.

Câu chuyện aw kamei Cham

.
Mỗi bận chị mặc áo ngắn là mẹ la: “Hư raglai?” Mày người rừng à?

Theo ý mẹ, phải là aw kamei Cham - áo dài Chăm thì mới là Chăm. Không thì là người thuộc sắc tộc nào đó không biết. Hay tệ hơn: Dân tộc chưa văn minh. Mẹ la chị thế, để răn em gái tôi. Vẫn câu đó lặp lại, tôi nghe mãi từ thuở xà lỏn. Riết thành quen. Thế là chị chạy biến vào nhà thay. Nhưng rồi thế nào đó, nực quá với sẵn mẹ vắng nhà, chị lại mặc aw Ywơn. Mặc sức mà ham chơi bay nhảy với lũ bạn.

Mô tả ảnh.
Nữ sinh với áo dài Chăm.
 
Mẹ thì khác. Tôi chưa lần nào nhìn thấy mẹ mặc áo ngắn. Cùng lắm là “áo nhỏ” là thứ áo lót trong, những lúc mẹ tắm. Hầu hết phụ nữ Chăm đều thế cả.

Nói chi các bà mẹ, mấy cô thiếu nữ Caklaing quê tôi những năm sáu mươi, không ai là không aw kamei Cham. Phải là gia đình nghèo rớt hay mấy đứa không biết gì mới không thủ sẵn hai, ba bộ trong rương.

Nửa thế kỷ sau thôi, tình trạng đã khác. Khác lắm rồi. Cô gái Chăm mắc cỡ vì aw kamei Cham!

Nhưng hưỡn đã!

“Tiến bộ” này cũng có quá trình của nó. Thuở Trường trung học Pô-Klong, tất cả nữ sinh đều mặc đồng phục áo dài và váy. Một màu trắng tinh. Năm 1971, mỗi thứ Hai đầu tuần, trường còn tuyển mười cô gái xinh nhất mặc aw bak kwang đứng xếp hàng hát chào cờ nữa. Rất đẹp mắt! Mô-đen lúc này là lai áo được nâng lên khá cao để lộ ra phần váy dài chấm gót, điệu không kém. Còn các kiểu cổ áo thì chị em mặc sức cách điệu. Cả vài cô nữ sinh Parik vào học Pô-Klong cũng đua nhau khoe kiểu áo, váy. Được biết, người nữ Chăm Phan Rí lúc này đã lây nhiễm văn minh, sinh hoạt ở nhà đã ăn mặc như… Kinh. Nên mỗi lần đám học sinh chúng tôi vào chơi bắt gặp, các bạn chạy ù vào nhà thay áo với váy. Ừa, cũng được. Còn biết mắc cỡ với… y phục phi Chăm, thì không gì phải trách nhau cả. Hòa cả làng. Bởi dẫu sao, chị em còn biết xấu hổ khi chối mình là Chăm.

Aw kamei Cham là dấu hiệu bề ngoài phân biệt Chăm với các sắc dân khác. Mẹ la chị là vậy. Dù với kiểu áo bó tay, mỗi lần cởi là mỗi bận mẹ réo ơi hỡi chị “mày tới phụ kéo với tao”. Áo với váy, càng khác càng tốt. Không có chi là phân biệt đối xử cả! Nên, dù thời cuộc có thay đổi đến đâu, hãy giữ lấy nó – bà con nghĩ vậy. Để còn nhận được mặt nhau, nhận mặt mũi Chăm, giữa mênh mông thiên địa này.

Mùa xuân năm 1993, vừa thoắt nhìn thấy ba phụ nữ mặc áo váy Chăm thất thểu và ngơ ngác trước cửa chợ Thị Nghè, nhạc sĩ Tantu dừng xe chạy tới hỏi thăm. Biết là các chị luân lạc miền Tây mót lúa kiếm sống trên đường về nhà túng quẫn, đang tìm người quen xin tiền xe về. Giữa bao la đất Sài Gòn này, làm gì gặp người quen! Thế là anh hú anh em chúng tôi gom mỗi người một ít giúp chị em về quê an toàn.


Bàn về bản sắc thì rất khó.

Áo dài Việt có phải là bản sắc Việt không? Chưa hẳn! Bởi nó mới chỉ có mặt từ thời Pháp thôi. Thơ Mới của Việt Nam cũng vậy, nó chỉ được vay mượn thơ Lãng mạn Pháp cuối thế kỷ XIX. Vậy mà cả hai thứ đó bây giờ là bản sắc Việt. Khi cả cộng đồng sử dụng nó trong thời gian đủ lâu, khi nó đẹp, và khi ta gọi nó là bản sắc thì nó chính là bản sắc.

Áo dài Aw kamei Cham là bản sắc Chăm. Là chuyện khỏi bàn!

Mô tả ảnh.
Phụ nữ Chăm với áo dài, ganrang và tua tai (ảnh trái). Thiếu nữ Chăm đội lu nước về làng. Ảnh: Inrasara
 
Câu chuyện 1. Bác Hồ khi thăm một trường đồng bào dân tộc, đã ngạc nhiên hỏi: Tại sao trường dân tộc thiểu số mà toàn các cháu Kinh học? Ông hiệu trưởng mới bảo: - Thưa Bác,  là học sinh dân tộc đó Bác à? – Học sinh dân tộc sao lại mặc áo Kinh? Ông hiệu trưởng ú ớ. Từ đó trường này đồng phục áo dân tộc.
Chuyện mang hai ý. Bác Hồ luôn chủ trương đồng bào dân tộc thì mặc áo dân tộc, nhất là cánh học sinh. Vậy nếu nhà trường nào bảo học sinh dân tộc mặc áo dài Việt đi học là sai. Ý thứ hai: Không mặc áo dân tộc là lỗi của học sinh, chứ không lỗi tại Ban giám hiệu.

Câu chuyện 2. Một chiều, đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, ông chú ở palei Bauh Dơng ghé thăm tôi đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á tại Trường Đại học Khoa học & Xã hội TP. Hồ Chí Minh. Để tiện hàn huyên nỗi quê nhà, hai chú cháu kéo nhau ra quán cà-phê cóc trước cổng trường ngồi. Chuyện đang ngon trớn, đột ngột chú quay sang hỏi:

- Mấy cô gái Chăm học ở đây trắng trẻo quá nhỉ.
Chú chỉ trỏ mấy nữ sinh viên mặc “váy” đang bước vào cổng.
- Có đâu! Tôi quay sang chú, nói - Mấy cô gái Nhật, Hàn đấy chứ Chăm mình đâu.

Chú vẫn chưa hết ngạc nhiên: - Sao họ lại mặc váy Chăm? À, thì ra chú nhà quê cứ nghĩ mỗi Chăm mới có váy. Hiểu ý chú, tôi hỏi:

- Đẹp không?
- Đẹp quá đi chứ.

Ừ, nó đẹp. Rất đẹp nữa không chừng. Chiếc váy [Chăm] với bao nhiêu cách điệu đầy sáng tạo kia. Nó làm sang trọng người nữ. Vậy sao chị em Chăm không nghĩ cách sáng tạo cho nó tiện hơn, đẹp hơn, với phong phú thêm vào mà tính chuyện vứt nó đi.

Hỏi có uổng không chớ?!

Có thể rút ra kết luận: Thứ nhất, sinh viên Nhật, Hàn thì không lạc hậu rồi. Thứ hai, váy Chăm không bất tiện như mọi người kêu. Cuối cùng, nếu biết cách điệu, váy Chăm còn đẹp trăm lần các thứ quần khác!
Các bạn thấy đó, aw kamei áo dài và khan váy Chăm vừa đậm đà bản sắc vừa đẹp. Còn nếu các bạn nữ nào muốn từ chối mình là Chăm thì... chịu.

Inrasara
;
.
.
.
.
.