.

Vẽ bức tranh xuân

.

Cứ mỗi dịp xuân về, người Việt thường có tục lễ chùa và hái lộc đầu năm để cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc sống. Khung cảnh này dường như đã vẽ thêm một bức tranh xuân với nhiều gam màu của lễ hội, hòa quyện vào thế giới tâm linh của mỗi người. Tất cả như gặp nhau ở tâm hồn hướng thiện, cầu an…

Đầu năm đi lễ chùa

 

Mô tả ảnh.
Bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt luôn thu hút người dân đến cầu nguyện.

Sắp sửa sang xuân, dù thời tiết còn khá lạnh, nhưng trong khuôn viên một số ngôi chùa lớn tại Đà Nẵng như chùa Linh Ứng, Bà Đa (Ngũ Hành Sơn), chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Bán đảo Sơn Trà), chùa Quang Minh (Hòa Minh, Liên Chiểu), chùa Pháp Lâm (đường Ông Ích Khiêm), chùa Phổ Đà (đường Phan Châu Trinh)… vẫn có rất đông người đến lễ. Những lư hương trước sảnh chùa nghi ngút hương trầm, tạo nên một không gian không kém phần linh thiêng, ấm áp.

 

Chị Nguyễn Vân Anh, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đi cùng con gái đến thắp hương tại chùa Bà Đa chia sẻ: “Với tôi, đi chùa là để cầu mong cho người thân sức khỏe, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, thấy tâm mình được bình yên giữa cuộc sống xô bồ”. Được biết, mọi năm gia đình chị thường đi lễ Phật tại chùa Linh Ứng (Ngũ Hành Sơn) nhưng từ khi chùa Bà Đa khánh thành, chị hay đến đây vì chùa gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại.

Cũng như chị Anh, nhiều người tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản là để cầu nguyện cho bản thân, gia đình mà đó còn là khoảng thời gian để mỗi người tìm về với cửa Phật, mong muốn tâm hồn được tĩnh tại sau một năm làm ăn vất vả, mưu sinh. Bởi vậy, hầu như năm nào, vào giờ giao thừa, mồng một, phần lớn cửa chùa đã luôn rộng mở đón người dân đến thỉnh Phật những điều tốt đẹp nhất cho gia đình mình. Hòa với tiếng chuông ngân, mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa, đứng trước tượng Phật Bà Quán Thế Âm hiền từ, đức độ, dường như mỗi người đều thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Trong niềm vui của ngày đầu năm, Đại đức Thích Thông Đạo, Trụ trì chùa Bà Đa cho biết: “Triết lý nhân quả của Phật giáo luôn dạy người phật tử phải ăn ở hiền lành, trung thực. Ngày nay, vào dịp đầu năm, ngoài tăng ni phật tử, có rất nhiều người “ngoại đạo” cũng đến viếng cửa chùa để tìm thấy sự bình yên, cầu mong may mắn sẽ đến trong cuộc sống”. Số tiền hơn 12 tỷ đồng xây dựng chùa Bà Đa đều do các tổ chức doanh nghiệp, gia đình phật tử gần xa đóng góp, phải chăng là kết quả của một lối sống hướng thiện, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh của mỗi người?

Hái lộc xuân cầu may mắn

Mùa xuân đến, vạn vật hồi sinh, cây cối đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa khoe sắc thắm, lòng người rộn rã đón chào năm mới. Rất nhiều người, sau khi cùng gia đình quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa đã đi đến đình, chùa hoặc những nơi tôn nghiêm để “hái lộc” đầu năm. Đó như một nét văn hóa không thể thiếu trong cái Tết của người Việt. Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như cây cỏ. Trong tiết trời dịu nhẹ của mùa xuân, từng chồi non nhú lên thể hiện sức sống đầy sinh lực, một khởi đầu tốt đẹp khi năm mới bắt đầu. Cành lộc được chọn thường là loại cây khỏe mạnh, tươi tốt, mang dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và lòng nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Còn hái lộc non từ những cây đa, sung, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất trong con đường công danh, sự nghiệp…

Bạn Lê Thị Thu Sương, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng vui vẻ nói: “Từ ngày còn học cấp 3, đầu năm, mình thường cùng nhóm bạn rủ nhau đi chùa Quang Minh để xin lộc. Dù mình không tin lắm chuyện hái lộc sẽ mang lại may mắn, nhưng nói thật, từ khi có cành lộc để trên bàn thờ, mình cũng thấy lòng bình yên và vui vui”. Người dân trên địa bàn quận Liên Chiểu thường đến chùa Quang Minh hái lộc còn vì lý do, trong khuôn viên chùa có tượng Phật Thích Ca lộ thiên cao 20m ngồi trên bệ cao 10m, rộng 8m. Bên trong tượng có cầu thang đi lên, tại tầng trên cùng, người ta có thể nhìn được toàn cảnh thành phố, nhất là trong dịp Đà Nẵng đang khoác tấm áo nhiều màu sắc để mừng xuân.

Chung mong muốn cầu cho gia đình đầu năm may mắn, anh Nguyễn Phước Hiệp, một du khách Hà Nội có mặt tại Đà Nẵng dịp đầu năm tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi có mặt tại Đà Nẵng vào dịp năm mới. Vì lẽ đó, tôi và bà xã sẽ kết hợp du xuân, hái lộc tại ngôi chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Đây là ngôi chùa có tượng Phật Bà Quán Thế Âm lớn nhất Việt Nam, nằm trên đỉnh ngọn đồi cao hơn 100m. Điều tôi ấn tượng nhất là tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới bình yên cho những ngư dân đang vượt khơi xa tìm luồng cá. Tôi hy vọng điều này sẽ mang lại may mắn cho chúng tôi trong năm mới”.

Đầu năm, nhiều trẻ nhỏ cũng được cha mẹ cho đi lễ chùa, chạm tay vào tượng các vị La Hán, cầu mong có được trí thông minh, học giỏi. Các cụ già đi chùa với mong muốn một năm mới sức khỏe dồi dào, gia đình yên ấm, con cháu làm ăn khấm khá, an vui...

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.