Linh mục Nguyễn Trường Thăng, hiện quản xứ Hội An, là người đang có những bộ sưu tập đá kiểng khá độc đáo, quý hiếm. Nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn quản xứ Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam (1975-1989), qua quá trình nghiên cứu về văn hóa Chămpa, linh mục Thăng cũng từng bước hình thành nên bộ sưu tập nói trên. Trong nhiều cuộc triển lãm của Hội Sinh vật cảnh tại Đà Nẵng, những bộ sưu tập của linh mục Thăng từng được nhiều huy chương và luôn thu hút giới thưởng ngoạn.
Tuy nhiên, điều đáng nói, trong số các bộ sưu tập gồm nhiều khối đá cảnh với hình dạng tự nhiên, phong phú, nhiều người khá bất ngờ khi nhận ra bộ chân dung danh nhân bằng đá, với những nét sống động tạo nên những gương mặt quen thuộc gần gũi như: Chúa Giêsu, nhạc sĩ Mozart, nhạc sĩ Văn Cao, kiến trúc sư Kazik...
Để người thưởng ngoạn thuận lợi trong việc đối chiếu, so sánh, bên cạnh mỗi chân dung bằng đá, linh mục Thăng luôn kèm theo một chân dung nhỏ (tượng, hoặc ảnh) có nét mô phỏng tương tự của người được đặt tên.
Hán tự gọi thú chơi đá cảnh là ngoạn thạch, đòi hỏi nghệ thuật rất công phu. Người chơi đá còn phải có nhân duyên mới truy tìm được cục đá như ý, vì đây là món quà vô giá của thiên nhiên mà con người không thể tạo tác được. Họ luôn quan tâm cái nội hàm của cục đá hơn hẳn cái hình sắc bề ngoài của cục đá. Ví dụ vẻ đẹp bên ngoài của con người là xác thân, phần bên trong của con người mới là “hồn phách”. Hơn thế nữa, nguyên tắc cơ bản hàng đầu của thú chơi đá cảnh là phải giữ nguyên hình dạng của đá, bất kỳ một sự can thiệp nào của con người thêm vào sẽ làm viên đá không còn giá trị.
Còn với linh mục Thăng, chơi đá cảnh và nhất là chân dung đá cảnh, phải có thời gian chiêm nghiệm, lắng nghe ngôn ngữ của đá, thì mới hiểu ra cái ý nghĩa lạ lùng của đá. Việc “lắng nghe” ấy, có khi diễn ra một thời gian rất dài, có khi xảy ra trong chớp nhoáng. Chẳng hạn, vào khoảng năm 1999, một người bạn đem đến nhờ linh mục Thăng xem vài khối đá nhỏ, đầu tiên linh mục Thăng không mấy thích thú, nhưng chỉ 5 phút sau, linh mục nhận ra trong đó có một chân dung nhạc sĩ Văn Cao. Thế là từ ấy, “chân dung Văn Cao” đi đến đâu cũng được trầm trồ, khen ngợi (đã triển lãm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Trong khi đó, chân dung nhạc sĩ Mozart, sau khi để một thời gian dài, linh mục Thăng mới nhận thấu, đặt đúng tên gọi.
Chân dung Chúa Giêsu được linh mục Thăng đặt tên là Bể dâu, có lẽ là một pho tượng sống động hơn cả. Thoáng nhìn, một cách thật tự nhiên, người xem đã cảm nhận ra ngay một gương mặt chứa đựng, gánh trải những ý nghĩa triết lý giữa đạo và đời.
Ở mỗi chân dung sưu tập, linh mục Thăng cũng thường có những kỷ niệm đặc biệt về chính con người thật hoặc về pho tượng đá. KTS Kazik - nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho di sản văn hóa Mỹ Sơn, từng là người bạn thân thiết của linh mục Thăng, khi linh mục quản xứ Trà Kiệu. Lúc Kazik đột ngột qua đời, linh mục Thăng kể lại: “Vào một ngày tháng 5 năm 1997, thủ đô Paris đầy nắng đẹp, phố xá nhộn nhịp đông vui, tôi bỗng nhận được thư của một người bạn báo tin: “Ngày về chỉ còn mấy tháng nữa, nhưng linh mục sẽ không gặp lại người bạn thân, một nghệ sĩ tâm huyết...”. Linh mục Thăng đã thốt lên: “Kazik đã chết thật rồi sao? Tôi không thể cầm được nước mắt. Một mất mát quá lớn. Năm trước, Kazik viết thư mời tôi sang Ba Lan thăm quê hương anh, nhưng rồi hình như anh cứ mải mê ở Việt Nam, nên ở Paris, tôi cứ mãi đợi chờ tin tức. Bây giờ, tất cả lùi về vùng trời kỷ niệm quá khứ”. Chính vì vậy, khi ngang qua một bãi truông, gặp một khối đá thô tháp có hình dạng Kazik, linh mục Thăng cảm nhận như một cuộc hội ngộ diệu kỳ với người bạn tri âm.
TRẦN TRUNG SÁNG