.

“Rừng Na Uy”, từ tiểu thuyết đến màn ảnh

.
Với sự thành công của các bộ phim Xích lô, Mùi đu đủ xanh,  Mùa hè chiều thẳng đứng, I come with the rain, lần này đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng lại mang đến cho khán giả một cảm xúc mới khá ấn tượng với bối cảnh của nước Nhật từ những năm 1960 qua bộ phim “Rừng Na Uy”. Theo đạo diễn Trần Anh Hùng, việc chuyển thể phim từ cuốn tiểu thuyết cùng tên là một thách thức lớn vì phải diễn tả bằng hình ảnh sự cô đơn và những cảm xúc nội tâm của các nhân vật. Phim sẽ phát hành tại 36 nước và dự kiến sẽ ra mắt tại Nhật vào ngày 11-12 và công chiếu tại Việt Nam vào ngày 31-12.
 
Mô tả ảnh.
Bìa sách “Rừng Na Uy” xuất bản tại Anh.
Bộ phim “Rừng Na Uy” (có tên tiếng Nhật: Noruwei no mori) dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, được xuất bản lần đầu vào năm 1987. Với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính là chàng sinh viên Watanabe Toru. Chàng thanh niên trẻ này đã trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều cô gái trẻ ưa tự do. Nhưng cậu ta cũng có những mối tình sâu nặng và bị giằng xé nội tâm với tình cảm giữa hai người phụ nữ là Naoko, người yêu của người bạn thân nhất của mình, và với Midori. Nhân vật Naoko trong chuyện và trong phim là một cô gái bị khủng hoảng sau cái chết của người yêu, sống trong tâm trạng cô đơn, tuyệt vọng, phải vào một bệnh viện tâm thần và cuối cùng đã thắt cổ tự tử. Trong khi đó, Midori là một cô gái dịu dàng, trong sáng và tươi trẻ, một người có thể vượt lên trên những thay đổi của tình yêu và cuộc sống. Các nhân vật trong truyện hầu hết là những con người cô đơn móc nối với nhau. Có những nhân vật đã phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi đau đớn ấy.

Câu chuyện xảy ra với bối cảnh nước Nhật những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản, cũng như thanh niên nhiều nước khác đương thời, đấu tranh chống lại những định kiến tồn tại trong xã hội. Murakami miêu tả những sinh viên cải cách này như những tên đạo đức giả và thiếu sự kiên định. Tác phẩm này đã đưa Murakami trở thành một trong những nhà văn hàng đầu của Nhật Bản. Sau khi xuất bản, cuốn sách được bán chạy hơn 10 triệu bản tại Nhật và 2,6 triệu bản trên khắp thế giới bằng 36 thứ tiếng. Bản tiếng Việt được dịch và phát hành lần đầu năm 1997. Tuy nhiên, câu chuyện trong phim được kể theo thứ tự thời gian chứ không theo dòng hồi tưởng như trong tiểu thuyết gốc.
 
Trước khi bắt tay vào làm phim, đạo diễn Trần Anh Hùng đã phải mất 4 năm mới thuyết phục được ông Murakami đồng ý cho phép chuyển thể phim từ cuốn sách của ông. Tuy nhiên, nhà văn Murakami cũng đưa ra 2 điều kiện: Ông phải được xem bản thảo phim và muốn biết ngân sách để làm bộ phim này. Trong khi đó, việc sử dụng ca khúc “Norwegian Wood” làm ca khúc chủ đề cho phim cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù bộ phim quay xong vào tháng 8 năm ngoái nhưng việc thương thảo để lấy bài hát của The Beatles làm nhạc nền phải chờ đến tháng 12 mới được chấp thuận. Ca khúc “Norwegian Wood” được thu âm lần đầu năm 1965 cho album “Rubber Soul” của The Beatles cũng được lấy từ nguồn cảm hứng của cuốn tiểu thuyết này.
 
Bộ phim như một bức tranh tuyệt sắc nhờ những góc quay tuyệt đẹp, miêu tả khung cảnh thiên nhiên Nhật Bản thơ mộng, cố ý làm nổi bật màu xanh mơn mởn của cây cỏ, màu trắng băng giá của tuyết và ánh vàng buồn bã hắt ra từ bóng đèn phòng tắm. Tất cả đều nhằm vào ấn tượng thị giác của người xem. Diễn viên Rinko Kikuchi đảm nhận vai Naoko đã từng được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim Babel. Còn vai Midori do người mẫu Kiko Mizuhara đóng và cũng là vai diễn đầu tiên của cô. Trong khi đó, vai Watanabe do diễn viên Nhật Kenichi Matsuyama đóng.
 
Đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết, kể từ khi đọc cuốn “Rừng Na Uy” lần đầu vào năm 1994, ông luôn muốn được chuyển thể phim từ cuốn tiểu thuyết này. “Tôi đã đọc một số chuyện tình, nhưng cuốn này rất đặc biệt. Cuốn sách bộc lộ chút bóng tôi trong chúng ta. Câu chuyện về tình yêu và tình yêu đã mất. Nó là về cảm giác chấp nhận, dàn hòa với cuộc sống sau khi mất mát những người thân yêu”, ông nói.
 
Bộ phim “Rừng Na Uy” cũng đã được đề cử giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice lần 67 hồi tháng 9-2010. Nếu như Harry Potter là bộ phim được trông đợi nhất năm 2010 của giới trẻ châu Âu, thì “Rừng Na Uy” chính là bộ phim mà giới trẻ châu Á đã mong chờ suốt gần 1 năm qua nhờ nội dung cốt truyện mang đậm màu sắc châu Á. Tuy nhiên, khán giả cũng đặt câu hỏi rằng, liệu đạo diễn Trần Anh Hùng có làm nên sự khác biệt nào hay không khi dòng phim tâm lý của các đạo diễn Việt từ trước tới nay thường thể hiện thiếu trọng tâm.
 
Gia Huy
;
.
.
.
.
.