ưa thích, mê đắm. Để rồi tựu chung lại, KRK không dễ gì mai một. Chỉ mong là, càng ngày người ta sẽ càng nghĩ tốt, nghĩ hay về nó, tạo điều kiện để nó phát huy được tính tích cực, góp phần trong việc làm cho cuộc sống tinh thần của chúng ta thêm phong phú, lành mạnh và hữu ích.
Dân Hùng